Liên tiếp bùng nổ cháy rừng, viễn cảnh tồi tệ nhất sẽ ra sao?

ANTD.VN - Liên tiếp các vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra khắp nơi trên thế giới, hậu quả để lại là sự tổn thất về người và của, cũng như gây ra sự biến đổi khí hậu theo chiều hướng tiêu cực. Ở mỗi quốc gia khác nhau đều có những hướng giải pháp riêng, phù hợp với nguồn lực, để từ đó khắc phục tốt nhất hậu quả của các vụ cháy rừng.

8 tháng, hơn 78.000 vụ cháy ở rừng Amazon

Cháy rừng Amazon, nguy cơ dẫn tới biến đổi khí hậu (Ảnh: BBC)

Theo thống kê của cơ quan nghiên cứu vũ trụ Brazil (INPE), tính tới ngày 23-8, tỉ lệ các vụ cháy rừng Amazon tăng 84% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chỉ trong vòng 8 tháng, đã có đến 78.383 vụ cháy rừng, đặc biệt, gần 50% số vụ xảy ra trong tháng 8-2019.

Rừng Amazon có 60% diện tích nằm trên lãnh thổ của Brazil. Khi liên tiếp xảy ra sự cố cháy rừng, người dân của toàn bộ đất nước này cũng như trên thế giới bị ảnh hưởng. Bởi Amazon được ví như "lá phổi của Trái đất". Và tại Brazil, bang Rondonia là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thảm họa cháy rừng này, người dân phải sống trong không khí ngột ngạt, màn khói mù mịt bao quanh.

Theo ông Carlos Nobre, kịch bản tồi tệ nhất xảy đến khi số vụ cháy rừng Amazon tiếp diễn, tỉ lệ mất rừng là 20 - 25%, báo động sẽ có khoảng 20 tỉ tấn carbon dioxide thải vào không khí, giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng lên từ 1,5 - 2 độ C để tránh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng khó giữ được.

Giới khoa học nhận định, không chỉ riêng với Brazil, các nước có rừng Amazon có thể áp dụng đồng bộ các biện pháp để khắc phục được nạn cháy rừng nghiêm trọng này: Xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ về cơ chế tác động giữa khô hạn, cháy rừng và phá rừng; đề ra các chính sách ứng phó một cách tổng thể với rừng nhiệt đới; trang bị các kỹ năng và trợ giúp phòng chống hỏa hoạn cho cộng đồng dân cư sống trong và gần rừng.

“Giặc lửa” lan rộng ở Siberia, Nga

Những đám cháy lan rộng tại các khu rừng thuộc Siberia (Ảnh: Themoscowtimes.com)

Quốc gia chịu những thiệt hại nặng nề từ nạn cháy rừng không thể không nhắc đến đó là Nga. Vụ việc xảy ra vào cuối tháng 7-2019 tại Siberia và vùng Viễn Đông của đất nước này. Tổng diện tích rừng bị thiêu rụi tính đến ngày 31-7 lên đến 3 triệu ha, với hơn 2.700 lính cứu hỏa được điều động tham gia ứng cứu. Nhiều thành phố ở Siberia và vùng ngoại Baikal ô nhiễm không khí ở mức cao, chính quyền phải trang bị khẩu trang, mặt nạ cho cư dân.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chỉ thị mở cuộc điều tra, làm rõ hành vi cố ý đốt rừng tại khu vực Siberia. Đồng thời, kiểm soát hàm lượng chất độc có trong không khí, theo dõi tình trạng sức khỏe của cư dân địa phương và có những phương án hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng từ cháy rừng một cách tốt nhất.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị quân đội tham gia chống cháy rừng tại Siberia và vùng Viễn Đông. Còn theo hãng tin Boomberg, Bộ Kinh tế Nga đang soạn thảo chính sách phát triển kinh tế phù hợp với những tác động từ môi trường, trong đó bao gồm cháy rừng.

Thảm họa quốc gia sau cháy rừng ở Gangwon, Hàn Quốc

Một phần hậu quả sau vụ cháy rừng ở tỉnh Gangwon, Hàn Quốc (Ảnh: Straitstimes)

Cháy rừng nghiêm trọng ở tỉnh Gangwon vào tối 4-4-2019 đã thiêu rụi khoảng 385 ha rừng, phá hủy 310 ngôi nhà, 1 người thiệt mạng, 11 người bị thương và hơn 4.000 người phải sơ tán sang các khu vực an toàn.

Để khắc phục hậu quả sau vụ cháy rừng này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập cuộc gọi khẩn cấp và yêu cầu các cơ quan chức năng sử dụng mọi nguồn lực để ứng phó với cháy rừng. Bên cạnh đó còn bao gồm việc đảm bảo cuộc sống cho người dân ở khu vực chịu thiệt hại. Hàn Quốc đã nhanh chóng khôi phục trạm thu phát sóng, đường dây viễn thông, hỗ trợ lương thực, đồ dùng thiết yếu cho người dân.

Như vậy có thể thấy, các quốc gia có diện tích rừng lớn đều tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Hậu quả của các vụ cháy rừng thường rất lớn, vì vậy đòi hỏi cơ quan chức năng phải có những giải pháp để khắc phục, đảm bảo cuộc sống của người dân và tránh những rủi ro từ biến đổi khí hậu.