Liều “doping” cho kinh tế Mỹ

ANTĐ - Cuối cùng thì Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải tung ra gói kích thích kinh tế thứ 3 kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế năm 2008 nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang có dấu hiệu trì trệ.

FED tung gói kích thích kinh tế thứ 3 để giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế Mỹ

Gói kích thích kinh tế mới được Chủ tịch FED Ben Bernanke công bố trong cuộc họp báo ngày 13-9 tại Thủ đô Washington. Không nói rõ giá trị của gói kích thích kinh tế mới nhất này song người đứng đầu FED cho biết, mỗi tháng cơ quan này sẽ mua 40 tỷ USD chứng khoán được sự hỗ trợ của các khoản cho vay mua nhà, trong nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Việc FED tung ra gói kích thích kinh tế lần thứ 3 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát năm 2008 tại Mỹ không làm ai bất ngờ và ngạc nhiên. Theo các chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư, lẽ ra gói kích thích kinh tế này đã phải được đưa ra sớm hơn, tức là vào cuộc họp đầu tháng 8 vừa qua của ban lãnh đạo FED.

Dư luận đồn đoán về gói kích thích kinh tế thứ 3 (QE3) đã rộ lên ngay sau khi số liệu kém lạc quan về kinh tế Mỹ trong 2 quý đầu năm 2012 được công bố vào cuối tháng 7 vừa qua. Báo cáo cập nhật của FED lúc ấy xác định đà phục hồi của kinh tế Mỹ đang có chiều hướng chậm lại với tốc độ tăng GDP trong quý II vừa qua chỉ đạt 1,5% so với mức 2% của quý I-2012. 

Tốc độ tăng trưởng GDP quý II chững lại đã khiến ông Bernanke phải thừa nhận trong cuộc điều trần cuối tháng 7 trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ rằng nền kinh tế Mỹ tiếp tục đà phục hồi vừa phải. Tăng trưởng không như dự định cũng buộc Nhà Trắng phải hạ dự báo tăng GDP cả năm 2012 của Mỹ từ 2,7% xuống 2,3% và năm 2013 từ 3% xuống 2,7%. 

Song thật bất ngờ là ban lãnh đạo FED, sau cuộc họp được mô tả là tranh cãi nảy lửa trong 2 ngày đầu tháng 8 vừa qua, vẫn quyết định chưa tung ra gói kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế trì trệ. Giới chuyên gia cho rằng, sau khi đã phải mua hơn 2.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và các khoản cho vay thế chấp mua nhà kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, FED muốn chờ đợi thêm một thời gian nữa mới quyết định có tung ra gói kích thích kinh tế thứ 3 hay không.

Nói về gói kích thích mới nhất, biện pháp kích thích này - bơm thêm mỗi tháng 40 tỷ USD và chưa biết khi nào sẽ kết thúc - nhằm thúc đẩy thị trường lao động nội địa, khuyến khích giới chủ thuê thêm nhân công. FED còn cam kết, nếu thị trường lao động trong nước “không cải thiện đáng kể” thì ngân hàng sẽ mua thêm chứng khoán thế chấp mua nhà và các tài sản khác, đồng thời “sử dụng các công cụ chính sách khác” để thúc đẩy kinh tế Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới. 

Gói kích thích kinh tế thứ 3 đã được giới đầu tư hồ hởi đón nhận khi các chỉ số chứng khoán chủ lực của thị trường Mỹ cũng như châu Âu để tăng khá mạnh, trong đó các chỉ số Dow Jones, Nasdaq và Standard & Poor 500 đã tăng lên mức cao nhất kể từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi mạnh hơn của kinh tế Mỹ cùng những căng thẳng về mặt địa chính trị tại khu vực Trung Đông nhiều dầu mỏ đã đẩy giá dầu thô thế giới lên mức cao nhất trong 4 tháng qua.