Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và an ninh lương thực toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Nga ban hành các lệnh cấm xuất khẩu gạo đang tác động lớn tới thị trường gạo thế giới nói riêng, an ninh lương thực toàn cầu nói chung.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang tác động lớn tới thị trường gạo toàn cầu

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang tác động lớn tới thị trường gạo toàn cầu

Lệnh cấm xuất khẩu gạo dây chuyền

Việc Ấn Độ bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo từ ngày 20-7 vừa qua đã gây xáo động không nhỏ đối với thị trường gạo cũng như thị trường lương thực toàn cầu. Theo lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 20-7 được Tổng cục Ngoại thương Bộ Công Thương Ấn Độ công bố cùng ngày, quốc gia đông dân nhất thế giới này cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, trừ gạo trắng basmati (Gạo Basmati là một loại gạo phổ biến ở Ấn Độ và khu vực Nam Á. Gạo Basmati Ấn Độ có 2 loại là gạo trắng và nâu (gạo lứt), có hương vị hấp dẫn, hương thơm dễ chịu).

Theo lý giải của Ấn Độ, lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng được đưa ra trong bối cảnh mùa mưa bắt đầu muộn tại nước này làm ảnh hưởng tới mùa màng và dấy lên lo ngại thiếu hụt sản lượng. Tại thị trường Ấn Độ, giá bán lẻ gạo đã tăng 11,5% trong năm qua và tăng 3% chỉ trong 1 tháng qua. Cũng theo giới chức Ấn Độ, mùa mưa đến muộn dẫn tới tình trạng thiếu hụt lượng lớn nước mưa cần thiết cho vụ mùa tại nước này trong giai đoạn tính đến giữa tháng 6. Tình trạng thiếu nước chỉ được cải thiện khi mưa lớn bắt đầu xảy ra từ tuần cuối cùng của tháng 6. Trong khi đó, mưa lớn ở các vùng phía Bắc của Ấn Độ trong vài tuần qua cũng đã tàn phá những thửa ruộng mới cấy ở các bang Punjab và Haryana, khiến nhiều người nông dân phải cấy lại. Nhiều cánh đồng ở các bang phía Bắc ngập trong nước trong hơn 1 tuần khiến lúa mới cấy chết vì úng nước, buộc người nông dân phải đợi nước rút để cấy lại. Ở những bang trồng lúa lớn khác của Ấn Độ, trong đó có bang Tây Bengal, Bihar, Chhattisgarh, Andhra Pradesh và Telangana, nông dân đã gieo mạ nhưng lại không thể đưa đi cấy vì ruộng không đủ nước.

Trước đó, nhiều người kỳ vọng diện tích trồng lúa sẽ tăng sau khi Chính phủ Ấn Độ tăng giá thu mua gạo nhưng đến nay, các quan chức trong ngành nông nghiệp lại ước tính diện tích giảm. Hiện diện tích ruộng được cấy lúa tại Ấn Độ được cho là thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm 2022. Thông thường, mùa mưa với lượng mưa trung bình mang lại nguồn nước thiết yếu cho nông dân canh tác lúa ở Ấn Độ. Tuy nhiên, năm nay, mùa mưa bắt đầu muộn, lượng mưa bất thường, phân bổ không đều lại đang gây ra nhiều vấn đề cho hoạt động canh tác.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ ngay lập tức làm tác động tới thị trường gạo cũng như xuất khẩu mặt hàng này trên thế giới. Ấn Độ là quốc gia hiện cung cấp hơn 40% gạo xuất khẩu trên toàn cầu nhưng lượng tồn kho thấp đồng nghĩa rằng, quyết định giảm xuất khẩu có thể khiến giá lương thực thế giới tăng. Vì thế, nhằm bình ổn thị trường gạo và lương thực trong nước, một số quốc gia xuất khẩu gạo và lương thực đã theo chân Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Trước mắt, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 29-7 đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Bộ Kinh tế UAE cho biết, lệnh cấm có hiệu lực đối với các khu vực tự do ở nước này và áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm.

