Linh hoạt chính sách tài chính hậu khủng hoảng dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới năm 2020 giảm 4,4%, trong khi Việt Nam là một trong ít quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tăng trưởng GDP dương 1,6%.

Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí do dịch Covid-19 để phát triển kinh tế - xã hội

Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí do dịch Covid-19 để phát triển kinh tế - xã hội

Nhiều chính sách chi tiêu để nhóm người yếu thế tiếp cận

Song song với việc giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP từ 7,02% xuống khoảng 1,6% sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước so với năm trước khoảng 68 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, với việc triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí do dịch Covid-19 và ảnh hưởng của dự toán lập cao, Bộ Tài chính dự kiến năm 2020, ngân sách Nhà nước sẽ hụt thu khoảng 189,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,5% so với dự toán và 14,7% so với thực hiện năm 2019. Tình trạng nợ thuế cũng diễn ra rất phổ biến...

Đại dịch Covid-19 có tác động đa chiều tới thu chi ngân sách Nhà nước. Một mặt, dịch bệnh Covid-19 đã góp phần làm giảm chi tiêu ngân sách Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại, chi đoàn ra, chi phí hội, họp… Mặt khác, đại dịch Covid-19 cũng làm tăng lên các chi phí phòng, chống dịch bệnh và triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người dân khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định kinh tế - xã hội, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch trên diện rộng…

Theo tổng hợp số liệu từ Bộ Tài chính, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, thường chiếm tỷ trọng hơn 70% đến hơn 80% trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Tổng thu thuế/GDP giảm dần từ mức 24% (2006 - 2008) xuống mức 18% (2014 - 2019). Tốc độ tăng của tổng số thu thuế cũng đang có xu hướng giảm và ổn định ở mức bình quân 7,36%/năm trong giai đoạn 2012 - 2019. Bình quân giai đoạn 2006 - 2019, thu ngân sách ngoài thuế chiếm tỷ trọng 5,3% GDP. Phí, lệ phí và các nguồn thu thường xuyên khác không phải thuế đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nguồn thu ngoài thuế. Tỷ trọng thu từ phí và lệ phí đang có xu hướng giảm dần theo thời gian.

Giai đoạn 2015 - 2019, tỷ lệ chi ngân sách/GDP của Việt Nam giảm liên tục, từ 30% GDP năm 2015 xuống chỉ còn 25,9% GDP năm 2018. Số liệu ước tính năm 2019 cho thấy chi ngân sách so với GDP đã tăng trở lại, ước đạt 28,9% GDP. Chi cho giáo dục đang tăng nhanh về số chi và ổn định về tỷ trọng.

Từ năm 2016 - 2019, chi cho giáo dục chiếm khoảng 22% tổng thu thuế, khoảng 23,2% chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước, khoảng 16% tổng thu ngân sách Nhà nước và khoảng 4% GDP. Việt Nam có nhiều chính sách chi tiêu để nhóm người yếu thế tiếp cận với giáo dục: miễn giảm học phí, hỗ trợ lương thực. Khi phân bổ ngân sách cho giáo dục, định mức dành cho các tỉnh miền núi, miền cao và hải đảo có hệ số cao hơn các tỉnh vùng đồng bằng. Miễn học phí cho tất cả học sinh tiểu học trên cả nước.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Cắt giảm chi tiêu hiệu quả, tìm nguồn thu bền vững

