Lính Trường Sa và lời hứa “còn người, còn đảo”

ANTĐ - Nắng tháng 5 cháy rát, trời xanh ngăn ngắt, lộng gió mang theo hơi muối mặn mòi. Trong cái nắng ấy, các anh vẫn hiên ngang đứng gác với chí tâm “người còn, đảo còn”, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Luôn chắc tay súng

Chưa tới 10 giờ trưa nhưng mồ hôi đã đổ ròng ròng trên khuôn mặt những người lính trẻ đảo Đá Lát, thuộc quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Là hòn đảo chìm cách Cam Ranh, Khánh Hòa chừng 220 hải lý, Đá Lát có đặc sản “nắng và gió”. Nét dạn dày phong sương hiện rõ trên từng gương mặt những người lính trẻ đang ngày đêm giữ đảo, nhưng bao giờ cũng thường trực nụ cười hồn hậu mà nồng ấm. Phần lớn trong số họ là những cán bộ chiến sĩ trẻ, nhưng 100% được tuyển chọn, đào tạo cơ bản, có lập trường vững vàng, xác định tốt nhiệm vụ, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng úy Vũ Đức Quỳnh, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát khẳng định, cán bộ, chiến sĩ đảo luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, làm chủ trong mọi tình huống, không để bất ngờ, bị động; vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền biển đảo được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, quân đội và nhân dân cả nước. 

Thượng úy Vũ Đức Quỳnh chia sẻ, những ngày qua, tình hình tại Biển Đông “nóng” lên trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, các chiến sĩ trên đảo Đá Lát luôn xác định, nêu cao tinh thần chiến đấu, giữ lập trường chính trị vững vàng.“Chúng tôi hứa với nhân dân, với cả nước, cán bộ chiến sĩ tại đảo Đá Lát quyết tâm giữ chắc chủ quyền biển đảo của Việt Nam, luôn chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Thà hy sinh chứ không để mất đảo

Công tác trên một hòn đảo chìm, nên điều kiện sinh hoạt của cán bộ chiến sỹ gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là tình cảm gia đình, quê hương. Thiếu úy Đoàn Vi Vượng, quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương nhận công tác tại đảo Đá Lát gần 1 năm nay. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở một vùng quê không có biển nhưng anh lại “phải lòng” với màu áo Hải quân từ ngày còn nhỏ. “Từ bé, tôi đã luôn mơ ước trở thành một chiến sĩ Hải quân, bởi vậy, lớn lên tôi đã phấn đấu trở thành một chiến sĩ Hải quân thực thụ. Với trọng trách thiêng liêng, là người chiến sĩ đứng nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm canh giữ vùng biển của quê hương, tôi thấy rất tự hào và vinh dự”, Thiếu úy Vượng tâm sự.  “Gần 1 năm nay chưa được về thăm gia đình nên cũng nhớ nhà. Vì vậy, mỗi khi có tàu từ đất liền ra thăm, tôi hồi hộp và vui lắm. Gia đình cũng thường xuyên động viên tôi cố gắng làm tốt nhiệm vụ. Bây giờ thì tôi trở thành “Người của biển” rồi, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất kỳ nhiệm vụ nào mà cấp trên giao phó, Tổ quốc cần”.

Để lại người vợ trẻ và cậu con trai 5 tuổi cùng bố mẹ ở lại Quảng Bình, Thiếu úy Nguyễn Văn Minh gia nhập lực lượng Hải quân từ năm 2001, đến nay đã tròn 13 năm. Với kinh nghiệm nhiều năm đi theo các tàu Hải quân, và 3 năm làm nhiệm vụ trên đảo như Tốc Tan, Cô Lin và đảo Đá Lát, Thiếu úy Nguyễn Văn Minh rắn rỏi hơn bởi nước da đen sạm và sự quyết đoán của mình. Anh khẳng định: “Đất liền hãy vững tin, yên tâm, ngoài này các cán bộ chiến sĩ vẫn luôn chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi thà hy sinh chứ không để mất đảo, không để một tấc đất của quê hương bị mất. Người còn thì đảo còn”. Với cậu con trai 5 tuổi, anh tâm sự, cũng thường xuyên gọi điện về nói chuyện với con. “Bố phải xa con, xa gia đình vì nhiệm vụ, vì ngôi nhà con đang lớn lên từng ngày, vì vùng quê yên bình con đang ở. Qua năm tháng, con sẽ hiểu và chia sẻ với bố. Là một công dân Việt Nam, bố phải làm điều gì đó cho quê hương, đất nước, dù là rất nhỏ” - Thiếu úy Minh nhắn nhủ con trai.

Phạm Văn  Tuấn, một chiến sĩ trẻ, dù sinh năm 1994 nhưng đã có gần 13 tháng lăn lộn trên đảo Đá Lát. Nói chuyện, Tuấn vẫn còn nguyên sự trẻ trung, hồn nhiên của một chàng trai vừa tròn 20 tuổi, chất phác nhưng cũng không kém phần “sương gió, chững chạc” của một chiến sĩ Hải quân. “Gần 13 tháng nay em chưa về thăm gia đình (Phú Yên), cũng rất nhớ nhà, nhớ bạn bè nhưng em sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bố mẹ em cũng thường xuyên động viên em, phải kiên cường làm nhiệm vụ, hoàn thành nghĩa vụ cao cả với Tổ quốc, bố mẹ ở nhà vẫn rất khỏe, không phải lo lắng gì nhiều”. Khi được hỏi, khi đứng gác canh giữ vùng biển đảo của Tổ quốc, em cảm nhận ra sao, Tuấn hồn nhiên cho hay: “Em suy nghĩ đơn giản lắm, được bảo vệ chủ quyền đất nước, quê hương là niềm tự hào, tự hào hơn nữa là dù công tác tại ngoài đảo xa xôi nhưng luôn nhận được sự quan tâm, động viên và chia sẻ từ đất liền”. Hỏi, mong muốn gì cho hiện tại, Tuấn trả lời mà không một giây suy nghĩ: “Em chỉ mong mưa thôi, mong sao mưa thật nhiều để cải thiện nước ngọt sinh hoạt, vườn rau tăng gia cũng phong phú hơn”. Còn tôi mong đất nước ngày càng phát triển để có điều kiện đầu tư, trang cấp cho những hòn đảo thiêng của Tổ quốc ngày càng khang trang, đầy đủ hơn.