“Liều thuốc thử” Syria

ANTĐ - Không chỉ là điểm nóng mới tại Trung Đông mà Syria còn đang trở thành một liều thuốc thử cho cuộc đọ sức Nga-Mỹ ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược với cả hai siêu cường cũng như cả thế giới.

Syria đã triển khai lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300

Tiếp sau Libya, Syria rõ ràng đã lọt vào tầm ngắm mới của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, như là một mục tiêu trong chiến lược áp đặt ảnh hưởng của họ. Nhổ được “cái gai” khó chịu từ lâu này, Mỹ và phương Tây sẽ tiến thêm một bước rất quan trọng trong chiến lược thu phục toàn bộ khu vực Trung Đông và Bắc Phi nắm giữ nguồn tài nguyên dầu mỏ có ý nghĩa sống còn với cả thế giới.

Theo dõi những gì đã diễn ra tại Syria thời gian qua không khó để thấy rằng Mỹ và phương Tây đang muốn tái dựng kịch bản Libya tại quốc gia Trung Đông này. Thoạt tiên là liên miên các làn sóng biểu tình chống đối, tiếp đó hình thành “thành trì” của phe đối lập và cuối cùng kêu gọi thiết lập vùng cấm bay - tiền đề cho một can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Cũng rất đáng chú ý là trong khi lực lượng đối lập ở Syria lên tiếng kêu gọi một vùng cấm bay tại miền Bắc thì Mỹ triển khai 2 biên đội tàu sân bay hùng hậu tới vùng biển gần hơn với quốc gia này. Theo các nguồn tin quân sự, 2 biên đội tàu sân bay của Mỹ là USS George H. Bush và USS John Stennis đã đi qua Eo biển Hormuz để tiến vào vùng Vịnh.

Nhưng xem ra Syria không phải là Libya để Mỹ và phương Tây có thể dễ dàng dàn dựng kịch bản để hạ bệ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Dù Syria không giàu có nguồn tài nguyên dầu mỏ như Libya song quốc gia này vốn là đồng minh then chốt, giúp nước Nga có thể duy trì vị thế và tiếng nói quan trọng tại khu vực Trung Đông.

Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà khi Mỹ và phương Tây gia tăng sức ép cũng như không loại trừ việc chuẩn bị cho một hành động can thiệp quân sự lại thấy Matxcơva có hàng loạt động thái tại Syria. Các nguồn tin quân sự khẳng định rằng 3 tàu chiến của Nga đã cập cảng Tartus của Syria và cũng là một căn cứ hải quân của Nga.

Cũng theo các nguồn tin này, các tàu hải quân Nga được cho là chở theo các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 để bàn giao cho Syria. Những chuyên gia quân sự Nga không chỉ hỗ trợ Syria lắp đặt và vận hành hệ thống phòng không mới mà còn giúp thiết lập một mạng lưới radar hiện đại với tầm bao phủ tới các căn cứ không quân của Israel và NATO quanh Syria.

Việc đưa hệ thống tên lửa S-300 cũng như radar mới vào chế độ trực chiến sẽ nâng cao đáng kể khả năng răn đe của lực lượng phòng không Syria. S-300 hiện được xem là một trong những hệ thống phòng không có uy lực nhất hiện nay, có thể cùng lúc theo dõi 100 mục tiêu và tiêu diệt cùng lúc 12 mục tiêu trong khi thời gian triển khai cả hệ thống chỉ mất 5 phút.

Những động thái của Nga không chỉ giúp tăng mạnh khả năng phòng không của Syria mà quan trọng hơn nó phát đi thông điệp rằng Matxcơva quyết ngăn chặn bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào vào quốc gia này. Vậy liệu Mỹ và phương Tây tái lặp kịch bản Libya tại Syria? Đó có thể xem như một liều thuốc thử cho cuộc đọ sức mới ở Trung Đông.

Các Bộ trưởng tài chính Liên đoàn Ả rập ngày 27-11 đã nhất trí các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria gồm: Đóng băng tài sản của chính phủ Syria, đình chỉ tất cả các chuyến bay thương mại, phong tỏa các giao dịch với ngân hàng Trung ương Syria và cấm các quan chức nước này đi lại. Các biện pháp này có thể gây tê liệt hoạt động kinh tế vốn đang trên đà khủng hoảng của Syria.