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đưa ra các khuyến nghị chính sách Việt Nam cần có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn; đẩy nhanh tiến độ dự án Thuế tài sản, đưa vào chương trình làm Luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cần có những thay đổi trong tỷ lệ, số lượng thu nhập hoặc đối tượng phải nộp thuế liên quan đến từng khung để tính thuế suất thuế thu nhập cá nhân, thay vì chỉ đề cập đến thu nhập tối thiểu không phải nộp thuế hay nâng mức giảm trừ gia cảnh. Rà soát lại chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Cần tính toán và công khai thông tin về chi qua thuế thông qua hình thức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cơ cấu lại các khoản chi ngân sách để giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách. Chi ngân sách cho y tế cần được tăng thêm, nhưng cần chú ý phối hợp với chính sách bảo hiểm y tế và nâng cao tính hiệu quả của sự phối hợp này. Các số liệu về chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực Y tế, Giáo dục cần được công khai trong các báo cáo ngân sách. Tăng cường công khai, minh bạch số liệu về chi cho nông nghiệp (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) trong các báo cáo ngân sách. Chính phủ cũng cần công khai các khoản thu của các quỹ ngoài ngân sách; tiếp tục cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu và chi ngân sách ở mọi cấp chính quyền.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế đối với thu thuế, phí, lệ phí; cân nhắc thận trọng trong việc tăng thu từ các nguồn bán tài sản, quyền tài sản với việc chấp nhận tăng bội chi ngân sách Nhà nước và tăng nợ công trong ngắn hạn.

Trước mắt, trong năm 2020, Chính phủ nên chọn lựa giải pháp tăng trần nợ công từ 4,99% GDP như hiện nay lên tối đa 5,59% GDP để giảm áp lực thu được tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp 38,5 nghìn tỷ đồng.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong xây dựng dự toán và giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng dự toán để tiết kiệm nguồn lực ngân sách Nhà nước; Thường xuyên cập nhật tình hình giải ngân vốn đầu tư công để điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu và vay nợ Chính phủ (nếu có) phù hợp nhằm đảm bảo các nguồn vốn huy động không bị tồn đọng, lãng phí trong trường hợp nguồn vốn đầu tư phát triển phải chuyển nguồn qua nhiều năm.

Tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên theo lộ trình và giải pháp đã đề ra. Hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gián tiếp thông qua việc trợ giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý như giá điện, giá xăng dầu… Tăng các khoản chi hỗ trợ để nâng cao tiềm lực nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Quản lý chặt chẽ các nội dung chi hỗ trợ, chi an sinh xã hội đã ban hành, đảm bảo các nội dung chi đúng đối tượng, đúng mục tiêu đã đặt ra…

Đại dịch Covid-19 “thổi bay” 81 triệu việc làm

Do số giờ làm việc được trả lương ít hơn, thu nhập trung bình cũng giảm

Do số giờ làm việc được trả lương ít hơn, thu nhập trung bình cũng giảm

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội châu Á - Thái Bình Dương 2020: vượt qua khủng hoảng, hướng tới một tương lai việc làm lấy con người làm trung tâm”.

Theo ILO, mức sụt giảm thời giờ làm việc do khủng hoảng từ Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và thu nhập ở châu Á - Thái Bình Dương. Ước tính, hậu quả đại dịch Covid-19 gây ra trong năm 2020 là khiến 81 triệu việc làm bị mất. Ở các nền kinh tế có số liệu thống kê theo quý, số lượng việc làm năm 2020 đều giảm so với năm 2019. Báo cáo cho biết, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều ghi nhận mức sụt giảm về thời giờ làm việc cũng như mất việc của thanh niên. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng dễ lâm vào tình trạng không còn hoạt động kinh tế hơn nam giới.

Thống kê của ILO cũng cho thấy, do số giờ làm việc được trả lương ít hơn, thu nhập trung bình cũng giảm. Nhìn chung, ước tính thu nhập từ việc làm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 3 quý đầu năm 2020 đã giảm khoảng 10%, tương đương với mức giảm 3% trong tổng sản phẩm quốc nội. Một hệ quả khác là sự gia tăng các mức độ người tuy có việc làm nhưng vẫn nghèo. Ước tính ban đầu mà báo cáo đưa ra là sẽ có thêm 22 đến 25 triệu người có thể rơi vào tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo, khiến tổng số người có việc làm nhưng vẫn nghèo (những người có thu nhập chưa đến 1,90 đô la Mỹ một ngày) của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng lên mức 94 - 98 triệu người vào năm 2020.

An Nhiên