Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm: Hy vọng sự phục hưng của sân khấu Việt

ANTD.VN - Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm 2019 đã khép lại sau 10 ngày tranh tài sôi nổi. Ở đó, nhiều phép thử đã được áp dụng với những thành công và có cả thất bại. Dẫu sao, những phép thử đó cũng rất đáng trân trọng bởi các đạo diễn Việt Nam và quốc tế đã dám dấn thân và khai phá những cách làm mới, mang lại hiệu ứng nghệ thuật mới mẻ cho khán giả... 

Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm: Hy vọng sự phục hưng của sân khấu Việt ảnh 1Vở “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam

Sự sáng tạo của đạo diễn và tác giả kịch bản

Nói đến thử nghiệm sân khấu là nói đến công việc sáng tạo của tác giả kịch bản và đạo diễn. Tác giả cung cấp chất liệu cho thử nghiệm bằng các yếu tố mới lạ của câu chuyện, còn đạo diễn là người đưa nó lên sàn diễn, vật chất hóa các ý tưởng trừu tượng thông qua tài năng biểu diễn của diễn viên. Ở liên hoan lần này, sự thử nghiệm các ý tưởng mới ấy đã được thể hiện qua diễn xuất của “Cậu Vanya” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Sự sống” (Nhà hát Kịch Việt Nam) do đạo diễn người Nhật dàn dựng. 

Nếu “Cậu Vanya” là một thử nghiệm thành công về sân khấu thể nghiệm Tchekhop khi đạo điễn đã giữ nguyên kịch bản nhưng không còn là chuyện của trí thức Nga thời của tác giả Trekhov, mà đã mang hơi thở của cuộc sống hiện đại ngày nay. Thì với sự “Sự sống” lại là một thành công về một “không gian rỗng” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Hay ở loại hình xiếc và múa rối dường như rất khó để đưa cái mới vào thì Nhà hát Múa rối Việt Nam vẫn kịp đưa ra những thử nghiệm với “Thân phận nàng Kiều” có tạo hình con rối lạ mắt. Đặc biệt, với các diễn viên xiếc cả đời có khi chỉ diễn một vai cũng đã cho ra mắt vở “Hà Nội của những giấc mơ” trong sự biến đổi linh hoạt của các nghệ sĩ ở nhiều vai diễn khác nhau. 

Đạo diễn Stanu Das (Ấn Độ) ấn tượng với vở diễn này của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tới mức, ông khẳng định sẽ sớm tìm hướng hợp tác với đơn vị để dựng một vở tương tự. Bởi đạo diễn cho biết, ông chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ làm mới nghệ thuật xiếc, bộ môn vốn chỉ sử dụng các kỹ thuật biểu diễn đơn lẻ lại trở thành một vở diễn hoàn chỉnh, có chủ đề và bản sắc văn hóa rất riêng. Tuy nhiên, với phép thử ấy lại tạo ra những tranh luận trong giới làm nghề Việt Nam khi cho rằng, các vai diễn của “Hà Nội của những giấc mơ” nhạt nhòa và rời rạc. 

Bên cạnh những vở diễn tốt, có chất lượng, Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm tiếp tục xuất hiện các vở diễn có sự kết hợp của  nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: cải lương, tuồng, chèo, kịch dân ca. Thực ra, đó là những cách làm đã cũ, được các đạo diễn sử dụng trong vài năm trở lại đây. Vì thế, hiệu ứng mang lại cho khán giả là không bất ngờ và không hấp dẫn. 

Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm: Hy vọng sự phục hưng của sân khấu Việt ảnh 2Ban tổ chức trao HCV vở diễn cho đại diện các đơn vị

Tất cả phép thử dù thành công hay thất bại đều rất đáng trân trọng

Theo nhà biên kịch Lê Quý Hiền, thử nghiệm trong sân khấu hay thử nghiệm trong bất cứ lĩnh vực nào cũng là để cho cái hiện có tốt hơn như thử nghiệm tên lửa cho bay xa hơn, trúng đích hơn, hiệu quả hơn chứ không phải làm khác đi cho tên lửa thành pháo thăng thiên. Vì thế, tất cả những phép thử dù thành công hay thất bại đều rất đáng trân trọng. 

NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan nhận xét, từ góc nhìn thử nghiệm, sân khấu Việt Nam có một đội ngũ diễn viên có tài, có kỹ năng và khát vọng diễn, đủ sức thực hiện mọi yêu cầu của đạo diễn. Có thể thấy điều này qua các diễn viên trẻ được đào tạo chính quy của Nhà hát Kịch Việt Nam, của Trường Sân khấu Điện ảnh mà nhóm Lực Team trong “Nữ ca sĩ hói đầu”. Họ có thể là nguồn lực thực hiện các thử nghiệm. Về đạo diễn, sân khấu Việt Nam còn thiếu và yếu. Một số vở Việt Nam chưa có được những tìm tòi mới, chúng ta chỉ quen cách kể một nội dung, một sự kiện trong khi chúng ta rất cần có nhiều cách kể một nội dung. 

Câu hỏi đặt ra từ liên hoan lần này là sân khấu Việt liệu có thể bứt phá với những phép thử đã đưa vào sàn diễn? Nhiều nhà phê bình sân khấu đã không ngần ngại cho biết, khán giả hoàn toàn có quyền tin tưởng vào sự thức dậy của sân khấu Việt trước những sáng tạo mới của các đạo diễn. Bằng chứng là chúng ta đã có những tiếp cận với sân khấu thế giới qua dòng kịch hiện đại, tác phẩm hiện đại, qua đó học hỏi nhiều điều về biên kịch, đạo diễn và biểu diễn. 

Chả thế, trong 2 chiếc Huy chương Vàng Việt Nam giành được ở Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm 2019 đều là những vở diễn có sự hợp tác và trao đổi với quốc tế và có sự chuẩn bị, đầu tư khá công phu của người làm nghề. Cụ thể, trước khi dàn dựng, các diễn viên của “Cậu Vanya” (Nhà hát Tuổi trẻ) và “Sự sống” (Nhà hát kịch Việt Nam) đều đã tham gia những chương trình workshop để trao đổi kinh nghiệm với đối tác Nhật Bản. Tiếp đó, 2 vở diễn này cũng ra mắt khán giả từ rất sớm (đầu 2019) và có một thời gian dài để tiếp tục hoàn thiện trước khi dự liên hoan.

Và cũng ở 2 vở diễn này, các diễn viên đã nhận được nhiều giải thưởng cá nhân xuất sắc nhờ kỹ thuật diễn xuất điệu nghệ. Điều đó nói lên rằng, thử nghiệm sân khấu không chỉ chờ đến liên hoan, hội diễn mới áp dụng mà cần được làm thường xuyên và liên tục, coi đó là nhu cầu bức thiết để đưa tác phẩm tiếp cận tới người xem. Thử nghiệm đồng thời cũng là yêu cầu đặt ra đối với đạo diễn. Người nhạc trưởng ấy luôn hướng về phía trước bằng những tìm tòi mang cái mới, cái hấp dẫn cho khán giả.

Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm 2019 diễn ra từ ngày 4 đến 13-10 tại Hà Nội, với sự tham gia của 7 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Hungary, Israel, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Hy Lạp và nước chủ nhà Việt Nam. Ban tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho 4 vở diễn xuất sắc gồm: “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát múa rối Việt Nam; “Sự sống” của Nhà hát kịch Việt Nam; “Cậu Vanya” của Nhà hát Tuổi trẻ và vở “Bpolar” của Đoàn nghệ thuật Ayit (Isarel). Ban tổ chức còn trao 5 HCB cho vở diễn, 20 HCV và 35 HCB cho các diễn viên. Ngoài ra, liên hoan còn trao một số giải cá nhân, trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc cho NSND Tiến Dũng (vở rối “Thân phận nàng Kiều”)