Lo cho trẻ vào lớp 1

ANTĐ - Hơn 3 tháng nay, chị Nguyễn Thu Hương, ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm trường cho con trai sinh năm 2007 vào lớp 1. Theo chị Hương đến thời điểm này mới lo chuyện học hành cho con đã là khá muộn vì ngay cả xin học đúng tuyến chưa chắc đã còn chỗ…

Lượng trẻ sẽ vào lớp 1 năm nay tăng gần 10% so với năm ngoái

Đúng tuyến vẫn lo ngay ngáy

Mặc dù theo hộ khẩu, con chị thuộc diện đúng tuyến vào học trường tiểu học Nam Thành Công, nhưng năm nay có thể học sinh trong diện đúng tuyến vào trường này vượt quá chỉ tiêu nên chị Hương lo ngại con mình sẽ bị loại. Chị Hương cho biết, những năm học trước, trường này là một trong những “điểm nóng” của Hà Nội. Do tốc độ đô thị hoá trên địa bàn phường tăng nhanh nên số trẻ em ở độ tuổi nhập học cũng tăng theo. Những năm học gần đây, nhà trường đã phải tận dụng diện tích để nới rộng phòng học, nhưng so với quy định sĩ số 35 học sinh/lớp thì chỉ tính riêng học sinh đúng tuyến cũng vượt xa quy định. Có năm 100% lớp 1 trường tiểu học Nam Thành Công phải tuyển trên dưới 60 học sinh/lớp. “Năm nay dự kiến học sinh đúng tuyến vào trường này vượt trội hơn hẳn những năm trước nên nhiều bậc phụ huynh mặc dù đủ điều kiện vẫn lo ngay ngáy, do nhiều cặp vợ chồng chọn năm Đinh Hợi 2007 - “năm lợn vàng” để sinh con nên năm nay số lượng trẻ vào lớp 1 chắc chắn sẽ quá tải…” - chị Hương tâm sự.

Số liệu điều tra mới đây cho thấy năm nay trên địa bàn Hà Nội sẽ có 130.000 trẻ vào lớp 1, tăng gần 10% so với năm 2012. Theo quy định, trẻ 6 tuổi đúng tuyến phải được nhập học nhưng nhiều phụ huynh khá lo lắng khi nhiều điểm nóng sẽ được phân tuyến lại. Điều này có nghĩa, quy định “đúng tuyến” sẽ không theo địa bàn phường mà có thể phân chia nhỏ hơn để giảm tải cho một số trường tiểu học. Những phụ huynh có con học lớp lớn hơn cũng có chung mối lo khi được thông báo có thể con họ sẽ không được bán trú trong trường do phải nhường chỗ cho các bé lớp 1. Chị Nguyễn Hồng Hạnh, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình, có con đang học lớp 2 trường tiểu học Kim Đồng thở dài: “Tôi được biết một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội quyết định giảm tỷ lệ bán trú để đảm bảo chỗ học cho các bé vào lớp 1. Nếu vậy, kể cả những gia đình không có con xin nhập học năm nay cũng phải chịu chung sức ép quá tải. Chưa kể, họ sẽ phải tính toán, sắp xếp công việc để đảm bảo việc sinh hoạt và học tập của các con không bị ảnh hưởng…”.

Thậm chí trên nhiều diễn đàn mạng, chủ đề xin học cho con được cập nhật liên tục, thu hút rất nhiều phụ huynh. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm chọn trường, nhiều người còn chia sẻ cả kinh nghiệm chạy trường, thậm chí công khai nguyện vọng vào trường nào và kèm theo mức phí. Cũng vì tâm lý muốn con mình nhận được sự giáo dục tốt nhất nên nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn để “chạy” vào trường tốt. Tuy nhiên, không ít người cho biết đến thời điểm này, kể cả có chịu mất phí thì con họ cũng không có cơ hội vì nhiều trường đã quá tải. Không chỉ chạy trường, chạy lớp mà nhiều phụ huynh còn “săn giáo viên giỏi”, đặt suất “chọn lớp” cho con.

Năm nào cũng căng thẳng

Bà Nguyễn Hoàng Anh - Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình cho hay, năm nào số trẻ vào lớp 1 trên địa bàn quận cũng tăng do người dân nhập cư đông. Năm học trước, những lớp 35 học sinh/lớp đều tăng thành 50 - 60 học sinh/lớp. Với sĩ số như vậy, kể cả nhà trường muốn nhận học sinh thì cũng không thể tăng thêm nữa vì các lớp đã phải tận dụng diện tích tối đa để kê bàn học, thậm chí các em phải ngồi sát bục giảng.

Nhiều lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện khi trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô đều nhận định tình hình năm nay khá căng thẳng. Bởi, theo quy trình, cuối năm học trước có bao nhiêu học sinh hoàn thành bậc tiểu học thì năm học mới sẽ có bấy nhiêu học sinh được tiếp nhận vào học lớp 1, nếu tăng thì số lượng không đáng kể. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan như tăng dân số, số lượng dân nhập cư đông nên năm nay vấn đề tuyển sinh vào lớp 1 tại nhiều trường khá căng thẳng. Một số trường tiểu học do không thể cơi nới thêm phòng học đành lên phương án cho học sinh nghỉ học luân phiên để có thêm chỗ học. 

Một số hiệu trưởng các trường tiểu học cho biết không phải tới năm học mới mà nhiều năm qua, trường đã phải linh hoạt trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trong cảnh thiếu diện tích. Hiện tại Hà Nội vẫn còn một số lượng đáng kể học sinh tiểu học phải học buổi thứ 2 ở những lớp học đi thuê tại địa điểm bên ngoài trường, nhưng theo các hiệu trưởng, vì nhu cầu của cha mẹ học sinh và yêu cầu đảm bảo chất lượng chương trình nên vẫn phải thực hiện. 

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp, trong đó lưu ý về việc gia tăng học sinh vào lớp 1. Thời điểm hiện tại Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT phải phối hợp UBND quận, huyện rà soát kỹ trẻ trong độ tuổi và có phương án phân tuyến hợp lý. Nếu làm tốt công tác này thì về cơ bản sẽ giải quyết được áp lực tăng số lượng học sinh. Trên thực tế, bên cạnh những trường có nguy cơ quá tải, vẫn có nhiều trường tiểu học chưa sử dụng hết công suất. Do vậy, phân bổ chỉ tiêu hợp lý cũng là cách để giảm áp lực cho các trường. Đối với những trường ở nội thành chịu áp lực do có các khu dân cư mới mọc lên trên địa bàn, một số phường chưa có trường tiểu học, hướng giải quyết sẽ là điều chỉnh phân tuyến, chia số học sinh trên địa bàn cho các trường lân cận. Bên cạnh đó, các trường có thể dồn các lớp trên trong phạm vi sĩ số cho phép để dành diện tích phòng học cho trẻ vào lớp 1.

Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch trong việc giao chỉ tiêu, kiểm soát được số lượng tuyển sinh trong trên địa bàn để tránh tình trạng quá tải. Mặt khác, các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc sức học của con em mình, đừng tạo áp lực cho trẻ khi tìm mọi cách chạy trường, chạy lớp. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh mà còn gây khó cho chính bản thân các bậc phụ huynh và con em mình.