Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất: Nơi hò hẹn của những người yêu Hà Nội

ANTĐ - Tập trung phản ánh về Hà Nội ở nhiều góc nhìn như: nhân cách của người Hà Nội, tình yêu của người Việt Nam hướng về Hà Nội, số phận của những con người trên đất Hà Nội, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất là cuộc hội ngộ những sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sỹ, họ đã làm nên những vở diễn đậm đà bản sắc Hà Nội hào hoa và thanh lịch. Liên hoan vừa khép lại bằng Lễ bế mạc diễn ra sáng qua (5-10) tại rạp Đại Nam.
Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất: Nơi hò hẹn của những người yêu Hà Nội ảnh 1
Gánh hàng hoa được đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai sử dụng để “chạy cảnh”

Dũng cảm thử nghiệm

NSND Doãn Hoàng Giang từng chia sẻ “Hà Nội không chỉ ôm trong lòng những người con Hà Nội mà còn đó những con người từ các mảnh đất khác đến đây sinh sống nhưng đã bị mảnh đất này cảm hóa và trở nên yêu Thủ đô biết nhường nào. Họ đang lao động và cống hiến để Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn”. Quả thật, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất là nơi hò hẹn của những người yêu Hà Nội, sáng tạo vì Hà Nội và chấp nhận cả sự liều lĩnh với những thử nghiệm mới để làm nên những vở diễn hấp dẫn khán giả. Đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai đã không chọn cách dàn dựng thay phông đổi cảnh thông thường mà chị đã chọn “chạy cảnh” để vở cải lương “Hà Nội gió mùa” do nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái chấp bút có sự sinh động và tiết tấu liên tục, dồn dập. Trong đó, chị đã chọn các cô gái mặc áo dài trắng như linh hồn của Hà Nội để thay cảnh khiến cho khán giả cảm nhận sự mới mẻ trong cách dàn dựng và thể hiện ở một vở diễn về Hà Nội. Mặc dù còn nhiều rối rắm trong phông cảnh và mang nhiều nét của kịch nói vào cải lương, nhưng “Hà Nội gió mùa” xứng đáng nhận được danh hiệu cao nhất của liên hoan.

9 vở diễn có vở được dàn dựng mới, có vở được dàn dựng lại nhưng tất cả đều chứa đựng những yếu tố “tự đổi mới” rất rõ rệt. Đó là có vở hướng vào đề tài mới, nội dung mới và có vở lại muốn phá bỏ rào cản của thời gian, không gian cho hành động, muốn đi tìm một lối sáng tác mới hoặc hướng theo hình thức hoành tráng, lộng lẫy, bắt mắt khán giả… Sự đổi mới ấy của các nghệ sỹ có khi rất thuận buồm xuôi gió, thành công hoặc thất bại thì dẫu sao cũng là những bài học quý giá cho đồng nghiệp, cho sân khấu cả nước hòa theo. Như chỉ riêng nghệ thuật chèo, tại Liên hoan sân khấu lần này, khán giả đã được thưởng thức các thử nghiệm như kịch chèo, giao hưởng chèo và kịch hát dân ca chèo. 9 đêm diễn vừa qua, khán giả đã đến chật kín rạp, say mê, hào hứng đến với sân khấu Thủ đô và cổ vũ nồng nhiệt bằng những tràng vỗ tay rất dài cho những sáng tạo của các nghệ sỹ. Đó là nguồn cổ vũ lớn lao đối với người nghệ sỹ, giúp họ vững tâm và được tiếp thêm sức mạnh cho những sáng tạo tiếp theo.

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất: Nơi hò hẹn của những người yêu Hà Nội ảnh 2

Không khí Hà Nội những ngày toàn quốc kháng chiến được tái hiện trong vở kịch nói “Những người con Hà Nội) - Nhà hát Kịch Hà Nội.

Vẫn còn nhiều “hạt sạn”

Do có đến quá nửa các vở diễn tham gia được dàn dựng lại từ những vở cũ nên Liên hoan lần này trống vắng cái đẹp của hiện thực mới, của thời cơ chế thị trường. Và nhiều “hạt sạn” đã được nhặt ra như nhân vật chính diện mờ nhạt hơn nhân vật phản diện, nhân vật tiêu cực gây được dấu ấn trong lòng khán giả nhiều hơn nhân vật tích cực. Không ít vở, nghệ sỹ thì quá nhiều, nhân vật lại quá ít, hoặc nhân vật thì đông mà hình tượng lại sơ sài. Có vở thắt nút đã đơn giản nhưng đến khi cởi nút còn dễ dàng hơn… Tất cả những hạn chế đó, cho thấy sân khấu chưa đổi mới. Những vở diễn có khuôn mẫu giống nhau không phải là có câu chuyện giống nhau mà là do tư duy kết cấu giống nhau như ở hiền gặp lành, ta thắng địch thua, nhân nào quả ấy… làm cho kỳ hội diễn này thiếu vắng các nhân vật đại diện cho cái đẹp của cuộc sống đương đại, thiếu những hình tượng phong phú, đa dạng, hấp dẫn.

Ở lần đầu tiên tổ chức, Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2014 không thể tránh khỏi lúng túng, hạn chế. Nhất là chưa đầu tư thích đáng về mặt thời gian và sáng tạo của một số đơn vị nghệ thuật đã làm cho hình tượng nghệ thuật chưa đạt đến độ chín. NSND Lan Hương, thành viên Ban giám khảo cho biết “Trong cả kỳ hội diễn, tôi chưa thấy được diễn viên nào nổi bật như một hiện tượng. Có lẽ, chỉ chờ đến khi nào các đạo diễn thay đổi cách dàn dựng, các nhà biên kịch thay đổi cách khai thác thì khi ấy, sân khấu mới có được những diễn viên thật sự nổi bật. Tôi cho rằng, ở một đề tài bó hẹp về Hà Nội, ở lần tổ chức thứ hai, Ban tổ chức nên mở rộng cho các đoàn nghệ thuật tỉnh được dàn dựng vở về Hà Nội để hội diễn phong phú đề tài hơn”. Ở một đề tài quen thuộc như Hà Nội, các nghệ sỹ và êkíp sáng tạo đã tạo nên các vở diễn làm sống lại không khí Thủ đô một thời và hơi thở cuộc sống ngày nay dù còn ít ỏi nhưng cũng đủ để người xem hy vọng vào sự khởi sắc của sân khấu Thủ đô nói riêng và sân khấu Việt nói chung.  

Khán giả gặp lại hình ảnh người Hà Nội can trường, quả cảm và hào hào trong “Những người con Hà Nội”.