Liên minh quốc tế chống "khủng bố kiểu mới"

ANTĐ - Năm 2003, Mỹ và đồng minh đem quân sang Iraq với cái lý lẽ là chính quyền Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt và có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda nên cần phải lật đổ một chính quyền độc tài, thiết lập một chế độ dân chủ. Thế nhưng sau những cuộc chiến đẫm máu, dù đã bới tung cả đất nước này cũng chẳng tìm thấy cái gì liên quan đến thứ gọi là vũ khí hủy diệt, cũng như bất kỳ manh mối liên hệ nào giữa chế độ Saddam Hussein và al-Qaeda hay cuộc khủng bố 11-9-2001. 

Kết cục hòa bình, dân chủ chẳng thấy, chỉ thấy từ ngày chính quyền Hussein bị lật đổ thì Iraq trở nên mất ổn định, xung đột giáo phái liên miên. Khi đó trong khi giúp Iraq thành lập Chính phủ mới, Mỹ luôn hỗ trợ Thủ tướng Maliki thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động dân sự. Thực tế lại bị người Hồi giáo dòng Sunni căm ghét vì chính sách đàn áp các đối thủ, phân biệt đối xử trong Chính phủ cũng như trong lực lượng vũ trang. Các nhóm phiến quân được thành lập với sự khuyến khích của Mỹ để cố gắng lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng Washington đã không cung cấp cho họ các loại vũ khí mà họ cần và khiến nhóm này bị áp đảo bởi phong trào Hồi giáo và các nhóm liên kết với al-Qaeda.

Và Iraq trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các chi nhánh của al-Qaeda. Chi nhánh al-Qaeda tại Iraq (AQI) - chính là tiền thân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện nay, được thành lập vào tháng 4-2004. AQI đã tuyển dụng lực lượng và tiến hành các cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào thường dân và nhà thờ Hồi giáo dòng Shia khơi lên một cuộc xung đột giáo phái rộng lớn hơn ở quy mô toàn khu vực.

Còn ở Syria từ một phong trào phản đối dân sự bình thường ở Syria năm 2011 đã nhanh chóng biến thành một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad kéo dài 3 năm nay. Trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến Syria, Arabia  Saudi , Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập với nhìn nhận để gây bất ổn cho Chính phủ Syria - một đồng minh chủ chốt của Iran và Hezbollah - kẻ thù địa chính trị của họ. Ba nước này đã tài trợ cho nhóm cực đoan Jabhat al-Nusra - được coi như một chi nhánh chính thức của al-Qaeda ở Syria- trở thành một trong những nhóm phiến quân chiến đấu có hiệu quả nhất chống lại Chính phủ Syria. Khi cuộc nội chiến trở nên sâu rộng, các nhóm cực đoan gia nhập cuộc chiến trở thành đối tượng thụ hưởng một lượng lớn vũ khí và tài trợ từ các đồng minh khu vực của Mỹ. Đến khi tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria” (ISIS) đánh nhau với Jabhat al-Nusra vì những vấn đề giáo lý, nhiều thành viên Jabhat al-Nusra cũng chạy sang hàng ngũ của ISIS. Vô hình trung nguồn tài trợ và vũ khí của Arabia Saudi , Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ cho các nhóm nổi dậy ở Syria dồn cho ISIS nhiều nhất.

Còn Mỹ ngay từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu, chính quyền Tổng thống Obama đã nói thẳng ra rằng cần phải xóa sổ chế độ Bashar al-Assad - đồng minh của Iran. 

Vậy là, chính “các cuộc can thiệp tai hại” của Mỹ, phương Tây và các đồng minh ở khu vực như Arab Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các nhóm cực đoan như ISIS và Jabhat al-Nusra có cơ trỗi dậy, châm ngòi tình trạng bất ổn ở Iraq và Syria, tạo thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ cực đoan. Các hỗ trợ vật chất từ đồng minh của Mỹ đã cho phép ISIS (sau này đổi tên thành tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và các nhóm cực đoan khác trở thành mối đe dọa với toàn bộ khu vực khi ISIS giết người tàn bạo và tìm cách nô dịch người Shia thiểu số và tôn giáo khác.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã trở thành một mối đe dọa chưa từng có đối với không chỉ các nước trong khu vực mà còn với toàn thế giới. Các phần tử khủng bố của IS được huấn luyện kỹ càng hơn và chúng sẽ tiếp tục gây ra những mối đe dọa nguy hiểm hơn cho toàn cầu. Theo đánh giá của ông Matthew G. Olsen, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ, IS không phải là "không thể đánh bại", nhưng với hơn 10.000 tay súng của IS, Mỹ phải tìm ra cách đối phó với một kiểu khủng bố mới: quyết tâm sử dụng các thủ thuật tàn bạo để chiếm lãnh thổ. Nếu không, IS sẽ tiếp tục làm bất ổn tình hình khu vực bằng việc chiếm thêm các vùng đất mới và tiếp tục các hành động sát hại tàn khốc của mình. 

Tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở xứ Wales, Vương quốc Anh, Mỹ và các đồng minh và đối tác của NATO đã thành lập một "liên minh nòng cốt" quy tụ 10 quốc gia (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỹ, Italia, Ba Lan và Đan Mạch) sẵn sàng cho các chiến dịch quân sự nhằm đẩy lùi lực lượng khủng bố IS tại Iraq và Syria.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ về một liên minh quốc tế chống IS, Chủ tịch các nước thuộc Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi  tuyên bố sẵn sàng hợp tác với tất cả các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm chống lại IS - lực lượng được xác định là "thách thức chưa từng có" đối với sự tồn vong của các quốc gia thành viên. AL đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Chính phủ mới của Iraq trong cuộc chiến chống lại lực lượng phiến quân hồi giáo này. Đặc biệt, AL nhất trí ngăn chặn các nguồn cung cấp vũ khí và tài chính cho IS, qua đó buộc một số quốc gia thành viên như Saudi Arabia và Qatar đoạn tuyệt các hợp đồng "đi đêm" vốn góp phần vào sự bành trướng không ngừng của nhóm phiến quân này chỉ trong vòng một năm qua.