“Lỗ hổng” chi tiêu công

(ANTĐ) - Trong khi ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ với những giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, một cuộc hội thảo về vấn đề kiểm soát và nâng cao hiệu lực của chi tiêu công vừa diễn ra tại Hà Nội.

“Lỗ hổng” chi tiêu công

(ANTĐ) - Trong khi ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ với những giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, một cuộc hội thảo về vấn đề kiểm soát và nâng cao hiệu lực của chi tiêu công vừa diễn ra tại Hà Nội.

“Điểm nóng” của hội thảo là gì? Chi tiêu công ngày càng khó kiểm soát và tình trạng bội chi lãng phí, tham nhũng và thất thoát. Đó là những “lỗ hổng” khó kiểm soát khiến cho việc nâng cao hiệu lực quản lý chi tiêu công rất khó khả thi.

Tại 8 Bộ, ngành địa phương, qua kiểm toán đã phát hiện số tài sản mua sai chế độ, sai mục đích lên tới 95 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước nhận định, trong chi đầu tư năm 2007, hầu hết các dự án đều sai sót, trong đó phổ biến là “căn bệnh” nghiệm thu không đúng thực tế, sai chế độ. Tổng số tiền “sai sót” này lên tới 723,8 tỷ đồng.

Trong chi tiêu thường xuyên thì có tới 16/29 tỉnh được kiểm toán “sờ” đến (hơn 50%) đã chi hỗ trợ, chi thường xuyên không đúng chế độ, không thuộc nhiệm vụ chi với số tiền hơn 800 tỷ đồng. Cộng dồn tổng số tiền chi tiêu công mà kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý lên tới 13.000 tỷ đồng, tức là tương đương nguồn thu ngân sách của 13 tỉnh, thành phố. Một “điểm nóng” rát hiện nay đang được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự là bội chi ngân sách. Thực tế cho thấy, hầu như năm nào nước ta cũng bội chi, con số 8% bội chi năm 2008 được coi là “đỉnh cao” bội chi trong nhiều năm trở lại đây.

Một câu hỏi khó có lời đáp là: Vì sao lại xảy ra bội chi cao khi mà năm 2008 nước ta chủ trương tiết kiệm 10% trong chi thường xuyên và cắt giảm đầu tư công? Theo tính toán, năm 2008 toàn bộ chi thường xuyên vào khoảng hơn 230.000 tỷ đồng. Như vậy, số tiền 10% tiết kiệm tương ứng phải là 23.000 tỷ đồng. Vậy mà, chi tiêu thường xuyên vẫn vượt dự toán hơn 13%. Theo các chuyên gia trong cuộc hội thảo, có thể kiểm soát và bịt được “lỗ hổng” chi tiêu công, tuy là công việc không mấy dễ dàng.

Tuy vậy, điều đáng lo ngại là bản thân kiểm toán Nhà nước cũng như các cơ quan khác lại đi sau chi tiêu công. Nói cách khác là kiểm toán Nhà nước chỉ “hậu kiểm” khi mà các khoản chi công “vung tay quá trán”, lãng phí, thất thoát đã... hoàn tất. Không những thế, kiểm toán Nhà nước chỉ được “quyền” kiến nghị xử lý chứ không thể ra tay xử lý. Thế nên, tình trạng trây ỳ, không chấp hành thực hiện kiến nghị của kiểm toán Nhà nước là rất dễ hiểu.

Có một “công cụ” để kiểm soát khá hữu hiệu, song lại khá nhỏ bé về tầm vóc, đó là thông qua kho bạc Nhà nước. Năm 2008, kho bạc đã phát hiện 45.000 khoản chi của 16.500 lượt đơn vị “vượt rào” không chấp hành đúng thủ tục, chế độ với số tiền từ chối thanh toán lên tới 320 tỷ đồng. Từ đó đến nay, các đơn vị này lại từ chối thanh toán số tiền khoảng 30 tỷ đồng chi sai chế độ mỗi tháng.

Với cơ chế và khả năng của kiểm toán Nhà nước và kho bạc Nhà nước, việc kiểm soát những “lỗ hổng” chi tiêu công rõ ràng là vô cùng khó khăn. Hệ thống chính quyền, công quyền, hành chính là đối tượng trực tiếp kiểm soát chi tiêu, thụ hưởng nhưng đồng thời cũng chính là đối tượng gây ra thất thoát, lãng phí chi tiêu công. Vì thế, khi kiểm soát đã khó khăn thì việc nâng cao hiệu lực của chi tiêu công cũng là “lỗ hổng” khó lấp kín.

Đan Thanh