Linh mục Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục làm xấu đi hình ảnh Thiên Chúa

ANTD.VN - Việc làm của linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục thời gian qua đã và đang làm xấu đi hình ảnh Thiên chúa ở Việt Nam.

Những ngày nghỉ lễ vừa qua, khắp 3 miền đất nước, nhiều người dân đi du lịch, về thăm quê hương, sum họp đầm ấm bên gia đình để hưởng trọn ngày Tết thống nhất. Thế nhưng, ở một số giáo xứ thuộc tỉnh Nghệ An, đã chứng kiến những ngày nghỉ lễ không bình yên.

Hàng trăm giáo dân, trong đó có rất nhiều trẻ em bị huy động để xuống đường tuần hành rồi tụ tập để nghe những vị linh mục quần chùng, áo thâm rao giảng về lòng hận thù dân tộc, phỉ báng chính quyền, bóp méo sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả của ngày thống nhất đất nước 30-4-1975.

Sự ngông cuồng, coi thường pháp luật đó không chỉ làm nhân dân cả nước phẫn nộ mà ngay cả những người có cùng đức tin cũng cảm thấy xấu hổ. Chính Đặng Hữu Nam đang làm xấu đi hình ảnh thiên chúa trong lòng dân tộc Việt Nam.

Linh mục Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục làm xấu đi hình ảnh Thiên Chúa ảnh 1

Linh mục Đặng Hữu Nam xuyên tạc lịch sử ngày 30-4, đưa con trẻ xuống đường. Ảnh cắt từ clip.

Không có lý do nào khác ngoài lý do “vì môi trường”, “vì Formosa”, coi đây như một mồi lửa lợi hại, suốt một năm qua, linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục ở Quỳnh Lưu – Nghệ An liên tục kích động giáo dân tham gia các hoạt động tuần hành gây mất trật tự an ninh trên địa bàn, ngang nhiên biến Nhà thờ trở thành nơi xuyên tạc tình hình đất nước, nói xấu các cấp chính quyền nhằm reo rắc sự bất an và lòng thù hận.

Dẫn đầu các đoàn đi khiếu kiện, mục tiêu của hai vị linh mục này là quay phim, chụp ảnh rồi tung lên mạng nhằm kêu gọi các tổ chức lưu vong ở nước ngoài hỗ trợ.

Đặc biệt, trước, trong và ngay sau thánh lễ đêm 29-4 vừa qua, linh mục Đặng Hữu Nam đã thúc ép giáo dân phải bày tỏ “niềm tin tôn giáo” trong ngày 30-4. Đúng ngày Tết thống nhất, khi bao đứa trẻ được cha mẹ cho đi tham quan du lịch, vui chơi thì những đứa trẻ ở giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, lại bị lợi dụng cho những mưu đồ chính trị, bị ép buộc đội trên đầu những câu khẩu hiệu xuyên tạc trắng trợn sự thật lịch sử về ngày 30/4, ngày mà cách đây 42 năm, cả dân tộc đã vỡ òa hạnh phúc sau những năm tháng chiến tranh liên miên, với những mất mát bằng xương máu của bao thế hệ.

Chính Đặng Hữu Nam đã ngang nhiên giao giảng xuyên tạc lịch sử rằng  ngày 30-4 là “ngày mà đất nước Việt Nam rơi vào thảm cảnh đau khổ cả miền Bắc lẫn miền Nam, ngày mà dân tộc Việt Nam mất đi tự do, ngày mà người dân Việt Nam không có quyền làm người…”.  

Không thể chấp nhận được hành động của những kẻ vô ơn, bội nghĩa, những cựu chiến binh ở Nghệ An đã thể hiện sự bất bình, căm phẫn, đề nghị xử lý nghiêm những kẻ nhân danh Chúa, nhân dân Giáo hội để làm những việc phi pháp và phi nghĩa.

Ngày 30-4 cũng là ngày mà nhiều gia đình ở Việt Nam nói chung, ở xứ Nghệ nói riêng âm -thầm thắp lên bàn thờ nén hương để tưởng nhớ người thân, tri ân quá khứ. Vậy nên, một người dân bình thường nhất cũng có thể đặt câu hỏi: Các linh mục công giáo đang muốn điều gì đây, họ thật sự muốn người dân có một môi trường biển trong lành để ra khơi no đủ hay họ muốn có thêm nhiều sự cố nữa để kích động giáo dân đứng lên chống đối chính quyền?

Nhà thờ là nơi vang lên lời ca chúc tụng Thiên Chúa, chứ không phải nơi phục vụ cho các ý đồ chính trị. Chứng kiến sự ngông cuồng trong lời nói và hành động đó, một giáo dân ở Quỳnh Lưu đã phải thốt lên: “Ai lấy gì mà trả, chính hai cha phải trả lại sự bình yên cho chúng con, trả lại những nét đẹp bình dị của các làng quê Song Ngọc, Yên Hòa, Cẩm Trường... vốn dĩ đã có từ trước khi các cha về”.

Việc làm của linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục đang làm xấu đi hình ảnh Thiên chúa trên đất nước Việt Nam, làm xấu đi hình ảnh những người Ki-tô hữu khiêm nhường, bình dị, âm thầm làm việc, âm thầm cống hiến.

Hơn thế, họ còn đi ngược lại với Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, rằng “Người công giáo phải gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình”.