LHA-6 America “đè bẹp” tàu sân bay Nga, Trung, Ấn (2)

ANTĐ - Không tính đến 10 tàu sân bay hiện có và siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford sắp được biên chế, chỉ riêng lực lượng không quân hạm của các tàu đổ bộ tấn công Mỹ đã có sức mạnh đè bẹp các tàu sân bay hạng trung trên thế giới như Kuznetsov, INS Vikramaditya và Liêu Ninh của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Số lượng máy bay ngang ngửa các tàu sân bay thông thường hạng trung

Landing Helicopter Assault (LHA) là loại tàu đổ bộ tấn công có sàn đáp cho trực thăng, nhưng với định hướng lấy không quân làm chủ đạo, LHA-6 “America” có thể mang tới 38 máy bay, bao gồm 10 chiến đấu cơ tàng hình F-35B, 12 máy bay vận tải cánh quạt nghiêng MV-22 “Osprey”, 8 chiếc trực thăng tấn công AH-1Z “Viper” hoặc UH-1Y “Venom”, 04 chiếc trực thăng vận tải CH-53E “Super Stallion”, 04 chiếc trực thăng tìm kiếm, cứu hộ MH-60S “Seahawk”.

Với tính chất nhiệm vụ là đổ bộ tấn công nên bình thường “America” vẫn thiên về bố trí nhiều máy bay vận tải hạng nặng (12 chiếc “Osprey” và 4 chiếc CH-53E “Super Stallion”). Chỉ tính riêng 12 chiếc máy bay vận tải cánh quạt nghiêng MV-22 “Osprey” đã có tải trọng rất lớn và chiếm diện tích mặt boong của hàng chục chiếc F-35B. Mỗi chiếc V-22 có chiều dài 17,5m, chiều rộng (tính hết đường kính cánh quạt) là 11,6m, trọng lượng không tải 15 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 27,4 tấn. Vì vậy, “America” bình thường chỉ mang 10 chiếc F-35B.

Tuy nhiên, dựa trên ưu điểm cất cánh trên đường băng ngắn khoảng 50m và hạ cánh thẳng đứng của loại máy bay này và kho chứa máy bay dưới khoang ngầm, giúp nó tiết giảm được rất nhiều diện tích mặt boong, tăng số lượng chuyên chở. Khi đảm nhận nhiệm vụ chế áp đất liền từ hướng biển hoặc khống chế không phận trên các đại dương thì LHA-6 sẽ rút bớt máy bay vận tải và máy bay trực thăng để tăng thêm số lượng F-35B, hình thành khả năng tiến công trên không cực mạnh.

LHA-6 America “đè bẹp” tàu sân bay Nga, Trung, Ấn (2) ảnh 1

Trong tác chiến đổ bộ, America sẽ chỉ mang theo 10 chiếc F-35B 


Trên thực tế, LHA-6 có thể mang tới 30 chiếc F-35B mà chỉ giảm hơn nửa số lượng máy bay vận tải hạng nặng mang theo. Trên thế giới hiện nay, tàu đổ bộ lớp 22DDH của Nhật vừa hạ thủy là DDH-183 Izumo cũng được thiết kế kiểu này, có thể mang cả F-35B và MV-22 Osprey. Với lượng giãn nước không lớn (28.000 tấn), nếu biển Hoa Đông có biến, Izumo cũng có thể mang theo tới 20 chiếc F-35B. Đây chính là nguyên nhân làm cho Trung Quốc rất lo lắng khi tàu khu trục trực thăng (theo cách gọi của Nhật) được hạ thủy.

Với số lượng chuyên chở như vậy, LHA-6 đã vượt qua các tàu sân bay hiện có của cả Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nguyên mẫu của tàu sân bay Ấn Độ INS Vikramaditya là tuần dương hạm hạng nặng Gorshkov chính là “họ hàng” với “America”, có tải trọng bằng nhau, chuyên chở máy bay chiến đấu phản lực cất cánh thẳng đứng và máy bay trực thăng, hệ thống phòng thủ của nó rất mạnh với các loại tên lửa đối hạm, chống ngầm và phòng không rất tối tân.

Máy bay trên hạm đầu tiên là loại Yak-38 (biệt danh là “Thợ rèn”) có tải trọng bom đạn mang theo được hơn 3,5 tấn, tầm bay của Yak-38 hạn chế, chỉ khoảng 200 - 360km. Sau đó Liên Xô đã bắt tay chế tạo thế hệ kế tiếp của Yak-38 là Yak-141 có tốc độ và tầm bay cao hơn. Thế nhưng hiện tại, Ấn Độ đã cải tạo Gorshkov thành một hàng không mẫu hạm đúng nghĩa của nó, loại bỏ toàn bộ tên lửa và máy bay phản lực cất cánh thẳng đứng, thay vào đó là 16 chiếc Mig-29K và 12 máy bay trực thăng các loại.

LHA-6 America “đè bẹp” tàu sân bay Nga, Trung, Ấn (2) ảnh 2

Máy bay chiến tàng hình phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B 


Còn nguyên mẫu của Liêu Ninh là tàu sân bay Varyag, thuộc lớp Kuznetsov, có lượng giãn nước hơn “America” tới 2 vạn tấn nhưng bình thường chỉ mang theo 16 chiếc máy bay Su-33 (khi cần có thể mang theo gấp đôi số lượng này), 14 chiếc trực thăng trinh sát chống ngầm Ka-27, 2 chiếc trực thăng tác chiến điện tử và 2 chiếc trực thăng tìm kiếm, cứu hộ. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc sau cải tạo cũng không thể vượt qua được nguyên mẫu của nó khi chiếc tiêm kích hạm J-15 có trọng lượng chẳng kém gì Su-33.

