Liên tiếp các vụ trẻ bị bố mẹ đánh đập, trói vào thùng xe: Vì đâu nên nỗi?

ANTD.VN -Trong khi hàng triệu trẻ em trên cả nước đang tưng bừng chào đón ngày tết Thiếu nhi 1/6, thì tại một số địa phương một số trẻ vẫn bị chính cha, mẹ ruột của mình bạo hành, trói vào xe tải, đánh đập, giẫm đạp dã man. Nhiều người bất bình đặt câu hỏi: "Vì đâu nên nỗi? Phải chăng do chế tài xử lý còn quá nhẹ?"

Khi ngôi nhà không còn là nơi an toàn

Mới đây, tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình xảy ra vụ việc khá nghiêm trọng. Bé gái N.T.T (12 tuổi) đã bị mẹ ruột trói chân, tay vào sau thùng xe ô tô tải của gia đình đỗ trước cổng nhà. Những hình ảnh này đã được người dân trong khu vực quay, chụp lại đưa lên mạng xã hội.

Sau khi nhận được tin báo về vụ việc, lực lượng công an địa phương đã xuống hiện trường, yêu cầu gia đình cởi trói cho cháu T đồng thời lập biên bản, triệu tập những người có liên quan để làm rõ.

Theo thông tin ban đầu, mẹ cháu bé cho biết vì gia đình sống chung với ông bà ngoại, nhiều lần bị mất tiền mà không biết ai lấy nên sinh nghi kị lẫn nhau. Đến khi gặng con gái nhiều lần mới biết cháu T lấy trộm. Do quá bức xúc, mất bình tĩnh nên mẹ cháu T đã trói con vào thùng xe nhằm mục đích răn đe.

Bé gái 6 tuổi bị chính bố ruột đánh đập, bạo hành

Còn tại Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, bé Danh Thị N (6 tuổi, ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu) đã bị cha ruột là Danh Đa (24 tuổi) đánh, trói, giẫm đạp… tàn nhẫn vào đầu, lưng, bụng bé gái mặc cho bé kêu gào thảm thiết.

Ngay sau đó, cơ quan công an đã khẩn trương vào cuộc xác minh. Tại cơ quan điều tra, Danh Đa khai nhận người bị Đa trói, rượt đánh là con gái lớn của mình. Nguyên nhân là do anh ta phát hiện con gái mình lấy gạo đổ vào đống cát để đùa nghịch nên tức giận đánh con gái.

Với hành vi trên, Danh Đa đã bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng về Tội hành hạ người khác theo Khoản 2 Điều 185 BLHS 2015. Bé N đã được cơ quan chức năng đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu điều trị., sức khỏe tiến triển tốt.

Phân tích các vụ việc trên dưới góc độ tâm lý, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, việc cha mẹ ruột trói con vào thùng xe tải, đánh, giẫm đạp con một cách tàn nhẫn thể hiện sự yếu kém trong nhận thức, thiếu hiểu biết về pháp luật của họ. Phương pháp này không những không mang lại kết quả như mong muốn mà còn phản giáo dục.

Hậu quả trước mắt là sự tổn thương về thể xác đối với trẻ. Về lâu dài, hành vi này sẽ khiến trẻ bị sang chấn tâm lý, các thương tổn về mặt tinh thần. Nếu bị bạo hành kéo dài, thường xuyên có thể khiến trẻ dần thu mình, luôn giữ khoảng cách với bố mẹ để tự vệ. Khi lớn lên trẻ có xu hướng hung hãn, sử dụng bạo lực khi gặp các va chạm của cuộc sống.

Mặt khác, khi trẻ mắc lỗi, bị cha mẹ đánh đập, trừng phạt, bêu riếu trước đám đông sẽ khiến chúng rơi vào trạng thái tủi hổ, thiếu tự tin, học hành sút kém. Nghiêm trọng hơn, nhiều em bị trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực và tìm đến cái chết để giải thoát.

Hành hạ, đánh đập trẻ có thể phải ngồi tù

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nhiều cha mẹ vẫn nghĩ rằng “yêu cho roi, cho vọt” nên việc đánh đập hay trừng phạt con cái nghiêm khắc là để uốn nắn giúp con nên người. Tuy vậy, đây chưa bao giờ là biện pháp hiệu quả để giáo dục con cái.

Mặt khác, theo Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cha mẹ phải thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

Bên cạnh đó, theo Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia định 2007 nêu rõ các hành vi cố ý bị cấm gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng của các thành viên trong gia đình.

"Việc cha mẹ trói, đánh đập tàn nhẫn con ruột của mình là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự" - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Về xử lý hành chính, Khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần…

Ngoài ra, theo Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 1- 1,5 triệu đồng với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành hạ người khác (Điều 140 BLHS 2015) với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam hoặc Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con...(Điều 185 BLHS 2015) với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù.