Liên Xô và những bài học từ cuộc chiến 10 năm ở Afghanistan

ANTĐ - Người lính Xô Viết cuối cùng đã rời khỏi Afghanistan vào ngày 15-2-1989. Sự hiện diện của quân đội Liên Xô trong cuộc chiến 10 năm ở Afghanistan đã kết thúc cách đây một phần tư thế kỷ, nhưng những dư âm của nó còn đọng mãi đến bây giờ.

Vào cuối năm 1979, khi quân đội Liên Xô vào Afghanistan, Moscow cho rằng, sự hiện diện quân sự sẽ rất ngắn ngủi, những người lính Nga sẽ nhanh chóng về nhà, sau khi hoàn thành nhiệm vụ “đơn giản” của mình. Khi đó, nhiệm vụ chính của họ là giúp quân đội Afghanistan duy trì sự ổn định trong nước trong giai đoạn đầu tiên, sau khi lật đổ chế độ đẫm máu của Hafizullah Amin.

Thời đó, nhiều chính khách Afghanistan làm cho Moscow tin rằng, chế độ độc tài Amin đang đẩy đất nước đến bờ vực nội chiến và cần phải ngăn chặn điều đó bằng mọi giá. Do đó, sau khi cân nhắc lợi hại một cách kỹ lưỡng, ban lãnh đạo Liên Xô đã quyết định thực hiện bước đi mạo hiểm, vì trong trường hợp này là nói về số phận của một đất nước mà Moscow luôn có mối quan hệ đặc biệt.

Năm 1919, Liên Xô là nước đầu tiên công nhận nền độc lập của Afghanistan và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước này. Năm 1979, các nhà lãnh đạo Liên Xô dù nhận thức được nguy cơ cao độ đối với uy tín quốc tế của nước mình, nhưng vẫn cố gắng ngăn nội chiến ở đất nước láng giềng vì họ muốn giữ một bức tường Xã hội Chủ nghĩa bên cạnh mình.

Nhưng kế hoạch này là bước sai lầm. Các đối thủ của Liên Xô ở phương Tây đã lợi dụng bước đi mạo hiểm của Moscow và chiến tranh đã bùng nổ. Không chỉ các lực lượng cánh tả ở Afghanistan, mà đội quân Liên Xô đã hứng chịu đòn tấn công của các thế lực đó. Kết quả là, sự hiện diện quân sự của Liên Xô đã kéo dài gần 10 năm. 

Tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng” Nga, ông Igor Korotchenko cho biết: “Chiến dịch Afghanistan là không thể tránh khỏi từ quan điểm bảo vệ lợi ích quốc gia của Liên Xô. Và nhiều người Afghanistan cho đến nay vẫn hoài niệm về Shuravi - cách người Afghanistan gọi lính Liên Xô thời xưa. Thậm chí trong lời phát biểu của các chiến binh Hồi giáo từng chống lại đất nước chúng tôi vang lên cách đánh giá không đồng nhất về Liên Xô và quân đội Liên Xô. Bởi vì trên thực tế, Liên Xô chủ trương giúp đỡ chân thành những người Afghanistan xây dựng một tương lai tốt hơn. Chúng tôi đã xây dựng các đường hầm, bảo đảm hoạt động của các hệ thống cung cấp nước, xây dựng trường học và bệnh viện, thành lập ngành công nghiệp. Khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan, thì ở nước này đã có chế độ Najibullah với quân đội mạnh mẽ. Cho đến cuối năm 1991, Najibullah đã kiểm soát tình hình trong nước rất tốt. Mọi việc chỉ bắt đầu diễn ra theo chiều hướng xấu khi những sự kiện hỗn loạn tại Moscow làm Liên Xô tan rã. Chính sự rối ren của nước Nga mới - một đống tro tàn sau thời kỳ Xô Viết - đã chấm dứt đột ngột cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Afghanistan, khiến cho chế độ Najibullah bị lật đổ. Nhưng phải chăng những người chiếm chính quyền ở Kabul đã làm cho cuộc sống của cư dân Afghanistan trở nên tốt hơn?”. 

Hiện nay, khi quân đội Mỹ, chứ không phải Liên Xô, đang chuẩn bị rút khỏi Afghanistan, người dân của nước này phải đối mặt với những vấn đề tương tự như sau khi Liên Xô rút quân, tuy nhiên với tính chất khác hơn. Các đối thủ của ban lãnh đạo hiện tại ở Kabul không nhận được sự hỗ trợ lớn như các đối thủ của chế độ Najibullah đã từng nhận từ phương Tây hơn 20 năm trước đây.

Chính phủ hiện tại không phải đối đầu với những thế lực phiến quân lớn như trước đây, nhưng bạo lực, khủng bố, chết chóc thì không hề kém. Trong mọi trường hợp, người dân Afghanistan lại phải học cách sống dựa vào sức mình, phải xây dựng mối quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng. Hy vọng rằng, những bài học của 25 năm qua sẽ có ích, và lần này người Afghanistan sẽ thành công hơn so với một phần tư thế kỷ trước.

Từ ngày 25-12-1979 tới 15-2-1989 tổng cộng 620.000 binh sĩ đã phục vụ trong các lực lượng tại Afghanistan (dù có những thời điểm chỉ có từ 80.000-104.000 người tại Afghanistan). Có 525.000 lính trong quân đội, 90.000 lính biên phòng và các đơn vị nhỏ của KGB, 5.000 người thuộc các đội MVD (Bộ nội vụ) và cảnh sát cùng với 21.000 nhân viên khác hoạt động cùng quân đội Liên Xô trong thời gian đó, với tư cách nhân viên “cổ cồn trắng” và phục vụ một số công việc khác.

Tổng cộng số thiệt hại nhân mạng trong các lực lượng vũ trang Liên Xô, quân biên phòng và các lực lượng bộ nội vụ là 14.453 người. Quân đội Liên Xô, các đơn vị thuộc tổng hành dinh mất 13.833 người, các đơn vị nhỏ của KGB 572 người, các đơn vị MVD mất 28 người và các bộ, sở khác mất 20 người. Trong giai đoạn này 417 quân nhân đã mất tích trong khi làm nhiệm vụ hoặc bị bắt làm tù binh; 119 người sau này đã được trả tự do, trong số đó 97 người quay trở về nước, 22 người đi ra nước ngoài.