- Cách phòng, chống tội phạm tại nơi đông người và không gian mạng
- Nhận diện thủ đoạn giả danh ‘Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao’ để lừa đảo
Dự thảo Công ước đặt ra khuôn khổ pháp lý toàn diện cho các nước thành viên tiến hành hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội trên không gian mạng, bao gồm nhiều loại tội phạm hiện gây nhức nhối như tấn công hệ thống máy tính, lừa đảo trực tuyến, phát tán trái phép hình ảnh nhạy cảm, xâm hại trẻ em, rửa tiền… Cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia có thể thực hiện các hoạt động hợp tác thông qua kênh 24/7, bảo đảm phản ứng nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu phòng chống hiệu quả tội phạm mạng.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam (giữa), phát biểu tại phiên họp thông qua dự thảo Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm mạng |
Một trong các nội dung đáng chú ý của dự thảo Công ước là cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ hướng tới nhu cầu của các nước đang phát triển. Do tính chất không biên giới của tội phạm mạng, quy định nói trên được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực khoa học công nghệ của các nước đang phát triển để ứng phó hiệu quả hơn với sự đe dọa từ tội phạm mạng, qua đó góp phần tạo ra môi trường mạng toàn cầu lành mạnh, an toàn hơn. Bên cạnh đó, dự thảo Công ước cũng đặt ra cơ sở cho sự phối hợp giữa các chính phủ và khu vực tư nhân trong phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng, trong đó chính phủ đóng vai trò chủ đạo, trung tâm.
Phát biểu tại phiên họp thông qua dự thảo Công ước, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam hoan nghênh việc Ủy ban chuyên trách thông qua dự thảo Công ước. Sự kiện này là bước đi quan trọng đầu tiên để Đại hội đồng xem xét, thông qua Công ước. Khi bắt đầu có hiệu lực, Công ước sẽ đặt ra khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên giúp các nước hợp tác ứng phó đe dọa từ tội phạm mạng”, ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh. Việt Nam là một trong các nước sớm ủng hộ việc thành lập Ủy ban chuyên trách cũng như tham gia tích cực vào tiến trình xây dựng Công ước từ phiên họp đầu tiên. Xuyên suốt 8 phiên họp của Ủy ban chuyên trách, đoàn đàm phán liên ngành Việt Nam do Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, làm trưởng đoàn đã có những đóng góp thực chất, tích cực, được đoàn Chủ tịch, các bạn bè và đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Theo kế hoạch ban đầu, tiến trình xây dựng Công ước dự kiến kết thúc trong tháng 2-2024 sau 7 phiên họp của Ủy ban chuyên trách. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã kéo dài tới tháng 8-2024 để các quốc gia có thêm thời gian trao đổi, thỏa thuận về các nội dung chủ chốt như phạm vi áp dụng của Công ước, bảo vệ quyền con người, cơ chế xây dựng Nghị định thư bổ sung. Dự kiến, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ xem xét và thông qua dự thảo Công ước trong thời gian tới. Nếu được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm mạng sẽ trở thành văn kiện pháp lý mang tính toàn cầu đầu tiên hướng tới trấn áp hành vi phạm tội trên không gian mạng.