Doanh nghiệp Trung Quốc thao túng thị trường du lịch Việt Nam:

Lộ diện những thỏa thuận ngầm

ANTĐ - Việc các doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng đưa những đoàn khách lớn vào Việt Nam gây lũng đoạn thị trường được phản ánh trong thời gian qua đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc có hay không sự “liên kết ngầm” giữa các doanh nghiệp này và người Việt Nam? Liệu hoạt động kinh doanh không lành mạnh này gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với thị trường du lịch Việt. 

Khách du lịch Trung Quốc có thể đang trở thành mục tiêu “móc túi” của các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc

Ẩn họa từ hướng dẫn viên “chui”

Có 22 năm kinh nghiệm làm hướng dẫn viên, từng dẫn nhiều đoàn khách Trung Quốc đi du lịch tại Nha Trang, anh Mai Xuân Hiệp, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Hải Vân Cát không khỏi bức xúc trước tình trạng hướng dẫn viên Trung Quốc làm việc bất hợp pháp tại Việt Nam.

Được các doanh nghiệp Trung Quốc thuê để phục vụ cho khách du lịch từ Trung Quốc sang, những hướng dẫn viên “rởm” này đã học được cách lách luật để có thể hoạt động tại thị trường Việt Nam. Họ thuê một hướng dẫn viên người Việt có thẻ hướng dẫn làm bình phong để che mắt đoàn kiểm tra nhưng thực chất những hướng dẫn viên người Trung Quốc  sẽ làm hết mọi công đoạn.

Anh Hiệp cho hay: “Tôi rất bức xúc khi họ thuê những hướng dẫn viên Trung Quốc mà thực chất là những phiên dịch viên nói tiếng Trung, không hiểu gì về văn hóa Việt Nam, sang để nói về du lịch Việt. Tôi là người thông thạo tiếng Trung, nên hiểu được những gì họ nói với du khách. Không những mù mờ về văn hóa Việt, họ còn nói những thông tin bịa đặt về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”. 

Trên thực tế, để “câu kéo” khách hàng, các doanh nghiệp Trung Quốc chào bán các tour với giá rẻ, nhưng lại “móc túi” khách bằng nhiều chiêu thức khác. Các doanh nghiệp này đưa du khách tới những điểm tham quan ngoài lịch trình để “chặt chém”, hay ép khách mua những mặt hàng do Trung Quốc sản xuất với giá cao gấp 4-5 lần giá bình thường.

“Du khách Trung Quốc vào Nha Trang thường thích mua những mặt hàng như nệm, gối cao su, trầm hương, lụa tơ tằm, ngọc trai… vì tưởng là của Việt Nam, nhưng thực chất lại là hàng Trung Quốc trà trộn. Có những chiếc nệm làm bằng bột nghệ, bột xốp… kém chất lượng, nhưng được bán giá gấp 4-5 lần để “chặt chém” du khách. Lợi nhuận thu về chủ hàng giữ lại 20%, còn lại công ty của họ chia chác cho các bên. Nếu không có người Việt tiếp tay, làm sao họ ngang nhiên làm như vậy?”  - anh Mai Xuân Hiệp nhận định.  

Dùng tiền lót tay để được kinh doanh?

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc vì sao các doanh nghiệp Trung Quốc lại có thể thao túng thị trường, kiếm lời từ hoạt động du lịch ngay tại Việt Nam. Điều này phần nào đã được làm rõ khi mới đây một công ty du lịch quốc tế có tên Chengdu (Thành Đô, Trung Quốc) gửi lá đơn đến UBND tỉnh Khánh Hòa nhờ giải quyết để có thể kinh doanh du lịch tại Việt Nam.

Nội dung lá đơn này tố cáo Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Silent Bay, Nha Trang đã đòi khoản tiền “bảo kê” lên tới 500.000 USD/năm nếu muốn mượn danh công ty này để hoạt động tại Việt Nam. Khi không kham nổi khoản tiền trên và bị dọa phải ngừng kinh doanh ở Việt Nam, Công ty Chengdu không biết làm gì hơn là gửi đơn kêu cứu.

Điều đáng ngạc nhiên là trong lá đơn ghi rõ, để chuẩn bị cho lượng lớn du khách Trung Quốc vào Việt Nam, Công ty Chengdu đã đầu tư khoảng 3 triệu USD để mua phòng khách sạn, xe buýt du lịch.

Cùng với đó là thỏa thuận sẽ cử 90 hướng dẫn viên du lịch và các nhân viên phục vụ người Trung Quốc đến phục vụ cho những đoàn khách mới. Trước tình hình này, ngày 8-6, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xử lý. 

Sự việc của Công ty Chengdu cho thấy, có thể rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã bỏ ra những khoản tiền để “lót tay” cho doanh nghiệp Việt Nam nhằm hợp thức hóa việc khai thác du lịch tại thị trường Việt Nam.

Hay nói cách khác, nếu các doanh nghiệp Trung Quốc không có sự bắt tay với doanh nghiệp Việt thì làm sao có thể đàng hoàng kinh doanh trong thời gian dài. Mấu chốt ở đây là chính quyền địa phương có nắm được “đường dây” móc nối giữa các doanh nghiệp này hay không, và nếu có thì sẽ giải quyết ra sao. Điều này cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.