“Liều đặc trị” - cắt “cơn sốt” vàng

ANTĐ - Chỉ một ngày sau khi cho phép 5 ngân hàng tham gia bán vàng cùng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng nội đã giảm sâu. “Cơn sốt vàng” đã hạ, nhưng liệu có dứt hẳn khi “uống liều thuốc đặc trị” ?

Chỉ trong vòng 2 ngày giá vàng đã giảm hơn 1 triệu đồng mỗi lượng


Dần rút ngắn

Thời gian vừa qua, giá vàng trong nước liên tục giữ trạng thái cao hơn giá vàng thế giới từ 2 - 4 triệu đồng mỗi lượng, gây tác động tiêu cực tới việc điều hành chính sách tiền tệ đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các nhà đầu tư. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra các biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách này, đây cũng là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước ngày hôm qua đi ngược chiều so với giá thế giới. Nếu lấy tỷ giá USD trên thị trường tự do để quy đổi ra tiền Việt, mỗi lượng vàng quốc tế hiện ở mức trên 41 triệu đồng.

Theo Thông tư số 32 vừa được NHNN ban hành thì một số NHTM đủ điều kiện sẽ được xem xét, cho phép chuyển đổi một phần số vàng huy động và giữ hộ tồn quỹ (vàng tồn quỹ) thành tiền để bổ sung nguồn cung vàng trên thị trường trong nước nhằm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Đồng thời, các NHTM này sẽ được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái nhằm bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng.

Trước đây, hoạt động kinh doanh vàng tài khoản đã được cho phép kéo dài từ năm 2004 đến tận 2010. Cho đến khi sự hình thành các sàn giao dịch vàng, khiến cho thị trường trong nước trở nên không ổn định, giá liên tục bỏ xa so với thế giới, NHNN mới quyết định đóng cửa các sàn giao dịch vàng cùng với quyết định của Thủ tướng yêu cầu chấm dứt mọi giao dịch trên tài khoản trong nước cũng như nước ngoài. Ông Vũ Mạnh Hải, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn cho biết ông luôn bảo vệ quan điểm không cho phép kinh doanh vàng tài khoản. Ở một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, không thể để tình trạng người dân tự do mua bán vàng, tự do dùng ngoại tệ, đi mua vàng của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam. 


Mua bán không mấy sôi động

Dự kiến, khoảng 6 tấn vàng bình ổn giá sẽ được 5 ngân hàng lớn gồm Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) cùng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán ra thị trường với mục tiêu kéo khoảng cách chênh lệch giá trong nước cao hơn so với giá thế giới về 400.000 đồng/lượng.

Với một lượng lớn vàng bình ổn được bán ra thị trường đã kéo giá vàng trong nước giảm mạnh, nhưng vẫn không kích thích nhiều người mua vào. Chị Hoàng Kim Dung (Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết, mặc dù giá vàng giảm nhưng so với giá thế giới vẫn còn khoảng cách tương đối lớn. Trong khi NHNN quyết tâm thu hẹp khoảng cách này thì những người đầu tư sẽ kiên nhẫn đợi đến khi khoảng cách này được thu hẹp thực sự.

Tính tới cuối giờ chiều, vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý SJC được niêm yết ở mức 43,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,52 triệu đồng/lượng (bán ra). Vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 43,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 43,85 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng trên thị trường thế giới vẫn có xu hướng tăng nhẹ, tính tới cuối giờ chiều giá giao dịch đứng ở mức 1.755,6 USD/ounce, cao hơn 5,3 USD/ounce so với giá mở cửa.

Theo dự báo của các chuyên gia Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank (SBJ), nếu nhu cầu vàng tiếp tục gia tăng vào cuối năm thì việc nắm giữ vàng với mục đích đầu tư dài hạn vẫn là một chiến lược tốt. Tuy nhiên, lướt sóng  trong giai đoạn này là khá rủi ro khi mà trên thực tế giá vàng trong nước dù điều chỉnh giảm những vẫn khá cao so với quốc tế.

 Kiểm soát chặt cho vay, thế chấp bằng vàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Văn bản số 7816/NHNN-CSTT về việc cho vay cầm cố, thế chấp bằng vàng. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo gấp về tình hình cho vay thế chấp, cầm cố bằng vàng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh từ ngày 1-1-2011 đến 7-10-2011 (doanh số cho vay, dư nợ cho vay, số lượng khách hàng vay, mục đích sử dụng vốn vay, công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay...).

Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn vay của khách hàng vay vốn thế chấp, cầm cố bằng vàng theo đúng quy định. Các TCTD cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN nếu cho tổ chức, cá nhân vay vốn để thực hiện các hoạt động đầu cơ vàng, gây rối loạn thị trường vàng, ngoại hối…