Leo thang bành trướng trên Biển Đông

ANTĐ - Tham vọng bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc lại leo lên nấc thang mới khi nước này dùng tàu hải cảnh để hộ tống “hạm đội tàu cá” xâm nhập vào các vùng biển mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền phi lý theo yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn.

Leo thang bành trướng trên Biển Đông ảnh 1

Trung Quốc dùng tàu hải cảnh để hộ tống đoàn tàu cá nước này xâm nhập vào các vùng biển mà Bắc Kinh đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông

Tổng giám đốc Cơ quan thực thi pháp luật biển Malaysia (MMEA) Ahmad Puzi Ab Kahar ngày 29-3 cho biết, các tàu của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã hộ tống 100 tàu cá của nước này xâm nhập vùng biển Malaysia tại bãi cạn Luconia ở Biển Đông, ngoài khơi bang Sarawak. Vụ việc nghiêm trọng này diễn ra từ tuần trước song tới tận tuần này phía Malaysia mới chính thức có phản ứng.

Lý giải về việc chậm trễ  công bố thông tin, Tổng giám đốc Ahmad Puzi nói đó là hành động chưa từng xảy ra  của phía Trung Quốc tại vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền, vì thế nước này cần phải “thực hiện một cách tiếp cận thận trọng”. Ông Puzi đã sử dụng bản đồ để chỉ ra vụ xâm nhập của các tàu cá Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia và cho biết thêm,  những tàu cá này được phát hiện khi đang tiến hành các hoạt động từ ngày 24 đến 28-3 với số lượng khoảng từ 40 tới 100 tàu.

Theo ông Puzi, các tàu cá Trung Quốc không treo cờ hay mang số hiệu đăng ký. Tuy nhiên, Malaysia nhận ra 1 tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đang hộ tống những tàu cá này, trong khi 1 tàu khác thả neo ở gần bãi cạn Luconia, tên địa phương gọi là Beting Patinggi Ali có điểm gần Malaysia nhất là 60km và cách Trung Quốc hơn 2.000km.

Việc Malaysia cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống hàng trăm tàu cá xâm nhập vào vùng biển Malaysia tuyên bố chủ quyền khiến dư luận đặc biệt quan tâm và lo ngại sâu sắc. Trung Quốc sau khi công bố yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý đòi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông đã liên tục có những hành động hung hăng, gây hấn để hiện thực hóa tham vọng bành trướng này. Song những hành động này thời gian qua chủ yếu nhằm vào 2 quốc gia nằm sát Trung Quốc nhất là Việt Nam và Philippines.

Đáng chú ý, cùng với việc lần đầu tiên ngang nhiên thò “bàn tay bành trướng” xuống vùng biển Malaysia tuyên bố chủ quyền, cùng ngày 24-3, Trung Quốc còn bị Indonesia lên tiếng phản đối việc tàu hải cảnh hộ tống tàu cá xâm phạm chủ quyền của Indonesia trên biển Natura. Như vậy, có thể thấy rõ Trung Quốc đang tiến thêm một bước nguy hiểm trong việc thực hiện tham vọng đòi chủ quyền trên Biển Đông.

Bước leo thang bành trướng của Bắc Kinh diễn ra sau khi Trung Quốc có hàng loạt việc làm chuẩn bị như cải tạo, xây đắp các bãi đá cưỡng chiếm tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nổi nhân tạo; đưa tên lửa và máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam… Đây chính là căn cứ, bàn đạp để Trung Quốc tiến thêm một bước trong việc hiện thức hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Trước sự xâm phạm chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc, Malaysia đã điều động 1 máy bay Bombardier cùng với 3 chiến hạm của Hải quân Hoàng gia và MMEA tiến hành xua đuổi hàng trăm tàu cá và tàu hải cảnh của Trung Quốc. Bộ trưởng đặc trách An ninh Malaysia tuyên bố, nước này sẵn sàng có phản ứng thích đáng nếu Trung Quốc không dừng lại.