Lịch sử của thành phố Đà Nẵng từ triều Nguyễn đến ngày nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Từ cửa Hàn hướng đến thành phố đáng sống” là cuộc triển lãm tài liệu lưu trữ được phối hợp tổ chức bởi Trung tâm Lưu trữ lịch sử thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, nhằm giới thiệu tới người xem lịch sử phát triển của thành phố bên sông Hàn.

Triển lãm diễn ra từ ngày 29/8 đến hết ngày 6/9 tại tòa nhà trung tâm hành chính thành phố, số 24, đường Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Ban Tổ chức đã lựa chọn gần 200 tài liệu lưu trữ và hình ảnh minh hoạ, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố rộng rãi để giới thiệu trong triển lãm “Từ cửa Hàn hướng đến thành phố đáng sống”. Tài liệu được sưu tầm từ các Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II, III và IV, Trung tâm Lưu trữ Lịch sử Đà Nẵng và các thư viện, bảo tàng trong và ngoài nước.

Triển lãm được bố cục thành 2 phần. Phần 1: "Đà Nẵng xưa" giới thiệu tài liệu và hình ảnh giai đoạn từ triều Nguyễn đến năm 1975, gồm các nội dung chính như: Đài Điện Hải, cảng Đà Nẵng, Đà Nẵng chống quân xâm lược phương Tây, Nhượng địa Pháp; Đà Nẵng dưới sự quản lý của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hoà, Chính quyền Quốc gia Việt Nam và chính quyền Việt Nam Cộng hoà.

Các tư liệu được trưng bày tại triển lãm

Các tư liệu được trưng bày tại triển lãm

Trong đó, Đà Nẵng dưới triều Nguyễn được đánh giá là “hải cương trọng địa”, có vai trò đặc biệt trong giao thương, quân sự và quốc phòng. Vùng biển này vừa sâu vừa rộng, có núi che, là nơi dừng nghỉ an toàn cho tàu thuyền tránh bão. Đà Nẵng là vùng biển có nhiều tàu thuyền qua lại và cũng là nơi duy nhất các tàu buôn phương Tây được vào buôn bán.

Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược về quân sự, quốc phòng. Vì vậy, triều đình nhà Nguyễn đã sớm cho xây dựng hệ thống phòng thủ ở vùng ven biển với nhiều đồn lũy, thành trì kiên cố phục vụ công tác phòng ngự. Đồng thời, hàng năm các vua triều Nguyễn đã cho từng đoàn thuyền băng sóng vượt gió để thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1888, Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp với diện tích khoảng 10.000 ha. Chính phủ An Nam bị Pháp ép buộc phải từ bỏ mọi quyền trên mảnh đất này. Ngay sau đó, thực dân Pháp thành lập thành phố Đà Nẵng ngày 24 tháng 5 năm 1889 và từng bước tổ chức chính quyền thành phố phục vụ việc cai trị và công cuộc khai thác thuộc địa.

Thành phố được quy hoạch cùng với việc mở các tuyến đường, lấy trục chính là chạy đường dọc tả ngạn sông Hàn, đặt tên là Quai Courbet (nay là đường Bạch Đằng). Các con phố song song với con đường này được người Pháp mở cùng với các con đường vuông góc tạo các tuyến phố hình ô bàn cờ. Thành phố Đà Nẵng được người Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương.

Dưới thời Pháp thuộc, cảng Đà Nẵng là hải cảng quan trọng nhất ở Trung Kì. Bên cạnh lợi thế về hải cảng, mỏ Bông Miêu, Nông Sơn ở gần thành phố cùng với một số mỏ khoáng sản khác giúp gia tăng hoạt động thương mại và xuất khẩu của Đà Nẵng nói riêng và tỉnh Quảng Nam thời kì đó nói chung. Sau gần một thế kỷ, diện mạo Đà Nẵng có nhiều đổi thay. Tuy hơi chậm so với các đô thị lớn khác ở Đông Dương, nhưng thành phố Đà Nẵng đã được tổ chức, quy hoạch theo kiểu phương Tây với khá nhiều công trình kiến trúc mang dáng vẻ châu Âu.

Năm 1945, Việt Nam giành được độc lập. Các hoạt động của tỉnh do Ủy ban kháng chiến hành chính Quảng Nam – Đà Nẵng chỉ đạo. Một số quyết định của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về Đã Nẵng cũng được ban hành. Trong giai đoạn này, Uỷ ban kháng chiến hành chính vừa chỉ đạo tổ chức chính quyền, hoạt động sản xuất vừa đẩy mạnh phong trào cách mạng của quân và nhân dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ và tay sai.

Từ năm 1945 đến năm 1975 là giai đoạn phức tạp, Đà Nẵng thuộc quyền quản lý của các chính quyền khác nhau: Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; chính quyền Quốc gia Việt Nam; chính quyền Việt Nam Cộng hoà.

Phần 2: "Đà Nẵng nay" giới thiệu tài liệu và hình ảnh từ ngày giải phóng tháng 3/1975 đến ngày nay, đặc biệt cung cấp tài liệu lưu trữ về Đà Nẵng trong 2 giai đoạn: Thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ sau hoà bình lập lại, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Cả tỉnh bắt tay vào khắc phục những hậu quả nặng nề sau hai cuộc chiến tranh và tổ chức lao động sản xuất.

Với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc về chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần toàn dân đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978.

Từ năm 1997, trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết của Quốc hội khoá IX ngày 6/11/1996, Đà Nẵng đã chuyển mình năng động, tích cực với nhiều chương trình hành động đột phá mang lại nhiều kết quả ấn tượng. Thành phố đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên các mặt kinh tế - xã hội với tốc độ đô thị hoá nhanh, bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đã đạt được những kết quả khả quan.

Thành phố liên tục triển khai thực hiện các chương trình đột phá như: “5 không”, “3 có”, “4 an” góp phần xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Sau gần 30 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh tại khu vực miền Trung và cả nước. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hàng loạt các dự án đầu tư, dịch vụ chất lượng quốc tế, giúp Đà Nẵng dần trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện của du khách trong và ngoài nước.

Phong cảnh quyến rũ và con người hiếu khách nơi đây cũng luôn là những yếu tố quan trọng quyết định việc Đà Nẵng xứng đáng với Danh hiệu thành phố đáng đến và đáng sống trong khu vực và trên thế giới.

Qua tài liệu lưu trữ, triển lãm sẽ phác hoạ những dấu ấn quan trọng của thành phố Đà Nẵng từ thời kỳ phong kiến triều Nguyễn đến giai đoạn phát triển ngày nay, cung cấp tới đông đảo công chúng nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đối với nghiên cứu lịch sử cũng như trong đời sống tinh thần của người dân Đà Nẵng và những người yêu mảnh đất này.