Liệu Washington có chắc chắn gửi cho ông Erdogan rocket để chống Assad?

ANTĐ -Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng, Hoa Kỳ sẽ cung cấp vũ khí tiên tiến để tăng cường cho lực lượng “đối lập ôn hòa” chống lại chế độ Assad, mặc dù cả hai nước khẳng định, họ chỉ tập trung đánh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Liệu Washington có chắc chắn gửi cho ông Erdogan rocket để chống Assad? ảnh 1Liệu Washington sẽ gửi cho ông Erdogan HIMARS để chống Assad?

Hôm 26-4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, Hoa Kỳ đã đồng ý triển khai hệ thống rocket đa nòng M142 (HIMARS) ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng tới, để tập trung vào việc đánh IS ở miền bắc Syria "một cách hiệu quả hơn". Hiện Lầu Năm Góc vẫn chưa xác nhận tuyên bố trên của Ankara.

Được biết, hệ thống này đã được Mỹ sử dụng trong cuộc xâm lược Iraq và Afghanistan. Vào năm 2010, hệ thống này đã bị đình chỉ sử dụng trên chiến trường sau khi nó gặp sự cố dẫn đến việc giết chết 12 thường dân ở Afghanistan.

Việc công bố này chứng minh rõ thêm cho những lo ngại rằng, các tên lửa sẽ dùng để chiến đấu chống lại chính quyền Assad. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các tên lửa tầm xa sẽ cho phép họ hỗ trợ lực lượng "đối lập ôn hòa", nhóm tự nhận là chống lại IS.

Tuy nhiên, trên chiến trường, lực lượng đối lập ôn hòa còn gọi là Quân đội Syria tự do, bao gồm cả các chiến binh thuộc nhóm khủng bố al-Nusra Front và al-Qaeda, những kẻ phần lớn liên minh với IS, cùng nhau chấp hành nghiêm chỉnh thuyết cơ bản Wahhabi. Những lực lượng này, được sự hỗ trợ của Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp tục nổ súng vào quân đội Syria-Arab-lực lượng vẫn trung thành với chính phủ Bashar al-Assad.

Các lực lượng chính chống lại IS ở Syria là một liên minh quân đội Syria-Arab, Hezbollah, và chiến binh người Kurd.

Mặc dù các quan chức Mỹ chưa xác nhận việc gửi các HIMARS cho chính quyền độc đoán Erdogan, song Lầu Năm Góc cho biết, việc triển khai vũ khí "đã được thảo luận". Động thái này diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Mỹ đồng ý cung cấp cho các nhóm nổi dậy “ôn hòa” tên lửa đất đối không, và chưa đầy hai tuần sau khi Mỹ đề xuất "Kế hoạch B" của mình để kết thúc cuộc nội chiến 5 năm ở Syria.

Các nhà phân tích xem những động thái này như là một tín hiệu chứng tỏ Nhà Trắng tán thành tham vọng địa chính trị của các nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, và đồng lõa với Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép Ankara tập trung vào việc thay đổi chế độ ở Syria, dưới chiêu bài chống IS.