Lính phòng cháy và những chuyện... rợn tóc gáy

ANTĐ - Trên một nóc nhà cao ngất ngưởng, cô gái ngoài 20 tuổi leo lên cây cột sắt cao hơn 10m và luôn miệng gào thét chửi bới với ý định gieo mình xuống đường ray tàu hỏa phía dưới tự tử. Khi thang cứu hộ mới lên nửa chừng, cô gái bỗng cởi áo khoác vứt xuống và dang hai tay như chuẩn bị thả mình xuống.

Như phim hành động

Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là cô gái sẽ gieo mình xuống dưới, một chiếc đệm hơi diện tích 16m2 được bơm căng sát chân cột, xe thang được yêu cầu vào vị trí. Những lính cứu hỏa đã quen với việc giải cứu người dọa tự tử đều hiểu, càng có nhiều người tại hiện trường thì công tác cứu hộ càng gặp khó khăn bởi đối tượng bị kích động, tạo hưng phấn để thực hiện hành vi. Bởi vậy, ngay lập tức, những người không liên quan được yêu cầu rời hiện trường.

Đúng như dự đoán, khi không còn ai bàn tán cô gái bỗng trở nên “mềm tính”, tuy nhiên lại bắt đầu có dấu hiệu sợ sệt, buộc lực lượng cảnh sát phải dùng loa kêu gọi tạo chú ý, đồng thời kéo dài thời gian cho lính cứu hỏa triển khai xe thang. Xác định cô gái có ý định tử tử bởi khúc mắc trong chuyện tình cảm, hai lính cứu hỏa đẹp trai đã được lựa chọn để tiếp cận giải cứu cô gái. Nhưng khi hai lính cứu hỏa chưa kịp tiếp cận bất ngờ cô gái nhảy xuống mái tôn một ngôi nhà bên cạnh và bỏ chạy. Vừa chạy cô vừa hò hét, chửi bới không cho bất cứ ai ngăn cản cô được… chết. Ngay lập tức 5 chiến sỹ bật tường leo lên mái nhà bắt đầu màn rượt đuổi thót tim theo cô gái. Phải rất vất vả, 5 chiến sỹ mới giữ được cô gái vẫn vùng vẫy, gào thét khóc lóc đòi chết. Cho tới tận lúc đưa được cô gái lên xe đến bệnh viện kiểm tra, cô vẫn hoảng loạn luôn miệng đòi tự sát và chửi bới lực lượng chức năng.

Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà lực lượng Cảnh sát PC&CC gặp phải trong quá trình làm nhiệm vụ. Đối với các vụ tự tử, mối quan tâm lớn nhất của các chiến sỹ không phải là làm thế nào giải cứu thành công nạn nhân mà hơn hết là làm sao để người có ý định tự tử không lặp lại hành động dại dột một lần nữa. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào các anh cũng thành công. Ở vụ việc cô gái leo cột định tự tử vừa nêu trên, chỉ vài ngày sau khi được giải cứu, cô gái lại gieo mình xuống hồ Thủ Lệ tự tử và lần nay, không ai kịp thời có mặt để giải cứu nạn nhân… Công việc của lực lượng Cảnh sát PC&CC luôn phải đối mặt với những tình huống, nguy hiểm và cũng không thiếu những tình huống cười ra nước mắt. Vào hồi 9h18 ngày 15-10-2011, nhận được tin báo tại mương nước cạnh tường rào khách sạn La Thành, phố Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, có 1 nam thanh niên tẩm xăng vào người định tự thiêu. Ngay lập tức các chiến sỹ Phòng Cảnh sát PC&CC Đống Đa đã có mặt để phối hợp ứng cứu, làm công tác tư tưởng với nạn nhân tìm cách khống chế không để nạn nhân tự tử.

Tại hiện trường, nam thanh niên trên người nồng nặc mùi xăng dọa sẽ châm lửa tự thiêu nếu có bất cứ ai tới gần. Bằng biện pháp nghiệp vụ, các chiến sỹ đã lặng lẽ áp sát, tiếp cận đối tượng và khống chế thành công trước khi thanh niên này kịp châm lửa đốt. Ngay khi vừa bị khống chế, chàng thanh niên bỗng dịu tính, không còn la hét, chửi bới mà tỏ thái độ rất hợp tác và nói rằng, chỉ dọa dẫm không ngờ có quá nhiều người tò mò hiếu kỳ khiến kích động nên để xảy ra tình huống này.

Lại có trường hợp tại trụ sở một công ty tư nhân trên phố Bà Triệu vào khoảng đầu năm 2011. Trung tâm thông tin nhận được thông báo cháy tại một tòa nhà cao 7 tầng, với tình huống khẩn cấp có nhiều người đang mắc kẹt bên trong, Cảnh sát PC&CC đã điều động 1 xe chữa, 1 xe thang đến hiện trường. Cả đoạn phố yên ắng bỗng náo loạn bởi còi xe cứu hỏa kêu vang. Tuy nhiên, tại hiện trường, lực lượng cứu hỏa ngẩn người khi không thấy bất cứ dấu hiệu nào của một đám cháy. Các chiến sỹ được lệnh bắc thang trèo lên tầng 2 kiểm tra, và thật bất ngờ khi phát hiện ra, ngôi nhà không hề xảy cháy. Do căn nhà bị kẹt cửa cuốn, gần chục con người không thể ra khỏi nhà được, trong nhà lại có một phụ nữ đang mang thai sắp sinh, nên mọi người quyết định đánh liều gọi cho cứu hỏa báo cháy vì biết chỉ lực lượng cứu hỏa… mới có xe thang chuyên dụng để giải cứu.

