"Liều thuốc" giảm lãi suất toàn cầu không thể giúp giá vàng ngừng đà giảm

ANTD.VN - Dù các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã liên tục công bố các quyết định giảm lãi suất giúp giảm tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế của họ nhưng giá vàng và chứng khoán toàn cầu tiếp tục bị bán tháo.

Gần đây nhất là quyết định bất ngờ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi công bố hạ lãi suất khẩn cấp thêm 1%, xuống chỉ còn 0% – 0,25%; đồng thời cho biết sẽ khởi động một chương trình nới lỏng định lượng, tăng cường nắm giữ trái phiếu của mình ít nhất 700 tỷ USD.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã giữ lãi suất chủ chốt ổn định vào thứ Hai nhưng đã tăng gấp đôi số lần mua ròng của các quỹ giao dịch trao đổi lên 12 nghìn tỷ yên. Ngân hàng trung ương cũng đã công bố một chương trình cho vay để giúp các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong đợt bùng phát Covid-19. Thông báo cũng là một bất ngờ vì ban đầu nó được lên kế hoạch vào thứ Năm tới.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính vào thứ Hai, với 100 tỷ nhân dân tệ thông qua cho vay trung hạn 1 năm, đồng thời giữ lãi suất không đổi ở mức 3,15%.

Ngoài ra, Ngân hàng dự trữ New Zealand cắt giảm lãi suất khẩn cấp hôm thứ Hai, giảm lãi suất 75 điểm cơ bản, xuống 0,25%. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cắt giảm 50 điểm cơ bản cũng vào thứ Hai, hạ tỷ lệ xuống 0,75%...

Giá vàng đang đi ngược quy luật, giảm mạnh dù lãi suất các loại tiền tệ đều giảm

Hàng loạt ngân hàng trung ương khác như Úc, Canada, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Israel, Ấn Độ… cũng đều đã đưa ra các quyết định giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ từ cuối tuần trước cho đến nay.

Lãi suất thấp thường rất tốt cho kim loại quý. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất và thanh khoản đã không trấn an được thị trường trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay. Coronavirus đã tạo ra sự gián đoạn tài chính và xã hội chưa từng có khi khiến cả chứng khoán lẫn kim loại quý lao dốc.

Trước đó, giá vàng tăng nhẹ trong phiên giao dịch châu Á, tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch đầu tuần tại Mỹ, kim loại quý lại quay đầu giảm mạnh, với mức giảm tính đến thời điểm này lên tới hơn 21 USD/ounce, xuống chỉ còn 1.488 USD/ounce.

Giá vàng trong nước cũng lập tức giảm theo trong sáng nay, tuy nhiên biên độ giảm hẹp hơn vàng thế giới. Vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm 400 nghìn đồng mỗi lượng chiều bán, 300 nghìn đồng mỗi lượng chiều mua ngày thời điểm mở phiên, sau đó ít lâu tiếp tục giảm thêm 100 nghìn đồng mỗi lượng ở cả hai chiều. Đến thời điểm này, giá vàng miếng SJC tại đơn vị này đang niêm yết là 45,40 – 46,40 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 45,40 – 46,42 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Tại các tổ chức kinh doanh vàng lớn khác, giá vàng cũng có diễn biến tương tự. Giá vàng SJC giao dịch phổ biến quanh 45,40 – 46,40 triệu đồng/lượng.

Các nhà phân tích cho rằng các kim loại quý đang sụp đổ vì niềm tin của nhà giao dịch và nhà đầu tư dường như đang đi từ xấu đến tồi tệ hơn khi thương mại của nhiều nền kinh tế dường như đang bế tắc giữa đại dịch. Do đó, các nhà đầu tư buộc phải bán vàng để huy động tiền mặt để bù lỗ ở những nơi khác.

Thậm chí, nhiều chuyên gia còn lo ngại rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể sẽ buộc phải bán một số dự trữ vàng để cứu giúp nền kinh tế. Điều này sẽ còn tồi tệ hơn đối với giá vàng.