Lịch sử Hà Nội soi chiếu dưới những vòm cầu đá

ANTD.VN - Cầu dẫn bằng đá bắt đầu từ ngã tư phố Phùng Hưng - Trần Phú lên đến ga Long Biên, dài 1,2km, có độ + 0m dốc dần lên điểm cao nhất cao + 6m, xây bằng đá xanh Thanh Hóa, chạy qua phố Phùng Hưng và Gầm Cầu nối lên cầu Long Biên. 

Bức tường đá có 131 vòm cuốn, đỉnh vòm cao từ 3,5m đến 4,5m, xây dựng trong 2 năm (1900-1902). Hơn 100 năm qua, những vòm cầu đá là tấm gương soi chiếu vào đó câu chuyện lịch sử Hà Nội trải qua những giai đoạn khó khăn và chiến tranh ác liệt.

>>Tận dụng không gian vòm cầu đường sắt phố Phùng Hưng là ý tưởng khả thi

Phần trên các vòm cầu vững chắc là hệ lan can sắt rèn thủ công tinh tế cũng là minh chứng tài năng của thế hệ những người  thợ Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với công nghệ xây dựng hiện đại. Ban đầu, tường đá dẫn lên cầu mang những con tầu nhỏ có tải trọng nhẹ với những toa tầu ngắn, các toa chở hàng cũng có tải trọng hạn chế, do vậy đường sắt và cầu Long Biên đáp ứng tốt các nhu cầu vận chuyển người và hàng hóa trong suốt 3 thập kỷ đầu của thế kỷ XX (1902-1930). 

Cùng với tiến bộ của kỹ thuật cơ khí và nhu cầu vận chuyển gia tăng: các đầu tầu hơi nước có công suất cao hơn, đoàn tàu dài hơn, đặc biệt sau chiến tranh thế giới II và giai đoạn tạm chiếm 1946-1954, toàn bộ hàng hóa duy trì nền kinh tế Bắc kỳ thông qua cảng Hải Phòng để nối với ga Hà Nội, nhu cầu vận chuyển người và hàng hóa tăng vọt.

Hòa Bình lập lại, hầu hết các tuyến đường sắt Hà Nội đi lên các tỉnh phía Bắc và Hải Phòng bị tê liệt trong chiến tranh 1946-1954 đã được khôi phục và khai thác mạnh mẽ, tuyến đường mới mở Hà Nội - Thái Nguyên (154km) đã làm công suất vận chuyển trên cầu dẫn đá tăng mạnh .

Trong chiến tranh, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hành khách và tiếp nhận hàng hóa viện trợ quân sự/dân sự, các tuyến đường lắp thêm đường ra thứ 3 để mở rộng đường tầu 1,0m lên 1,45m. Các vòm rỗng được sửa chữa, gia cố bằng cách xây tường đặc đỡ dưới vòm.

Năm 1971, sông Hồng lũ lớn, nước ngập trắng bãi Phúc Xá, Phúc Tân, An Dương, Chương Dương… toàn bộ người dân chạy lụt vào nội thành, tá túc trong các vòm cầu từ phố Gầm Cầu đến phố Phùng Hưng, nhiều gia đình sau đó vẫn tiếp tục ở lại trong các vòm cầu, không trở lại bãi sông nữa.  

Năm 1973, sau Hiệp định Paris lập lại hòa bình tại Việt Nam, người dân sơ tán từ các vùng nông thôn trở về Hà Nội. Nhiều người dân đi xây dựng kinh tế miền núi từ 1964-1965 cũng quay trở về Hà Nội sinh sống, không có nhà cửa, họ lấy mái vòm gầm cầu làm nơi trú ngụ. Giai đoạn 1975-1978 đất nước thống nhất nhưng còn muôn vàn khó khăn, hàng triệu quân nhân giải ngũ, trong đó có nhiều hoàn cảnh ly tán, éo le.

Việc di cư từ các thành phố tới các thành phố, từ các tỉnh lân cận vào các thành phố trở nên phức tạp… khu vực các mái vòm gầm cầu trở thành địa điểm phức tạp. Cùng thời gian này, ngành đường sắt chuyển đổi dần các đầu máy chạy hơi nước cũ kỹ sang đầu máy diesel hiện đại công suất cao: đoàn tầu đã dài hơn, tải trọng lớn gấp hàng chục lần so với đầu thế kỷ XX, dẫn đến việc bịt lại vòm cầu là việc làm cần thiết để khắc phục các tồn tại về xã hội cũng như kết cấu, kỹ thuật. Giai đoạn 1978-1983 toàn bộ 131 vòm cầu đã bịt kín, chỉ để lại 4 vòm cầu làm đường đi xuyên qua.