Liên tục thất hứa, sẽ xem xét tín nhiệm

ANTĐ - Trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nếu các Bộ trưởng liên tục không hoàn thành lời hứa trước Quốc hội, sẽ có thể được đưa ra xem xét bỏ phiếu tín nhiệm.

Không khí sôi động ngay cả ngoài hành lang Quốc hội

- Trong những kỳ họp tới, Quốc hội cần làm gì để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, thưa ông?

- Theo tôi, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới nhiều hơn nữa. Các báo cáo của Chính phủ đọc trước Quốc hội nên rút ngắn hơn, hoặc chỉ đọc các bản báo cáo tóm tắt những vấn đề chính, bởi các báo cáo đầy đủ trước đó đã được gửi tới các vị ĐBQH. Như vậy, vừa đỡ tốn thời gian, vừa nâng cao năng lực và các kỹ năng tự nghiên cứu của ĐBQH. Đồng thời, dành nhiều thời gian hơn cho việc thảo luận tại hội trường về những vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN). Nhiều ĐBQH cho rằng việc làm ngân sách hiện nay, nhất là các kỳ họp cuối năm kể cả việc xây dựng dự toán và quyết toán NSNN của những năm trước phải làm kỹ hơn. Thời gian vừa qua, ĐBQH như bị rơi vào “ma trận” số liệu và không có thời gian để xem xét tài liệu. 

- Có ĐBQH nói “quyết định quan trọng nhất là ngân sách” song như hiện nay, Quốc hội dường như chỉ “hợp thức hóa những việc đã làm xong”?

- Thực ra, Quốc hội phải trực tiếp làm ngân sách và các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Tài chính - ngân sách và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phải làm kỹ hơn để thấy được quyền lực thực sự của Quốc hội là quyết định ngân sách, bởi đó chính là đồng tiền của Nhà nước và của nhân dân. Theo tôi, việc quyết định ngân sách và các vấn đề quan trọng khác phải được các Ủy ban của Quốc hội nghiên cứu làm sâu hơn nữa. 

- Quốc hội kỳ này đã ra hẳn một Nghị quyết của phiên chất vấn, ghi lại những lời hứa cụ thể của các Bộ trưởng, song không thấy nêu chế tài gì nếu bộ trưởng không hoàn thành lời hứa đó?

- Luật tổ chức Quốc hội đã nêu rất rõ, các thành viên Chính phủ và các cơ quan hữu quan đều phải nghiêm túc thực hiện tất cả các Nghị quyết của Quốc hội. Nếu không làm như vậy, các thành viên Chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các ĐBQH trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết đó.

- Trường hợp Bộ trưởng Bộ TN-MT khóa trước không giữ lời hứa hoàn thành cấp “sổ đỏ” vào năm 2010, vậy nếu tới đây, năm 2013, điều này tái diễn thì sao?

- Đúng là Bộ trưởng Bộ      TN-MT có hứa hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) vào năm 2010 nhưng vẫn không xong được. Tuy vậy, đó là thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ              TN-MT khóa XII. Với vị Bộ trưởng đương nhiệm (khóa XIII), Quốc hội đã quyết nghị là phải cơ bản cấp xong GCN lần đầu trong phạm vi cả nước vào năm 2013. Nếu sau thời điểm 31-12-2013, công việc này vẫn không hoàn thành, Bộ trưởng Bộ TN-MT sẽ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

- Theo ông, có nên xem việc không hoàn thành lời hứa như một tiêu chí để đưa ra Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm?

- Việc không hoàn thành lời hứa hoàn toàn có thể là một căn cứ để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu Bộ trưởng liên tục thất hứa với Quốc hội hay các vị ĐBQH, tức là không hoàn thành Nghị quyết của Quốc hội, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Số phiếu tín nhiệm mà thấp chứng tỏ tín nhiệm của vị Bộ trưởng đó không còn xứng đáng nữa. Lúc đó, Quốc hội sẽ quyết định vị thành viên Chính phủ đó có còn tiếp tục giữ vị trí đó nữa hay không. 

- Ông đã bao giờ nghĩ về tác động của phiên bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên tại Quốc hội?

- Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2012), đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Khi có quy chế đó thì mới thực hiện được.

- Từng có bài phát biểu rất ấn tượng về phòng, chống tham nhũng tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp vừa qua, ông có nhận được sự chia sẻ từ cử tri?

- Tôi đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ, ủng hộ từ đông đảo người dân, cử tri cả nước. Ít nhất có hơn 600 tin nhắn, cuộc điện thoại từ khắp các vùng miền trong cả nước khẳng định, bài phát biểu đó đã nói lên tiếng nói của cử tri. Nhiều người bày tỏ mong muốn rất cần những phát biểu như vậy.

- Những phát biểu, chất vấn thẳng thắn, gai góc được dư luận ủng hộ nhưng cũng "đụng chạm" không ít, ông có bao giờ lo lắng về điều đó?

- Có người đã nhắn tin hỏi tôi rằng, “khi phát biểu như thế, ông có sợ gì không”? Tôi có nhắn lại rằng, “tôi không lo sợ hay e ngại gì vì đây là tôi nói tiếng nói của cử tri”. Thực tế, cử tri đã rất hoan nghênh, ủng hộ, bảo vệ tôi. Đây cũng không phải là lần đầu tiên tôi phát biểu về chống tham nhũng. Từ Quốc hội khóa XII, tôi đã có nhiều lần đăng đàn về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản. 

- Ông có nói là cần một Bao công công minh, chính đại để chống tham nhũng, tiêu cực, vậy ông có mong Quốc hội xuất hiện nhiều hơn nữa những người sẵn sàng cất lên tiếng nói mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi cho cử tri?

- Tôi hoàn toàn đồng tình quan điểm này. Cử tri cũng đã nhắn nhủ tới tôi là các vị đại biểu Quốc hội cần có bản lĩnh hơn nữa, để tiếp tục nói lên tiếng nói cử tri, để người dân được nhờ.