Liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện: Không khó nhưng phải có… "trọng tài"

ANTD.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa giao Bộ Y tế thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm của các bệnh viện trực thuộc trước ngày 1-7-2017.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về chủ trương trên, đại diện một số bệnh viện Trung ương tại Hà Nội ủng hộ và cho rằng, việc thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm là cần thiết, tạo thuận lợi cho người bệnh và chống lạm dụng xét nghiệm. Tuy vậy, để các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau cũng còn rất nhiều vấn đề.

Liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện: Không khó nhưng phải có… "trọng tài" ảnh 1Muốn các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau phải sớm chuẩn hóa phòng xét nghiệm của các bệnh viện

Không xét nghiệm lại, sai ai chịu trách nhiệm?

Hiện nay, nhiều bệnh viện vẫn chưa công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, dẫn đến tình trạng bệnh nhân khi chuyển tuyến, hoặc đi khám lại ở viện khác phải làm lại các xét nghiệm. Thậm chí, có những bệnh nhân vừa hôm trước xét nghiệm ở bệnh viện tỉnh nhưng hôm sau chuyển lên bệnh viện Trung ương vẫn bị yêu cầu làm lại đúng xét nghiệm đó. Tại những bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ bệnh nhân phải làm lại các xét nghiệm mà trước đó họ đã làm ở cơ sở y tế khác khá cao khiến người bệnh bức xúc, gây lãng phí, tốn kém. 

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề này, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận, đúng là vẫn có một số trường hợp lạm dụng xét nghiệm. Tuy vậy, việc các bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác, đặc biệt với bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai, đa số là vì lý do khách quan. 

Bởi có rất nhiều loại xét nghiệm mà kết quả xét nghiệm có thể thay đổi theo từng giờ, từng ngày nên không thể vì bệnh nhân vừa mới xét nghiệm hôm qua mà nay không cần xét nghiệm lại. Mặt khác, các phòng xét nghiệm của các bệnh viện hiện đa số còn chưa đồng chuẩn, chất lượng xét nghiệm cũng có sự chênh lệch, trong khi muốn công nhận kết quả xét nghiệm của nhau thì phải có một chuẩn chung. 

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc liên thông và công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện để giảm bớt chi phí của người bệnh. Việc liên thông kết quả xét nghiệm không khó, hiện Bệnh viện Bạch Mai đã liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế từ đầu năm và tới đây sẽ liên thông nốt dữ liệu về xét nghiệm.

Tuy nhiên, việc công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai đạt chuẩn ISO 15189, nhưng bệnh viện có phòng xét nghiệm đạt chuẩn như vậy ở nước ta không nhiều. Chưa kể máy móc xét nghiệm, hóa chất xét nghiệm của các bệnh viện được đầu tư khác nhau, nhân lực làm xét nghiệm trình độ khác nhau nên kết quả có thể khác nhau. Nếu bác sĩ không chỉ định xét nghiệm lại mà căn cứ vào kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác để mổ luôn, chẳng may bệnh nhân có làm sao thì ai chịu trách nhiệm?…” - TS Dương Đức Hùng phân tích.

Cần có lộ trình 

Tương tự, theo PGS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện sẵn sàng công nhận kết quả xét nghiệm của các đơn vị khác nhưng với điều kiện phải đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức mới chỉ chấp nhận một số kết quả xét nghiệm của một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Nhi Trung ương... 

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, hiện nay, bệnh viện đã công nhận rất nhiều kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của các bệnh viện khác. Tuy nhiên, có những xét nghiệm có thể dùng ngay nhưng cũng có nhiều xét nghiệm bắt buộc phải làm lại. “Chẳng hạn trước khi truyền máu, xét nghiệm công thức máu không cần phải làm lại nhưng xét nghiệm nhóm máu thì bắt buộc phải làm lại cho dù bệnh nhân đã làm nhóm máu ở bệnh viện khác. Bởi nếu không chắc chắn nhóm máu chính xác, truyền máu vào sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân” - Giám đốc Bệnh viện E dẫn chứng.

Với những lý do đó, đại diện Bệnh viện E, Bạch Mai… đều cho rằng, muốn các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau cần phải có lộ trình để các bệnh viện chuẩn hóa phòng xét nghiệm.

Cũng vì thế, trong văn bản chỉ đạo về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025; lộ trình đến ngày 1-1-2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương của Bộ Y tế. 

Công văn cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện trực thuộc bộ trước ngày 1-7-2017. Bên cạnh đó, Tổng hội Y học Việt Nam được giao tổ chức đánh giá và công bố chất lượng bệnh viện (trong đó có chất lượng xét nghiệm) theo tiêu chí do Bộ Y tế ban hành.

PGS.TS Lê Ngọc Thành cho rằng, trước mắt, khi phòng xét nghiệm của nhiều bệnh viện còn chưa đạt chuẩn thì Bộ Y tế phải đứng ra làm “trọng tài”, chỉ định các bệnh viện nào thì công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, loại bệnh lý nào khi chuyển tuyến không phải làm lại xét nghiệm.