Cũng có những trường hợp, ai cũng phải rùng mình khi nghe kể lại như trong vụ việc xảy ra tại nhà 34T khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội có người nhảy ra từ tầng 31 xuống bị mắc kẹt tại tầng 3 của tòa nhà. Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội điều động 2 xe thang (Phòng Cảnh sát PC&CC Cầu Giấy và Hoàn Kiếm) tới hiện trường. Tại đây, các phần thi thể không còn nguyên vẹn của nạn nhân vương vãi khắp nơi. Gặp phải những tình huống như vậy, rất khó xử trí. Hơn nữa, vị trí xác nạn nhân mắc kẹt rất khó tiếp cận, nhiều mảnh thi thể vương vãi nên rất lâu sau, xác nạn nhân mới được đưa đi khỏi hiện trường.

Lính phòng cháy và những chuyện... rợn tóc gáy  ảnh 2

Và tai nạn bất ngờ

Nhiệm vụ của chiến sỹ PC&CC luôn phải đối mặt với rủi ro và nguy hiểm. Trong những lần tham gia cứu hộ, cứu nạn không ít chiến sỹ cảnh sát PC&CC đã bị thương. Vụ cháy tại nhà số 487 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội là một ví dụ. Địa chỉ xảy ra cháy thuộc Công ty TNHH Dịch vụ ứng dụng trang thiết bị bảo hộ Lao động Hương Dũng. Căn nhà 4 tầng có kết cấu bê tông cốt thép, diện tích mặt bằng 70m2. Khu vực xảy cháy tại tầng 1 và tầng 2 của ngôi nhà nơi chứa nhiều sản phẩm cao su nên tạo khí độc rất nguy hiểm trong quá trình cứu hộ, cứu nạn. Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã điều động 5 xe chữa cháy, xe chuyên dùng, phối hợp các lực lượng tổ chức triển khai các mũi tấn công chữa cháy.

Trong quá trình chữa cháy, các trinh sát phát hiện 3 phụ nữ đang bị mắc kẹt tại tầng 3 của ngôi nhà  là chị Vũ Thị Hương (SN 1985), chị Bùi Kim Dung (SN 1984) và chị Hoàng Thị Vân (SN 1991). Ngay lập tức, xe thang được triển khai để giải cứu 3 người. Tuy nhiên, với tâm lý vô cùng hoảng loạn và sợ sệt, cả 3 cô gái đều nhất quyết… không chịu lên thang trèo xuống. Lúc này đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Phó Đội trưởng Đội chữa cháy chuyên nghiệp - Phòng Cảnh sát PC&CC Long Biên phải đích thân leo lên thang và đưa từng người xuống. Khi đang đưa người cuối cùng lên thang thì dưỡng khí hết cộng thêm việc khí độc sinh ra từ những chiếc ủng cao sụ bị cháy khiến anh gục xuống và bị những mảng bê tông của tòa nhà đổ sập vào. Lúc này, các anh em trong đội đã có mặt kịp thời đưa anh xuống nơi an toàn và chuyển ngay tới bệnh viện. Một trường hợp khác, trong khi đang chiến đấu với giặc lửa để cứu chùa Linh Sơn Tự (chùa Tảo Sách, địa chỉ 386 Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, Tây Hồ), bất ngờ toàn bộ phần vì kèo và kết cấu cột, giằng bất ngờ đổ sập xuống, ba chiến sỹ của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Đội PC&CC Bắc Thăng Long đã bị vùi lấp bên dưới. May mắn, các đồng đội đã có mặt kịp thời đưa các anh đi cấp cứu.

Những khó khăn

Hơn ai hết, những chiến sỹ này hiểu rõ, chỉ cần chậm một tích tắc hậu quả sẽ khôn lường. Tuy nhiên, nhiều khi lực bất tòng tâm, cơ sở vật chất thiếu thốn chính là khó khăn lớn nhất của lực lượng PC&CC. Hiện nay, toàn Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội có 92 xe ô tô chữa cháy, xe chuyên dùng các loại và 10 chiếc máy bơm chữa cháy khiêng tay. 49 xe các loại hoạt động tốt, 41 xe hoạt động trung bình. Trong đó: Tổng số xe đang hoạt động là 88 xe. Có 4 xe chưa đủ điều kiện lưu hành. Và chỉ 30 xe chữa cháy, 5 xe thang, 1 xe trạm bơm, 2 xe téc nước, 3 xe cứu hộ, 5 xe tải, bán tải, 2 xe chỉ huy trong số đó có tuổi thọ phục vụ trong ngành dưới 16 năm.

Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội Đại tá Nguyễn Đức Nghi cho biết: “Để đáp ứng được nhu cầu cứu hộ, cứu nạn trên toàn địa bàn, lực lượng PC&CC Hà Nội còn thiếu tới 15 xe chữa cháy, 7 xe thang 32m, 10 xe trạm bơm, 10 xe téc nước, 7 xe cứu hộ, 11 máy bơm chữa cháy”. Qua những con số trên cho thấy sự khó khăn, thiếu thốn mà lực lượng PC&CC Hà Nội đang phải đối mặt. Thêm vào đó là công tác đào tạo cứu hộ, cứu nạn chưa thật sự bài bản. Nhiều chiến sỹ tham gia cứu hộ vẫn đè nặng trách nhiệm mỗi khi làm nhiệm vụ. Nếu cứu được người thì không sao nhưng khi không cứu được, trách nhiệm sẽ do ai gánh. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đang mong chờ được đào tạo chính quy, bài bản, kèm theo những văn bản cụ thể quy định trách nhiệm, quyền hạn của những người tham gia trong các vụ cứu nạn “bất đắc dĩ”, để hoàn thành tốt hơn những nhiệm vụ nặng nề và vô cùng nguy hiểm này.