Liên tiếp các vụ trẻ mầm non bị bạo hành: Vì đâu nên nỗi?

ANTD.VN - Mới đây, những hình ảnh bạo hành trẻ tại một cơ sở mầm non tư thục ở quận 12 TP.HCM xuất hiện tràn lan trên mạng đã khiến hàng nghìn phụ huynh bàng hoàng, phẫn nộ, đồng thời tỏ ra vô cùng lo lắng khi có con em đang gửi tại các trường mầm non.

Bạo hành trẻ là vi phạm đạo đức, pháp luật

Theo quy định hiện hành, việc bạo hành trẻ không chỉ đi ngược lại với các chuẩn mực đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, đơn vị chủ quản, sự thiếu hụt về kiến thức và đạo đức của không ít giáo viên mầm non.

Luật Trẻ em 2016 đã nêu rõ, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người thực hiện hành vi bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặc dù vậy, việc hàng loạt các vụ bạo hành trẻ vẫn xảy ra ở mức độ nghiêm trọng trong thời gian qua cho thấy, công tác đào tạo giáo viên mầm non dường như đang có “lỗ hổng” lớn, việc quản lý giáo dục mầm non còn lỏng lẻo, chế tài xử lý cá nhân vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Hình ảnh trẻ bị bạo hành xuất hiện ở khắp nơi

Phân tích dưới góc độ tâm lý, PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Phó Tổng thư ký Hội xã hội học Việt Nam cho rằng, trẻ mầm non bị bạo hành thường có biểu hiện trầm cảm, lo âu, sợ hãi, sợ ăn, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ giật mình, hay mơ sảng và la hét. Bên cạnh đó, trẻ sẽ sợ đi học vì sợ gặp cô giáo. Nếu bị đánh đập thường xuyên, trẻ dần dần sẽ thiếu tự tin, rụt rè, rất dễ bị kích động bạo lực hoặc là có tư tưởng trầm uất, thậm chí có quan niệm sống lệch lạc không biết trân trọng người khác và bản thân mình. Ngoài ra, trẻ bị bạo hành luôn cảm thấy thiếu tin tưởng vào người khác, sống khép kín và gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội, có biểu hiện lì lợm, ngang bướng và không coi chuyện phạm lỗi là quan trọng.

“Bạo hành không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ mà còn tác động không tốt đến sự thành công trong tương lai của chúng. Để ngăn chặn tình trạng này, các bậc cha mẹ cần dạy trẻ những kĩ năng sống, dành thời gian gần gũi, trò chuyện với trẻ, lắng nghe trẻ nói để có thể phát hiện sớm những biểu hiện bất bình thường. Phụ huynh cũng nên tập cho trẻ biết nói ra những sự việc mình chứng kiến hàng ngày, đồng thời thường xuyên theo dõi camera lớp học” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ.

Lỗi một phần thuộc về phụ huynh

Phân tích về lý do dẫn đến hành vi bạo hành, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, có thể do người bạo hành có học thức kém, trình độ văn hóa thấp, thiếu đạo đức, thiếu kỹ năng chăm sóc trẻ, có mối thù hằn với cha mẹ đứa trẻ...Có đối tượng có tiền sử ghét trẻ em hay bị ức chế tâm lý lâu ngày, gặp nhiều áp lực trong công việc, cuộc sống. Thậm chí ở một số đối tượng, động cơ chính khiến họ gây ra các hành vi lệch chuẩn là do có nhu cầu, ham muốn mãnh liệt đối với việc được hành hạ, xâm hại trẻ em.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Phó Tổng thư ký Hội xã hội học Việt Nam

Khi quyết định cho con đi trẻ, mục đích của hầu hết các bậc cha mẹ  là để có thời gian đi làm, có người chăm sóc con thay mình. Họ thường mong muốn con mình phát triển tốt, tiếp thu được nhiều kiến thức từ cô, từ bạn bè song lại ít quan tâm và không dành nhiều thời gian trò chuyện, gần gũi chúng. Vô tình điều này đã áp lực cho cô giáo và nhà trường, họ phải tìm mọi cách để thỏa mãn phụ huynh thay vì đáp ứng nhu cầu của con trẻ nên sẽ dẫn đến việc ép trẻ ăn, đánh trẻ khi chúng không nghe lời. Chưa nói đến việc, hiện có một số cha mẹ chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn để gửi con vào những cơ sở không có giấy phép, không đủ điều kiện dạy và học song có mức phí thấp. Như vậy, chính các bậc phụ huynh là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ bị bạo hành.

Nhằm hạn chế những vụ việc đau lòng có thể xảy ra tiếp theo, vấn đề cấp bách là cần tăng cường đào tạo nghiệp vụ sư phạm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên mầm non, có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với họ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra đối với các cơ sở mầm non trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ đối với các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định.

“Điều quan trọng nhất là phụ huynh khi cho con đến trường cần quan tâm sát sao, theo dõi những biến chuyển về sức khỏe và tâm lý của trẻ, không nên phó mặc hết trách nhiệm cho nhà trường. Khi trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, hành hạ, bị ngược đãi phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe, đồng thời thông báo sự việc tới các cơ quan chức năng để được xem xét, giải quyết kịp thời, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình khuyến cáo.