Liên tiếp mở rộng đầu tư, Vinamilk hái "trái ngọt" ở nước ngoài

ANTD.VN -Năm 2016 là vừa tròn 40 năm thành lập, đến nay Vinamilk đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sữa tại Việt Nam và đang vươn mình mạnh mẽ ra quốc tế. Vinamilk đã đầu tư vào một loạt nhà máy tại Campuchia, New Zealand, Mỹ và công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu…

Chiếm lĩnh thị trường trong nước, tăng hiện diện ở nước ngoài

Vinamilk đang là thương hiệu chiếm lĩnh thị trường sữa với thị phần khoảng 55%. Để đạt được kết quả này, trong 5 năm qua, Vinamilk đã đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có để xây dựng nhiều nhà máy có trình độ tự động hoá cao ngang tầm khu vực và thế giới. Hiện nay ngoài 10 trang trại và 13 nhà máy trong nước, Vinamilk còn có 3 nhà máy tại Mỹ, New Zeland, Campuchia, 1 công ty con tại Ba Lan và đang xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu ở các thị trường mới như Thái Lan, Myanmar và Châu Phi.

Không chỉ là thương hiệu hàng đầu trong ngành sữa tại Việt Nam, sản phẩm của Vinamilk hiện có mặt tại 43 nước trên thế giới

Không chỉ các khoản đầu tư vào các nhà máy, dự án tại nước ngoài, sự hiện diện của những sản phẩm mang thương hiệu Vinamilk cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại các nước bạn.

Chia sẻ tại một hội nghị đầu năm nay, bà Mai Kiều Liên - Tổng gám đốc Vinamilk cho biết, trong thời gian qua, nhờ xác định mục tiêu phải đẩy mạnh xuất khẩu nên từ doanh số 27 triệu USD năm 1998, đến năm 2015 Vinamilk đã đạt 5.300 tỷ đồng (khoảng 242 triệu USD), tăng 77% so với năm 2014 và tăng 800% so với năm 1998 với đa dạng các chủng loại sản phẩm.

Theo bà Mai Kiều Liên, với 13 nhà máy sản xuất các sản phẩm sữa trên cả nước, trong đó có 2 nhà máy được gọi là Mega hay Siêu nhà máy được đặt tại Bình Dương: 1 nhà máy chuyên sản xuất sữa nước có vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng có công suất siêu lớn hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 1 và sẽ tăng lên 800 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 2 vào năm 2016, và nhà máy sản xuất sữa bột trẻ em có công suất là 54.000 tấn/năm sẽ là tiền đề để thúc đẩy quá trình xúc tiến xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài của Vinamilk.

Hệ thống bồn lạnh chứa sữa tại Siêu nhà máy sữa Việt Nam (nhà máy MEGA) - 1 trong 13 nhà máy sữa của Vinamilk tại Việt Nam và cũng là 1 trong 3 siêu nhà máy sữa hiện có trên thế giới

Trên thực tế, không chỉ duy trì vị thế là thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam, để phát triển bền vững, Vinamilk luôn chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm sữa của mình ra thị trường nước ngoài. Sản phẩm của Vinamilk hiện có mặt tại 43 nước trên thế giới như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Australia... Công ty đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ.

Mới đây nhất, vào ngày 13/7 vừa qua, tại hội chợ Summer Fancy Food Show tại Mỹ, lần đầu tiên Vinamilk tham dự cùng với đại diện từ Driftwood Dairy Inc. – công ty với 100% vốn sở hữu của Vinamilk, giới thiệu hai sản phẩm sữa đặc và creamer đặc thương hiệu Driftwood được sản xuất tại nhà máy của Vinamilk tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.

Các sản phẩm này nhận được nhiều sự quan tâm của các khách hàng tham quan hội chợ, mở ra cơ hội xuất khẩu các sản phẩm sữa đặc của Vinamilk. Sau khi vượt qua các rào cản khó khăn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với ngành thực phẩm nói chung và ngành hàng sữa nói riêng, sản phẩm của Vinamilk đã được FDA và USDA công nhận chất lượng và cấp giấy phép nhập khẩu. Sự kiện này mang ý nghĩa khẳng định vị thế của Vinamilk nói riêng và các sản phẩm của Việt Nam nói chung.

“Trái ngọt” từ những khoản đầu tư hàng triệu USD

Không chỉ dừng lại ở việc đã xuất khẩu các sản phẩm ra 43 nước mà hiện nay Vinamilk đã đầu tư 22,8% vốn cổ phần  tại nhà máy Miraka (New Zeland), đầu tư 100% cổ phần vào nhà máy Drifwood (Mỹ), nắm giữ 51% cổ phần đầu tư nhà máy Angkor Milk tại Campuchia và công ty con tại Ba Lan để làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu. Sau giai đoạn tập trung nhân lực và “rót” vốn đầu tư ban đầu, những “thương vụ” đầu tư nước ngoài đã bắt đầu mang lại những “trái ngọt” cho Vinamilk.

Điểm qua cho thấy, tại nhà máy Driftwood tại Mỹ, sau khi đầu tư thêm 3 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư lên 10 triệu USD, Vinamilk đã chính thức nắm 100% quyền sở hữu tại một trong những nhà sản xuất sữa lâu đời và dẫn đầu thị trường ở bắc California này. Năm 2015, tổng doanh thu của Driftwood đạt 119 triệu USD, tương đương hơn 2.600 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% doanh thu hợp nhất của Vinamilk.

Vinamilk vừa khánh thành nhà máy sữa Angkor tại Phnom Penh, Campuchia sau 10 năm thâm nhập và tìm hiểu thị trường này

Tại Campuchia, tháng 5/2016 vừa qua, Vinamilk đã khánh thành nhà máy sữa Angkor tại Phnom Penh sau 10 năm thâm nhập và tìm hiểu thị trường này. Khi đi vào hoạt động ổn định, nhà máy sẽ đạt công suất mỗi năm trên 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc. Kế hoạch doanh thu của nhà máy vào năm 2015 là khoảng 35 triệu USD, đến năm 2017 sẽ đạt khoảng 54 triệu USD.

Còn tại New Zealand, là dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của Vinamilk vào năm 2010 và tháng 8/2011, Miraka chính thức đi vào hoạt động. Năm 2015 vừa qua, Vinamilk đã tăng thêm tỷ lệ sở hữu tại nhà máy này từ 19,3% lên 22,81%. Ngoài đóng góp vào lợi nhuận của Vinamilk thông qua chi trả cổ tức, Miraka còn là một trong những nhà cung cấp bột sữa cho Vinamilk và các công ty con. Hiện nay, Miraka đang có 2 dây chuyền chế biến bột sữa và sữa tươi tiệt trùng, cùng nhiều kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. 

Năm 2015 (năm tài chính kết thúc vào ngày 31/7), Miraka đã sản xuất hơn 32 nghìn tấn bột sữa nguyên kem, đạt tổng doanh thu 158 triệu NZD, lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 7,5 triệu NZD. Tháng 12 vừa qua, Miraka cũng đã chi trả cổ tức cho Vinamilk với mức chi là 648 nghìn NZD sau thuế.

Trước đó, trong năm 2014, Vinamilk cũng được cấp phép đầu tư 100% vốn thành lập công ty con tại Ba Lan. Mục tiêu chính của công ty này là sản xuất sữa phục vụ cho nhu cầu sản xuất của Vinamilk và các công ty con. Năm 2015, tổng sản lượng xuất khẩu của công ty con này đạt gần 18 nghìn tấn bột sữa, với tổng doanh thu xấp xỉ 33 triệu USD.