Lính Pakistan bắn chết 2 binh sĩ Ấn Độ khiến căng thẳng leo thang

ANTĐ - Căng thẳng tiếp tục tái diễn ở khu vực biên giới Ấn Độ và Pakistan sau khi một vụ đụng độ khiến 2 binh sĩ Ấn Độ tử nạn.

Người phát ngôn của quân đội Ấn Độ cho biết, hôm 1-11 lực lượng quân đội Pakistan đã bắn chết hai binh sĩ Ấn Độ trong một vụ va chạm dọc biên giới giữa hai nước.

Vụ việc xảy ra tại khu vực Gurez, quận Bandipora vào tối 1-11, khi lực lượng biên phòng Pakistan đã bắn súng máy và ném lựu đạn khiến cho 2 binh sĩ Ấn Độ bị chết.

Khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya, nằm giữa biên giới Ấn Độ và Pakistan mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền và nó đã trở thành điểm nóng giữa hai nước trong hơn 60 năm qua. Đây là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ đụng độ đẫm máu giữa binh lính 2 nước.

Chiến đấu cơ Ấn Độ tại một sân bay trên vùng cao nguyên

Kể từ tháng 11-2003, New Dehli và Islamabat duy trì ổn định một lệnh ngừng bắn ở Kashmir, song thỉnh thoảng giữa 2 bên lại xảy ra đụng độ. Ấn Độ và Pakistan thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về những vụ bắn vô cớ dọc biên giới tranh chấp.

Vụ việc xảy ra hôm 1-11 có thể khiến quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan ngày càng trở nên căng thẳng. Đặc biệt là trong bối cảnh cả 2 nước đều gia tăng binh lực nhằm củng cố sức mạnh phòng thủ ở khu vực giáp biên.

Mức độ căng thẳng giữa 2 bên còn lên đến cấp độ cao hơn khi chiến lược quốc phòng của 2 nước đều được cho là có những vấn đề nhằm vào đối phương, ví dụ như trong phát triển tên lửa tấn công, vũ khí hạt nhân hay mua sắm máy bay chiến đấu, vũ khí tiến công trên mặt đất…

Biên giới Pakistan-Ấn Độ chưa bao giờ ngừng căng thẳng

Cùng với mối lo lắng về biên giới trên bộ với Trung Quốc ở khu vực Nam Tạng, New Dehli thường xuyên phải cảnh giới trên biên giới với Pakistan, còn ngược lại, ngoài sự đau đầu về chủ nghĩa khủng bố, Islamabat cũng phải nâng cao cảnh giới ở khu vực giáp biên với Ấn Độ.

Những căng thẳng chưa bao giờ chấm dứt này đã khiến quan hệ giữa song phương giữa 2 nước chưa bao giờ êm đẹp, khu vực giáp biên giữa 2 nước cũng chưa bao giờ yên ổn để tập trung phát triển kinh tế, dẫn tới đời sống đói nghèo, dân trí thấp và nguy cơ bạo loạn luôn tiềm ẩn.