Liên tiếp phát hiện nguyên liệu "bẩn", trà sữa vẫn nở rộ

ANTD.VN - Chỉ trong vòng 3 tuần gần đây,  lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện và thu giữ ở 2 kho một số lượng lớn nguyên liệu pha chế trà sữa không rõ nguồn gốc với nhiều tấn hàng hóa. Thế nhưng trên các con đường, góc phố ở Hà Nội không khó để tìm một cửa hàng trà sữa và có những phố có đến cả chục quán nằm san sát nhau, luôn tấp nập người vào kẻ ra “thưởng thức” loại nước uống này. 

Các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ này có thật sự an toàn cho sức khỏe hay không là băn khoăn của nhiều người. Nhưng chính những người trẻ đang “phát cuồng” vì trà sữa lại thờ ơ với điều này.

Cơn sốt trà sữa

Một cuộc khảo sát nhỏ được PV Báo ANTĐ thực hiện tại các tuyến phố của Hà Nội. Dễ dàng nhận thấy các cửa hàng trà sữa đang phát triển với tốc độ nhanh. Nhiều thương hiệu có tên gần giống nhau được bài trí với phong cách thời thượng, trang hoàng đẹp mắt đua nhau mọc lên như nấm mọc sau mưa.

Ghi nhận của phóng viên tại các tuyến đường Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, phố Thái Hà, Kim Mã, Láng Hạ... dù rất ngắn nhưng hai bên đường có tới hàng chục quán trà sữa khác nhau. Trên phố Lý Thường Kiệt cũng có hàng loạt các cửa hàng trà sữa đang hoàn tất công việc chuẩn bị khai trương.

Người trẻ xếp hàng để mua trà sữa

Hà Nội đang có khoảng hơn 30 thương hiệu trà sữa. Có những thương hiệu như CoCo, Toco Toco, Gong Cha, Bobapop, Chago, Goky, Dingtea, Feeling tea... có hàng chục cơ sở trên khắp các tuyến phố. Dường như  cơn sốt trà sữa đang tràn sâu vào từng ngõ ngách của Hà Nội.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường, người Hà Nội quan tâm tới trà sữa nhiều hơn, có tới 73% số người được hỏi đều nhận biết trà sữa, tỷ lệ nhận biết cao hơn ở những người trả lời trong độ tuổi từ 30-39 tuổi...

Có tới 53% số người được hỏi uống trà sữa ít nhất 1 lần/tuần. Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng lại có 8 cửa hàng được mở thêm. Lý do uống trà sữa của đại đa số khách hàng là ngon, thư giãn và dành cho tuổi trẻ.

Khoảng hai năm trở lại đây, trà sữa đã thực sự bùng nổ tại thị trường Việt Nam. Quá nhiều quán trà sữa mọc lên với đủ loại thương hiệu khác nhau và phần lớn đều quảng cáo nguồn gốc từ Đài Loan.

Nguyễn Mai Anh (sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: "Mỗi tuần tôi thường uống khoảng 2-3 cốc trà sữa. Nếu không uống thì cảm thấy thèm. Nếu thử hết các vị của các thương hiệu trà sữa ở Hà Nội thì có lẽ cả tháng không hết. Tôi thích uống trà sữa đơn giản vì ngon và cũng vì quá "hot" nên phải thử".

Hàng loạt kho nguyên liệu “bẩn” bị thu giữ

Đằng sau sự nở rộ của trà sữa, một vấn đề thực sự đáng lo ngại chính là mức độ an toàn của các nguyên liệu, phụ gia. Trong những ngày cuối tháng 12-2017 và đầu tháng 1-2018, lực lượng chức năng Hà Nội đã liên tiếp bắt giữ hàng loạt các vụ việc vi phạm kinh doanh buôn bán nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc. Điều này, đã dấy lên hồi chuông báo động về trà sữa.

Trà Trung Quốc "hô biến" thành trà Việt Nam để pha chế trà sữa

Ngày 15-1, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội QLTT số 6, Chi cục QLTT Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam có địa chỉ tại khuôn viên số 10, đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 2.000 túi trà có nhãn mác nước ngoài đang được cắt bao bì và đóng gói sang các bao bì bằng giấy bạc khác, dán tem mác của một số công ty sản xuất chế biến chè uy tín của Việt Nam, cùng với hơn 100 hộp sữa đặc loại 5kg nhãn hiệu Zhejiang.

Tại kho hàng này, còn có số lượng lớn các bao bì bằng giấy bạc loại trơn chưa có nhãn mác, một số loại nhãn in, con dấu để dập hạn sử dụng và một số máy móc để đóng gói sản phẩm.

Giám đốc công ty này là Nguyễn Thị Thu Hường không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số nguyên liệu trên. Kho hàng có rất nhiều loại trà được giới trẻ yêu thích như trà Ô Long TS, trà xanh, hồng trà vị cam, trà xanh vị bưởi, trà Ô Long TS vị xoài đỏ, trà Ô Long TS nhiệt đới..

Lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ số lượng lớn nguyên liệu trà sữa không rõ nguồn gốc

Trước đó, vào ngày 26-12, lực lượng QLTT Hà Nội đã thu giữ hơn 4 tấn phụ gia, hương liệu như nước chanh leo, sirô, bột trân châu, trà, bột thạch... là nguyên liệu dùng để pha chế trà sữa do nước ngoài sản xuất chứa trong 320 thùng car-ton không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc tại kho hàng E6, trong sân ga Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Số hàng này gồm rất nhiều mặt hàng như trà, siro hoa quả, trà sữa, trân châu… với tổng trọng lượng khoảng 4 tấn, với giá trị khoảng 600 - 700 triệu đồng.

Các sản phẩm này hầu hết không có bao bì, nhãn phụ. Một số sản phẩm có bao bì in chữ tượng hình. Các loại nước hoa quả được đựng trong các chai nhựa "cởi trần", không có bất cứ dấu hiệu nhận dạng nào, không có hạn sử dụng cũng như nơi sản xuất.

Chị Dương Ánh Nhật (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Trà sữa thực sự đang là một trào lưu. Người trẻ đua nhau tìm đến các quán trà sữa không chỉ để thưởng trà mà còn để chụp ảnh, “check in” theo phong cách thời thượng. Hầu như không ai mảy may thắc mắc, lo ngại về các nguyên liệu được “phù phép” “hô biến” trở thành những cốc nước xanh đỏ đẹp mắt bởi lý do đơn giản mỗi cốc nước có giá từ 30.000 - 60.000 đồng, của các thương liệu lớn lại “sang” như vậy chắc sẽ an toàn”.

Theo một số chuyên gia, hầu hết các hương liệu, phụ gia để pha chế trà sữa đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Nếu các loại nguyên liệu này không rõ nguồn gốc, không được kiểm tra mức độ an toàn về vệ sinh thực phẩm thì thực sự đáng lo ngại về an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Trên thực tế, hiện nay, tại các cửa hàng trà sữa, không có bất kỳ một thông báo cho người tiêu dùng biết về nguyên liệu đầu vào đã được kiểm định hay chưa, các nguyên liệu có đảm bảo chất lượng hay không. Người tiêu dùng chỉ biết chọn vị ưa thích và trả tiền, việc được biết về xuất xứ nguyên liệu là không hề có.

Vậy, câu hỏi đặt ra là mới mức giá rất cao từ 50.000 - 60.000 đồng/ cốc, trà sữa liệu có tương ứng với mức độ tin cậy và an toàn của sản phẩm.