Liệu có bị tái nhiễm vi khuẩn HP

ANTĐ - Tôi bị nhiễm vi khuẩn HP (helicobacter pylori) và sau một thời gian điều trị thì tôi có kết quả là âm tính. Vậy liệu tôi có bị nhiễm lại nữa không, thưa bác sĩ?  

Trả lời: Vi khuẩn HP (helicobacter pylori) là xoắn khuẩn gây viêm loét dạ dày. Qua thời gian điều trị, bạn đã có kết quả xét nghiệm âm tính với HP là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều vi khuẩn khác, nguy cơ tái nhiễm HP là hoàn toàn có thể nếu lối sống không đảm bảo.

Hiện nay, một số tạp chí y học thế giới cho biết khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm HP. Tại Việt Nam, theo Hiệp hội tiêu hóa gan mật, khoảng 60% dân số đang nhiễm HP. HP là loại vi khuẩn sống dưới niêm mạc dạ dày và chúng có thể di chuyển vào lớp biểu mô hoặc lớp cơ của thành dạ dày. Trong quá trình sống, vi khuẩn HP sản xuất ra một lượng các chất hóa học như urease, catalase và độc tố có khả năng bảo vệ chúng trong môi trường acid và gây tổn thương trực tiếp niêm mạc dạ dày, đặc biệt là urease. Tại dạ dày, dưới tác dụng của urease, urê bị phân hủy tạo thành các hợp chất kiềm như ammonium chloride (NH4Cl) và monochloramine để bảo vệ vi khuẩn HP. Ngoài ra, với sự hiện diện của vi khuẩn HP, cơ thể chúng ta còn tạo ra các chất kháng viêm như interleukin gây tổn thương nặng hơn cho niêm mạc dạ dày.

Để phát hiện vi khuẩn HP, có rất nhiều phương pháp, nhưng cách thường dùng trong lâm sàng là: CLO test, test hơi thở, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân. Mỗi phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau cũng như tùy vào từng bệnh nhân cụ thể.

Vi khuẩn HP có tính lây nhiễm khá cao. Đường lây cụ thể hiện vẫn chưa biết được, nhưng một số chuyên gia cho rằng chủ yếu là đường phân và đường miệng. Người bệnh có thể bị lây nhiễm qua thức ăn, nước uống khi sử dụng chung với người bị nhiễm HP. Thông thường, nếu không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào (đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói…) hoặc tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày thì việc điều trị diệt trừ HP là không cần thiết vì điều trị tốn kém, tác dụng phụ cao. Vì vậy, điều trị diệt trừ HP chỉ áp dụng cho những trường hợp có biểu hiện lâm sàng và phát hiện vi khuẩn HP.

Để phòng ngừa sự lây nhiễm HP, nên ăn chín, uống sạch. Không sử dụng chung vật dụng ăn uống như ăn cùng chén, uống cùng ly. Khi có bất thường ở dạ dày, nên đến khám sớm các cơ sở y tế. Không nên sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc hay làm theo sự chỉ dẫn của một số người không có trình độ chuyên môn. Không nên lo lắng quá mức khi bị nhiễm HP.

BS Nguyễn Vân Anh 
Phòng khám đa khoa Hải Việt