Lo giá sữa tăng khi bỏ trần

ANTD.VN - Từ ngày 1-1-2017, việc bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 30-4-2015 của Chính phủ sẽ kết thúc. 

Sữa cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ không còn bị áp trần giá 

Bộ Tài chính cho rằng, việc bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã mang lại nhiều kết quả tích cực, cụ thể là giá sữa đã giảm. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc bỏ trần giá sữa là cần thiết nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Giá sữa đã giảm

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến hết năm 2016, cơ quan quản lý giá từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện kiểm soát, quản lý đối với toàn bộ hơn 900 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo nguyên tắc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chủ động đăng ký, kê khai giá bán  sản phẩm trong phạm vi mức giá tối đa quy định.

Bên cạnh đó, thời điểm tháng 4-2015, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn kê khai giảm giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi (thuộc nhóm sản phẩm phải loại trừ chi phí quảng cáo theo Nghị định 100/2014/NĐCP) với mức giảm 0,4 - 4% so với mức giá kê khai liền kề trước đó.

Bộ Tài chính đánh giá, nhìn chung, các doanh nghiệp đều đã thực hiện nghiêm túc công tác bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Chính phủ. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, giá bán các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm khoảng 5,95% - 24% so với trước thời điểm thực hiện bình ổn và được giữ ổn định liên tục cho đến nay.

Người tiêu dùng lo lắng, doanh nghiệp thở phào

Theo Bộ Tài chính, sau khi hết thời hạn bình ổn giá, từ ngày 1-1-2017, việc quản lý đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ theo quy định chung tại Luật Giá và phải kê khai giá theo đúng quy định. Điều này có nghĩa là sẽ không còn trần giá sữa. Trước thông tin này, nhiều người tiêu dùng lo lắng cho rằng giá sữa có thể tăng lên trong thời gian tới. 

Về lo lắng này của người tiêu dùng, ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, giá sữa tăng hay giảm phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là sự chi phối bởi thị trường, giá khu vực, quốc tế... không phải các doanh nghiệp muốn tăng là được. 

Nhận định chính sách bình ổn giá sữa thời gian qua đã mang lại lợi ích nhất định cho người tiêu dùng, ông Vũ Ngọc Quỳnh cũng nhận định,  đây chỉ là lợi ích trong ngắn hạn, còn về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong định hướng phát triển ngành sữa. “Việc áp trần giá sữa tạo sự bất bình đẳng trong phát triển sản xuất. Ví dụ một số doanh nghiệp muốn áp dụng thành tựu khoa học công nghệ để gia tăng sản lượng và chất lượng sữa thì sẽ bị thiệt thòi” - ông Vũ Ngọc Quỳnh nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, biện pháp hành chính áp giá trần chỉ là biện pháp cuối cùng và hiệu quả không cao. Điều quan trọng là phải giải quyết bài toán phát triển sản xuất trong nước, nhất là khi sữa bột Việt Nam đang thua sản phẩm nước ngoài. Thêm vào đó, cần giải quyết bài toán cung - cầu, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh sữa, chống độc quyền...

Về lo lắng tăng giá sữa của người tiêu dùng, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, dù bỏ giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng trong Luật Giá cũng quy định, khi có những biến động đột xuất thì cơ quan chức năng có quyền kiểm tra giá thành sản phẩm. Đây chính là công cụ để cơ quan chức năng quản lý giá sữa.