“Liên quân 141” - CATP Hà Nội: Luôn đối mặt với hiểm nguy

ANTĐ - “Trong các loại tội phạm, nguy hiểm và ranh ma nhất có thể kể tới những đối tượng buôn bán ma túy. Nhiều trong số đó còn là con nghiện. Khi bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ, chúng tìm đủ mọi chiêu trò giấu hàng, chống trả” - Trung tá Trần Anh Sơn, cán bộ Phòng CSHS bắt đầu câu chuyện. 

Nhiều vụ vận chuyển, mua bán... ma túy lớn đã bị lực lượng 141 kiểm tra, phát hiện

Những đêm “cất lưới”

19h, nhiệt độ ngoài trời vẫn ở mức trên 35 độ C. Những chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng bấm còi inh ỏi, phóng ầm ầm qua ngã tư Hồ Tùng Mậu-Lê Đức Thọ khiến bụi tung mù mịt càng làm cho không khí thêm ngột ngạt. Cũng tại đây, hơn chục CBCS mặc thường phục của tổ công tác Y1/141 do Trung tá Thiều Mạnh Ngọc chỉ huy, lặng lẽ “bám” ở 4 góc ngã tư. Thoạt nhìn, người đi đường đều lầm tưởng họ là những người lao động thời vụ ở các vùng quê đang đứng chờ việc. Thế trận bao vây liên hoàn trên được gia cố vững chắc thêm 3 CSCĐ, CSGT ở cách đó vài trăm mét. 

“Mở hàng” sau nửa giờ tổ công tác mật phục là 2 thanh niên đầu trọc lốc, trên cánh tay xăm trổ hai con rắn hổ mang đang ngóc đầu. “Cháu không có tóc nên đội mũ bảo hiểm vào sẽ…ngứa, khó chịu” - Nguyễn Văn Quyền (SN 1986), quê ở Hải Phòng lý giải về hành vi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy. Còn Trần Thanh Quang nhanh tay vứt bao thuốc lá bên trong có chứa gói ma túy đá xuống miệng cống thoát nước để phi tang. Tuy nhiên, vừa thấy Thiếu úy Nguyễn Thanh Sơn nhặt bao thuốc lá lên kiểm tra, Quyền và Quang xô đổ xe máy làm vật cản đường rồi co giò bỏ chạy. Cả 2 lăm lăm dao nhọn trên tay sẵn sàng đâm chém bất cứ ai có ý định cản đường. Sau khoảng 500 mét, nhìn lại phía sau không thấy CSGT đuổi theo, những tưởng đã thoát nhưng bất ngờ, con dao của 2 thanh niên đã bị Trung tá CSHS Trần Anh Sơn lúc này đang đứng ở trên vỉa hè đá văng ra ngoài. Cả hai nhanh chóng thúc thủ khi bị cánh tay cứng như thép nguội của Trung tá Sơn bẻ quặt ra sau.

Cũng chỉ 1h sau khi Quyền và Quang được đưa về Phòng CSHS, tổ “quay đầu” gồm 3 CSHS hóa trang phát hiện chiếc xe Hyundai Getz đang đi bỗng đột ngột táp vào lề đường, phanh gấp trước cửa hàng bán hoa quả. “Bán cho cháu mấy cân cam”, vừa nói ánh mắt của người phụ nữ vừa liếc trộm CSGT. Còn thanh niên đi cùng tay luồn qua áo vào mạng sườn chỉ chực chờ cơ hội vứt đi một vật gì đó. Khi người phụ nữ vừa cầm túi hoa quả, tay phải nam thanh niên móc ví trả tiền thì Trung tá Thiều Mạnh Ngọc và 1 CSHS hóa trang nhanh như cắt áp sát. Cổ tay Đỗ Thái Huỳnh (trú tại 137 Xuân Thủy, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) luồn vào trong vạt áo bị tê cứng bởi gọng kìm của CSHS. Khẩu súng K59 đã lên đạn cùng 10 viên đạn dự phòng nằm trong người thanh niên đã bị thu giữ. Người phụ nữ là Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1988, xã Phương Lĩnh, huyện Thanh Ba, Phú Thọ) bỏ chạy được khoảng 50 mét cũng bị CSHS giữ lại, kiểm tra trong túi xách là những gói ma túy dạng đá, hồng phiến. 

Hết tội phạm mới ngừng hoạt động

Nổ súng quật ngã, khống chế đối tượng vi phạm

Đi cùng với lợi nhuận kếch xù là mức án rất cao dành cho các đối tượng tội phạm ma túy. Chính vì vậy nên chúng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để cất giấu, vận chuyển hàng. Khi bị phát hiện thì tìm mọi cách để phi tang, chống trả quyết liệt lực lượng vây bắt để trốn thoát. Nào là giấu ma túy trong vỏ bao thuốc lá, ngụy trang trong mũ, vạt áo và thậm chí, nhiều đối tượng còn giấu cả ma túy ở những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. 

Thiếu tá Trần Quang Vinh, Đội phó Đội CSGT số 1, phụ trách tổ Y1/141 bổ sung: “Cứ 10 vụ bắt giữ đối tượng buôn bán ma túy thì có tới 9 vụ chúng sử dụng vũ khí nóng để “phòng thân”. Nhẹ thì dao kiếm còn “máu mặt” hơn là súng tự chế, vũ khí quân dụng. Chưa kể có những tên còn giả mạo các mối quan hệ quen biết người này người nọ để dọa dẫm hoặc mong 141 bỏ qua. Càng vận chuyển nhiều ma túy, độ liều lĩnh ranh ma của chúng càng lớn. Chỉ cần một chút sơ hở hoặc mất cảnh giác, hậu quả để lại sẽ thật khó lường. Nguy hiểm là vậy nên mỗi khi 141 xuất quân, phương án bố trí lực lượng ra sao, chọn thời gian nào đều được chỉ huy các đơn vị tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo bí mật. Tất cả đều nhằm phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thương tích cho CBCS và thực hiện hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, sự manh động của các đối tượng đã khiến nhiều trường hợp CBCS bị thương tích nặng. 

Nhớ lại thời điểm 1 năm về trước khi 141 mới đi vào hoạt động, hầu như đêm nào mỗi tổ “Y” đều phát hiện, bắt giữ được ít nhất 4 vụ án hình sự. Đến nay, số lượng này đã giảm. Điều này được CATP Hà Nội đánh giá trên 2 khía cạnh. Thứ nhất, các loại tội phạm xuất phát từ đường phố đã giảm hẳn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là đã hết tội phạm, bởi nói như Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc CATP Hà Nội, tội phạm đang lui vào bóng tối, hoạt động ngày càng tinh vi, khó lường hơn. Chính vì lẽ đó “141 hoạt động đến khi nào hết tội phạm mới thôi”. Đó không chỉ là mệnh lệnh của đồng chí Giám đốc đối với lực lượng 141 trong đợt cao điểm thứ 2 tấn công trấn áp tội phạm, mà còn là yêu cầu của tất cả người dân Thủ đô.