“Lỗ hổng” CIA

ANTĐ - Chuyện bất ngờ nhưng lại là sự thật khi Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang phải đối mặt với nguy cơ bị các tổ chức khủng bố cài nội gián. 

Kín cổng cao tường như trụ sở CIA cũng không còn là nơi bất khả xâm phạm
với các tổ chức khủng bố

Tờ “Bưu điện Washington” dẫn lời một quan chức cho biết vài năm trở lại đây, CIA phải sàng lọc nhiều hồ sơ xin việc có thông tin không rõ ràng. Điều tra sau đó cho thấy trong số này, cứ 5 hồ sơ có 1 trường hợp “khổ chủ” có dính líu tới các nhóm khủng bố cực đoan. Được biết Hamas, Hezbollah và Al-Qaeda là những cái tên được đề cập tới nhiều nhất khi các cơ quan chức năng Mỹ rà soát các hồ sơ xin việc cá nhân vào những vị trí trong ngành tình báo Mỹ.

Thực tế CIA đã từng phải chịu nhiều cú tổn thất lớn do nội gián. Chẳng hạn như vụ đặc vụ kỳ cựu Aldrich Ames, người bị Cơ quan tình báo Liên Xô mua chuộc, đã tiết lộ danh tính của 25 điệp viên CIA, 10 trong số họ đã bị tử hình, làm tê liệt nhiều mạng lưới của CIA ở Liên Xô. Hay như Snowden, cựu nhân viên CIA là một kỹ sư làm thầu phụ cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) – người tiết lộ chương trình nghe lén toàn cầu của Mỹ làm Washington lao đao, đang bị nghi là điệp viên hai mang…

Trong quá khứ, việc các tổ chức khủng bố tấn công CIA cũng đã từng xảy ra. Điển hình là vụ đánh bom tự sát ở    Afghanishtan làm 7 điệp viên của tổ chức tình báo lớn nhất thế giới này thiệt mạng. Nguyên nhân là do tổ điệp viên CIA đóng tại tỉnh Khost, Afghanistan đã tuyển nhầm những kẻ đánh bom liều chết thành cơ sở mật cung cấp thông tin tình báo cho mình. Hậu quả là chính những kẻ này đã thực hiện vụ tấn công tự sát, gây ra vụ tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử CIA khi hoạt động ở nước ngoài.

Việc các nhóm khủng bố mở chiến dịch đánh ngay vào nội bộ cơ quan được coi là “tai mắt số 1 của nước Mỹ” là chiến thuật hoàn toàn mới. Mục đích thì ai cũng biết: tìm những kẽ hở trong hệ thống an ninh của nước Mỹ để mở các cuộc tấn công khủng bố vào Mỹ. Sau khi phát hiện “hiện tượng lạ” trong quá trình sàng lọc hồ sơ xin việc của CIA, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đã phải mở cuộc điều tra diện rộng đối với ít nhất 4.000 nhân viên được phép truy cập thông tin mật. Rà soát hoạt động sử dụng máy tính sau đó đã cho thấy nhiều dấu hiệu đáng nghi trong mạng lưới nội bộ, bao gồm việc một số nhân viên truy cập vào các cơ sở dữ liệu không liên quan trực tiếp tới công việc của họ hoặc tải về những thông tin mật.

Không biết các biện pháp ngăn chặn của NSA hiệu quả đến đâu nhưng quá khứ cho thấy đây là công việc vô cùng khó khăn. Năm 2011, sau khi  mạng Wikileaks phát tán hàng trăm nghìn hồ sơ mật về hoạt động quân sự và ngoại giao của Washington, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Giám đốc Tình báo Quốc gia J. Clapper xây dựng một chương trình phát hiện gián điệp tự động nhằm giúp phát hiện các điệp viên hai mang và ngăn chặn những vụ rò rỉ tương tự xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, một số trì hoãn và việc áp dụng không đồng nhất giữa các cơ quan đã khiến chương trình trị giá hàng triệu USD này không thực sự hiệu quả. Hậu quả là bùng nổ E. Snowden sao chép thành công hàng loạt tài liệu mật của NSA và tung lên mạng hiện nay.

Xem ra, việc bịt những lỗ hổng trong nội bộ đang là thách thức lớn với CIA.