Libya thả kẻ buôn người bị truy nã gắt gao nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhà chức trách Libya mới đây đã thả Abd al-Rahman Milad, nhân vật được coi là một trong những kẻ buôn người bị truy nã gắt gao nhất thế giới. Abd al-Rahman đã bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt lệnh trừng phạt vì liên quan trực tiếp đến các vụ đánh chìm thuyền của người di cư.
Chỉ huy lực lượng tuần duyên Libya Abd al-Rahman Milad (giữa) bị tình nghi nằm trong mạng lưới tội phạm ở vùng Zawiyah

Chỉ huy lực lượng tuần duyên Libya Abd al-Rahman Milad (giữa) bị tình nghi nằm trong mạng lưới tội phạm

ở vùng Zawiyah

Chỉ huy lực lượng tuần duyên Libya Abd al-Rahman Milad, được biết đến với bí danh Bija, bị tình nghi là một phần của mạng lưới tội phạm hoạt động ở Zawiyah, Tây Bắc Libya. Bija bị bắt vào tháng 10 năm ngoái nhưng đã được trả tự do hôm 11-4 sau khi cơ quan kiểm sát quân sự của Tripoli bác bỏ cáo buộc chống lại anh ta “vì thiếu bằng chứng”.

Libya nổi lên tình trạng tham nhũng và bất ổn sau cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi vào năm 2011. Kể từ đó, quốc gia dầu mỏ này trở thành điểm trung chuyển chính cho những người dân châu Phi và Trung Đông chạy trốn khỏi chiến tranh, nghèo đói và hy vọng đến được châu Âu bằng cách băng qua biển Địa Trung Hải.

Vào tháng 6-2018, Hội đồng Bảo an đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bija và 5 người khác với cáo buộc là thủ lĩnh của mạng lưới tội phạm buôn bán người di cư và người dân Libya. Vào năm 2019, một cuộc điều tra của tờ báo Italia Avvenire đã ghi lại sự hiện diện của Bija trong một loạt các cuộc họp chính thức ở Sicily và Rome vào tháng 5-2017. 3 tháng trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Italia lúc đó là Marco Minniti đã ký một bản ghi nhớ với lãnh đạo Chính phủ Libya được Liên hợp quốc hậu thuẫn để hợp tác với lực lượng tuần duyên Libya, trong đó có việc cung cấp 4 tàu tuần tra để chặn các tàu thuyền di cư trên biển. Tờ Avvenire cho biết, Bija được giới thiệu tại các cuộc họp với tư cách “chỉ huy lực lượng tuần duyên Libya” nhưng thực tế người này đã bị Liên hợp quốc cáo buộc “trực tiếp tham gia vào vụ đánh chìm thuyền di cư, sử dụng súng”.

Nhà báo người Italia Nello Scavo và Nancy Porsia là những người đầu tiên ghi lại sự hiện diện của Bija ở Ý cho báo Avvenire. Sau khi đưa tin về các hoạt động tội phạm của Bija, họ đã bị dọa giết và đã được cảnh sát bảo vệ. Tuần trước, có thông tin cho rằng các công tố viên Ý đang điều tra các tổ chức phi chính phủ và tổ chức từ thiện cứu hộ biển do cáo buộc đồng lõa với những kẻ buôn người nghe lén các cuộc điện đàm của 2 nhà báo Porsia và Nello với các nguồn tin của họ. “Thật vô lý khi Italia tiếp tục cung cấp tiền cho lực lượng tuần duyên của Libya - quốc gia thả một kẻ buôn người đã đe dọa 2 công dân Italia. Và càng vô lý hơn khi việc trả tự do cho người đó diễn ra vài ngày sau chuyến thăm của Thủ tướng Mario Draghi tới Tripoli”, phóng viên Scavo nói.

Về động thái mới nhất này, phóng viên Porsia cho biết, việc thả chỉ huy lực lượng tuần duyên này có thể là một động thái chính trị trước cuộc bầu cử ở Libya. Tháng 3 năm ngoái, trong khi Bija bị giam giữ, chính phủ do Liên hợp quốc hỗ trợ ở Tripoli đã ca ngợi việc Bija cùng đồng đội tham gia chiến đấu đẩy lùi các cuộc tiến công của lực lượng miền Đông nhằm tranh giành quyền kiểm soát Thủ đô Tripoli. “Bija vẫn được một bộ phận người dân Libya coi là anh hùng. Hiện tại Libya đã có một chính phủ lâm thời mới. Rõ ràng là nhân vật này được thả trong thời điểm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử mới”.

Trong một bài đăng trên Facbeook hôm 13-4, Bija đã tấn công báo chí Libya và quốc tế: “Khi tôi bị bắt vào tháng 10 năm ngoái, báo chí đã viết tin giả về tôi… Vụ bắt giữ là do một số chính trị gia chỉ đạo, nhưng họ đã quên rằng Abd al-Rahman Milad đã bảo vệ bờ biển của quê hương trong nhiều năm”.