Liên tiếp 8 trẻ nhỏ bị bỏng nước sôi phải nhập viện cấp cứu

ANTD.VN - Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận cấp cứu và hiện đang điều trị cho 8 trẻ nhỏ bị bỏng do nước sôi, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.

Cháu bé bị bỏng nặng 30% diện tích cơ thể do ngã vào chậu nước tắm còn nóng

Trường hợp nhập viện mới nhất là bé Chẩu Khải Ph. 3 tuổi (ở Lâm Bình, Tuyên Quang), vào viện ngày 25-3, được chẩn đoán bỏng độ II-III ở các vị trí: lưng, cẳng tay 2 bên, đùi 2 bên và 2 bên mông (diện tích bỏng khoảng 30% cơ thể).

Gia đình bệnh nhi cho biết, mấy hôm nay thời tiết chuyển lạnh nên khi lấy nước tắm cho bé, phụ huynh đã đổ nước sôi vào chậu nhưng chưa kịp hoà nước lạnh thì trẻ hiếu động đã ngã vào chậu nước.

Tính từ đầu năm đến nay, riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận 45 ca đến khám do bỏng, trong đó có 28 ca phải nằm điều trị nội trú. ThS.BS Quàng Văn Hải, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện cho biết, có nhiều tác nhân gây bỏng cho trẻ nhưng thường gặp nhất là bỏng do nước sôi.

Đáng chú ý, tổn thương bỏng ở trẻ em luôn rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của bé mà còn để lại những di chứng nặng nề. Đặc biệt, những trẻ bị bỏng các vị trí bỏng ở vùng mặt hoặc bộ phận sinh dục sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng sinh sản sau này.

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ nhỏ vốn hiếu động, do đó cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, cần để phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng,... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được. Không để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh. Không nên ăn thức ăn, uống nước nóng khi bế trẻ nhỏ…, tránh trường hợp trẻ nghịch bị đổ gây bỏng.

Cũng theo các bác sĩ, khi bị bỏng nước sôi, việc đầu tiên cần làm ngay là phải nhanh chóng bộc lộ vị trí bị bỏng, đưa vết bỏng vào dưới vòi nước sạch hoặc vào chậu nước mát và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.