Tính năng của F-35B hơn hẳn tất cả các loại tiêm kích hạm hiện có trên thế giới

Trong tương lai, F-35B và F-35C là những tiêm kích hạm hàng đầu thế giới, thay thế cho 2 loại tiêm kích hạm hiện sử dụng của Mỹ là F/A-18 Super Hornet và AV-8 Harie. Nó cũng trên cơ tất cả các tiêm kích hạm Su-33/Mig-29K của Nga và Ấn Độ cùng với J-15 (phiên bản nhái của Su-33) của Trung Quốc. Ngay cả tàu sân bay hạt nhân duy nhất của Pháp là Charles de Gaulle có lượng giãn nước tối đa 42.000 tấn, với tiêm kích hạm Rafale-M và cường kích Super Etendard cũng không xứng là đối thủ của F-35B.

LHA-6 America “đè bẹp” tàu sân bay Nga, Trung, Ấn (2) ảnh 3

Tiêm kích hạm Su-33 trên tàu sân bay Kuznetsov của Nga 


Cả J-15 và Mig-29K đều là những biến thể tiêm kích hạm theo trường phái Nga, có khả năng tấn công mặt đất nhưng thiên về đánh chặn, khả năng tàng hình và các hệ thống điện tử, dẫn đường, tác chiến điện tử, tải trọng vũ khí đều thua kém F-35B quá xa. Hơn nữa, chiến thuật tác chiến của biên đội tàu sân bay hiện đại đòi hỏi các máy bay phải có tầm bay xa, lượng bom đạn lớn, khả năng tàng hình cao để xuyên phá qua lưới lửa phòng không ven bờ, đánh phá các mục tiêu trong đất liền, điều này lại là nhược điểm của các tiêm kích hạm theo kiểu Nga.

Tháng 9 vừa qua, tạp chí Jane’s đã khẳng định với tải trọng hữu ích rất thấp, sau khi đã nạp đầy nhiên liệu, J-15 chỉ mang được vẻn vẹn 2 tấn vũ khí, với tối đa 2 quả tên lửa chống hạm YJ-83K và 2 quả tên lửa đối không tầm ngắn PL-8. Ngoài ra, J-15 có thể còn không mang nổi khoang điện tử. Điều này sẽ làm cho khả năng tấn công chính xác của số vũ khí vốn đã ít ỏi càng giảm đi rõ rệt, khiến J-15 đã không địch được MiG-29K mà còn không địch được các loại máy bay tiêm kích đánh biển, cất cánh từ đất liền.

LHA-6 America “đè bẹp” tàu sân bay Nga, Trung, Ấn (2) ảnh 4

Tiêm kích hạm J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh – Trung Quốc 


Trong khi đó, khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng giúp F-35B có tính năng cơ động, linh hoạt cao hơn rất nhiều, thời gian lên boong và xuất kích của 1 máy bay chỉ bằng một nửa thời gian cất cánh của máy bay trên đường băng thông thường. Còn khi hạ cánh, nó có thể hạ cùng một lúc vài chiếc, trong khi đó Mig-29K và J-15 lại phải mất thời gian hạ cánh lần lượt và giải phóng đường băng, mà trong tác chiến hiện đại, hơn kém nhau chỉ vài giây là đã có ưu thế cực lớn.

Lượng dự trữ xăng dầu chính là thước đo khả năng duy trì tác chiến của nhóm không quân hạm. Cũng giống như Kuznetsov, Liêu Ninh mà tiền thân là “Varyag” có khả năng mang theo 2.500 tấn nhiên liệu hàng không, đủ bảo đảm cho 500 - 1.000 lượt máy bay cất cánh. Thế nhưng, với tải trọng thấp hơn 2 vạn tấn, “America” còn mang được tới 3.400 tấn nhiên liệu, hơn “Varyag” 900 tấn và gấp rưỡi so với INS Vikramaditya.

LHA-6 America “đè bẹp” tàu sân bay Nga, Trung, Ấn (2) ảnh 5

Tiêm kích hạm MiG-29K trên tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ 


Điều này chứng tỏ khả năng duy trì tần suất cất, hạ cánh, đồng nghĩa với số lượng phi vụ tác chiến và thời gian tác chiến trên không của F-35B trên “America” nhiều hơn gấp bội so với J-15 và Mig-29K. Số lượng nhiên liệu nhiều, khả năng cất, hạ cánh nhanh chóng có thể giúp lực lượng tiêm kích hạm trên tàu đổ bộ tấn công Mỹ duy trì tần suất hoạt động liên tục trong ngày, cường độ duy trì liên tục trong thời gian dài vượt trội các tàu sân bay thông thường.

Như vậy, xét về tổng thể, các tính năng của siêu tàu đổ bộ tấn công lớp America – Mỹ đều bằng và vượt so với các tàu sân bay của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Với 11 biên đội tàu sân bay khủng và tổng cộng 12 cụm tàu đổ bộ tấn công mạnh mẽ, có thể nói sức mạnh của hải quân Mỹ là tuyệt đối, các nước khác dù có nỗ lực phát triển tàu sân bay đến đâu, cũng chỉ để làm đối trọng với nhau chứ không thể so sánh được với Mỹ.