Liên tiếp các vụ lừa tiêm vaccine giả, giả danh lực lượng chống dịch để cưỡng đoạt tài sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong thời gian nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi phát tờ rơi, quảng cáo dịch vụ tiêm vaccine, thậm chí còn giả danh lực lượng chống dịch để lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản của người dân gây bức xúc trong dư luận...

Từ lừa đảo tiêm vaccine…

Trên các trang mạng xã hội hiện có khá nhiều lời mời mua, tiêm vaccine Covid-19 như "một số tổ chức, cá nhân tự nhận tiếp cận được nguồn vaccine của các hãng sản xuất, hoặc mua lại của một số nơi dư thừa nên có thể bán lại và tiêm cho người dân".

Để thu hút sự chú ý và lấy lòng tin từ người dân, các đối tượng còn cắt, ghép hình ảnh, bài viết của các trang báo chính thống để quảng cáo.

Có đối tượng còn gửi thư điện tử cho các địa chỉ email, hướng dẫn đăng ký tiêm phòng tự nguyện, kèm theo một đường link đến một địa chỉ website, email yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP và yêu cầu chuyển trước một khoản tiền...

Sau đó, họ còn được đề nghị truy cập vào đường link trong thư để xác thực việc đăng ký tiêm phòng đã thành công.

Song trên thực tế, ngoài việc bị mất tiền, người bị lừa đảo còn có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản để chiếm đoạt tiền hoặc phá hoại máy tính bằng các phần mềm độc hại.

Liên quan đến hành vi trên, cách đây không lâu, TAND TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Ðịnh) đã mở phiên tòa xét xử Tiêu Thị Tuyết Sương (ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Ðịnh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do tiêm vaccine giả cho nhiều người, trong đó có vaccine phòng Covid-19.

Đối tượng này đã tự xưng là nhân viên của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Ðịnh, có dịch vụ tiêm vaccine tại nhà.

Sau khi có người “sập bẫy”, Sương đến hiệu thuốc mua nước cất, thuốc kháng sinh rồi pha trộn, bơm sẵn dung dịch vào các ống tiêm cất…

Với thủ đoạn này, Sương đã chiếm đoạt hơn 63 triệu đồng của 18 bị hại, nên đã bị tuyên phạt 4 năm tù giam.

Trước tình trạng trên, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về tăng cường truyền thông cảnh báo lừa đảo, giả mạo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, trong đó nêu rõ, để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine giả mạo, người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vaccine lan truyền trên mạng xã hội, tuyệt đối không tiêm những loại vaccine trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định, cấp phép.

...đến giả danh lực lượng chống dịch

Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã bắt giữ nhóm đối tượng đóng giả lực lượng kiểm soát phòng, chống dịch để thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Nhóm đối tượng gồm: Nguyễn Đức Anh (SN 2004, HKTT tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội), Phạm Việt Đức (SN 2004; HKTT Đống Đa, Hà Nội); Nguyễn Đức Quân (SN: 2006, HKTT tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội), Trần Minh Sang (SN 2006, HKTT Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội), Nguyễn Đắc Thắng (SN: 2004, HKTT Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Nguyễn Văn Tường Huy (SN: 2006, HKTT Phong Điền, Thừa Thiên Huế).

Các đối tượng này đã mặc quần áo dân quân tự vệ, ra đường tìm người đi đường không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang, vi phạm quy tắc phòng chống dịch.

Khi phát hiện người vi phạm thì yêu cầu dừng xe tiến hành kiểm tra và đe dọa người vi phạm về trụ sở phường để xử lý với mục đích làm cho người vi phạm, sợ phải đưa ra một số tiền để được bỏ qua lỗi.

Với thủ đoạn này, nhóm đối tượng trên đã cưỡng đoạt tiền của không ít người...

Các đối tượng đóng giả lực lượng kiểm soát phòng, chống dịch để cưỡng đoạt tài sản

Các đối tượng đóng giả lực lượng kiểm soát phòng, chống dịch để cưỡng đoạt tài sản

Phân tích các hành vi trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc một số các đối tượng lừa đảo tiêm phòng vaccine, giả lực lượng phòng chống dịch để chiếm đoạt tiền, tài sản của người dân là không thể chấp nhận được. Những hành vi này cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự để đảm bảo tính răn đe.

Bên cạnh đó, để tránh tiền mất tật mang, mỗi công dân cần thận trọng trước những lời quảng cáo trên mạng, bình tĩnh chờ đến lượt để được tiêm vaccine, chỉ ra đường khi có việc thực sự cần thiết và cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định (Giấy phép lái xe, Đăng ký xe, Giấy đi đường theo mẫu, căn cước công dân…).

Đặc biệt, khi vi phạm cần tuân thủ quy định về xử lý hành chính, không đưa tiền để được bỏ qua kẻo vô tình tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật – Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.