Liều doping táo bạo

(ANTĐ) - Quyết định khá bất ngờ của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) bơm thêm 600 tỷ USD để thúc đẩy kinh tế được xem là một liều doping táo bạo nhưng cũng ẩn chứa khá nhiều rủi ro.

Liều doping táo bạo

(ANTĐ) - Quyết định khá bất ngờ của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) bơm thêm 600 tỷ USD để thúc đẩy kinh tế được xem là một liều doping táo bạo nhưng cũng ẩn chứa khá nhiều rủi ro.

Hàng người thất nghiệp chờ đăng ký xin việc tại Hội chợ việc làm ở Mỹ
Hàng người thất nghiệp chờ đăng ký xin việc tại Hội chợ việc làm ở Mỹ

Quyết định của FED được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phục hồi, dù còn khá mong manh. Chủ tịch FED Ben Bernanke tuyên bố ngày 3-11, việc bơm thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ nhằm củng cố chắc chắn đà phục hồi cũng như giúp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp đang đứng ở mức cao.

Gói kích thích kinh tế mới của chính quyền Mỹ được dùng để mua lại trái phiếu chính phủ trị giá 600 tỷ USD từ các ngân hàng từ nay đến tháng 6-2011 với mức trung bình 75 tỷ USD mỗi tháng. Theo tính toán của FED, biện pháp này có tác dụng tương đương với việc hạ lãi suất ngắn hạn xuống chỉ còn 0,5%.

Các thị trường trên khắp thế giới đã đón nhận thông tin kích thích kinh tế của chính phủ Mỹ một cách tích cực. Chỉ số Dow Jones tăng 26 điểm lên mức cao nhất trong 2 năm qua là 11.215 điểm. Các thị trường châu Á cũng chứng kiến mức cao kỷ lục kể từ năm 2008 khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hoành hành dữ dội nhất.

Chủ tịch FED Bernanke tỏ ý tin tưởng rằng biện pháp nới lỏng tài chính của Mỹ sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, khuyến khích các hoạt động đầu tư, tạo công ăn việc làm... Chuyên gia kinh tế Brian Bethune thuộc IHS Global Insight nhận xét: “FED đã hành động đúng đắn”.

Tuy nhiên, vẫn còn những đánh giá rất khác nhau trước việc chính phủ Mỹ tung ra gói kích thích kinh tế mới. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng bơm thêm 600 tỷ USD khi kinh tế đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ là không cần thiết và có thể dẫn tới lạm phát trong thời gian dài. Theo họ, thay vì can thiệp, FED nên để thị trường tự điều tiết dù quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra chậm chạp.

Những người ủng hộ lại cho rằng đó là biện pháp thích hợp trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát của nền kinh tế Mỹ đều đang ở mức cao và không bền vững. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 9 vừa ở mức 9,6% trong khi giới kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ phải tăng trưởng ít nhất 3% mới có thể giảm được tỷ lệ thất nghiệp (hiện là 2%).

Có thể giới chuyên gia có những nhìn nhận khác nhau đối với gói kích thích kinh tế mới song nếu nhìn ở góc độ chính quyền Tổng thống Barack Obama mới thấy sự logic. Phát biểu sau thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Obama nói thẳng rằng kết quả đó nhắc nhở chính quyền rằng quyền lực nằm trong tay người dân và kinh tế là quan tâm số một của người Mỹ.

Chỉ còn hơn một năm nữa là ông Obama lại bước vào cuộc đua tái cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Và chắc chắn ông không muốn kinh tế trở thành lý do để cử tri Mỹ trừng phạt một lần nữa.

Hoàng Hà