Liên tục ban hành các quyết định giảm lãi suất, NHNN đang nới lỏng chính sách tiền tệ?

ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hàng loạt quyết định giảm lãi suất trên hệ thống ngân hàng như trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên và gần đây nhất là lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước. Phải chăng đây là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ?

Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành hàng loạt quyết định đối với tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN. Trong đó đáng chú ý là quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND sẽ giảm xuống là 0,8%/năm sau 14 năm áp dụng mức lãi suất 1,2%/năm kể từ 2005.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc ở thời điểm này là phù hợp bởi vì mức lãi suất 1,2% đã duy trì trong suốt 14 năm qua và đến nay mặt bằng lãi suất nói chung đã giảm đáng kể. Cùng với việc giảm trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, giảm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, động thái này của NHNN sẽ hỗ trợ đáng kể cho nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho cả nền kinh tế.

Còn theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc của NHNN có 2 mục đích chính.

Thứ nhất là khuyến khích các ngân hàng đang có thanh khoản dư thừa, thường xuyên có tiền gửi vượt mức dữ trữ bắt buộc tại NHNN tăng cường hoạt động cho vay ra nền kinh tế thay vì để tiền ở NHNN để hưởng lãi suất.

Khi chi phí cơ hội của hoạt động cho vay giảm xuống do nhận được ít tiền lãi hơn từ NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể sẽ xem xét tăng cho vay nhiều hơn".

Nhiều khả năng tình hình tăng trưởng tín dụng trong 11 tháng đầu năm còn cách khá xa mục tiêu 14% nên NHNN đang tăng cường các giải pháp để thúc đẩy tín dụng” – báo cáo của BVSC nhận định.

Định hướng của Chính phủ và NHNN là giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Nhìn rộng ra thế giới thì hiện nay, Nhật Bản và châu Âu là những khu vực đang áp mức lãi suất âm (lần lượt là -0,1% và -0,5%) cho các khoản tiền của NHTM gửi tại NHTW khi vượt một ngưỡng nhất định. Điều này đồng nghĩa các NHTM thậm chí phải trả một khoản phí cho ngân hàng trung ương thay vì được hưởng lãi.

Mục đích thứ hai, theo BVSC là việc giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc sẽ giúp giảm chi phí nhất trong quá trình điều hành chính sách của NHNN. Tuy nhiên, BVSC không đánh giá quá cao mục tiêu này.

Ngân hàng có thiệt hại nhiều?

Trước đó, NHNN đã ban hành hàng loạt quyết định giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng tại các NHTM, đồng thời giảm trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên xuống 6,0% thay vì 6,5% trước đó. Cùng với quyết định giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lần này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.

Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến tháng 9/2019, tổng tiền gửi tại các TCTD là gần 8,5 triệu tỷ đồng. Theo quy định, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các TCTD là 3% với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng; 1% với tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tính toán của TS Cấn Văn Lực cho thấy, tại BIDV, tổng số tiền dự trữ bắt buộc tại NHNN hiện ở mức khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Với việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc từ 1,2% xuống 0,8%, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm khoảng 80 tỷ đồng/năm. “BIDV hiện có thị phần khoảng 12%, như vậy tính ra mức giảm của cả hệ thống ngân hàng sẽ vào khoảng 600 tỷ đồng” – vị chuyên gia cho biết. Ông cũng cho răng đây là mức giảm không lớn nên tác động sẽ không nhiều.

Đánh giá về hàng loạt động thái giảm lãi suất của NHNN có phải nới lỏng chính sách tiền tệ hay không, TS Cấn Văn lực cho rằng, đã giảm lãi suất là nới lỏng tiền tệ, nhưng với các quyết định của NHNN thì tác động là không nhiều.

“Việc giảm trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, mục tiêu chính là giảm mặt bằng lãi suất cả huy động lẫn cho vay theo định hướng chung của Chính phủ cũng như định hướng điều hành của NHNN trong bối cảnh lạm phát thấp.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất huy động chỉ áp dụng với kỳ hạn ngắn, còn lãi suất cho vay chỉ áp dụng các lĩnh vực ưu tiên nên tác động đến kết quả kinh doanh các ngân hàng là không nhiều  và các ngân hàng cần phải chia sẻ với nền kinh tế” – vị chuyên gia nêu quan điểm.