Chính phủ Nga cùng ngày 29-7 cũng đã thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa. Theo đó, nước này tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến đến ngày 31-12-2023 nhằm “duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa”.

Hài hòa, cân đối xuất khẩu gạo và tiêu dùng nội địa

Gạo hiện là lương thực chính của hơn 3 tỷ người, chiếm khoảng một nửa dân số thế giới, trong đó tiêu thụ của châu Á chiếm đến 90% nguồn cung mặt hàng lương thực này của toàn cầu. Vì thế, việc một quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới ban hành lệnh cấm xuất khẩu chắc chắc làm giảm đột ngột một nguồn cung lớn, tác động lớn và đẩy giá gạo thế giới lên mức cao, tác động tới an ninh lương thực tại nhiều quốc gia.

Theo số liệu tổng hợp, Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu với khoảng 55,4 triệu tấn vào năm 2022. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2022 nhiều hơn tổng xuất khẩu gạo của Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ - là 4 nhà xuất khẩu gạo lớn tiếp theo của thế giới cộng lại. Gạo của Ấn Độ được xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Việt Nam dù là nước xuất khẩu gạo nhưng cũng nhập một số lượng đáng kể gạo từ Ấn Độ. Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số quốc gia được đưa ra trong bối cảnh giá gạo toàn cầu vốn đã dao động quanh mức cao nhất trong 11 năm qua. Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo châu Á B.V.

Krishna Rao cho rằng, việc ban hành lệnh cấm đột xuất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khách hàng khi họ chưa thể tìm được nhà cung cấp thay thế. Các lệnh cấm này “giáng” thêm cú mạnh vào thị trường gạo toàn cầu vốn đã tăng giá 15% đến 20% kể từ tháng 9-2022. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này đã tăng lên 545 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 2-2021, từ mức 515 USD/tấn vào tuần trước.

Giới kinh doanh gạo thế giới cho rằng, giá gạo sẽ còn tăng cao hơn trên thị trường xuất khẩu, ước tính mức tăng tối thiểu là 50 USD/tấn và có thể lên tới 100 USD mỗi tấn hoặc hơn. Hiện, cả bên bán và bên mua đều đang đợi xem thị trường sẽ lên cao tới đâu. Chủ tịch danh dự của Hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Chookiat Ophaswongse phân tích, các doanh nghiệp không muốn bán ra vì không biết niêm yết giá nào. Một số thương gia cho rằng, giá có thể lên tới 700-800 USD/tấn. Hiện, các nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới như Indonesia và Philippines đang tăng tốc nhập khẩu với các đơn hàng lớn nhằm bảo đảm kho dự trữ trước các rủi ro thiếu hụt lương thực. Trong khi đó, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng đã gây ra một số đợt mua tích trữ lớn ở nhiều quốc gia. Từ Mỹ đến Canada và Australia, cộng đồng người châu Á đã có những động thái nhằm tích trữ lương thực khiến một số cửa hàng đã áp đặt giới hạn mua, trong khi những cửa hàng khác tăng giá...

Cùng với đó, các lệnh cấm xuất khẩu gạo lại trùng với thời điểm thị trường lúa mì toàn cầu tăng mạnh trên 10%, làm dấy lên mối lo ngại mới về giá lương thực tăng cao. Vì thế, lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể làm trầm trọng thêm lạm phát trên thị trường lương thực thế giới, làm gia tăng giá cả do thời tiết thất thường và ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine, qua đó tác động tới an ninh lương thực toàn cầu. Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, việc cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và một số nước tác động đa chiều tới Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thời gian tới nhưng nếu không cân đối giữa xuất khẩu và nhu cầu nội địa có thể ảnh hưởng tới giá lương thực trong nước, làm gia tăng lạm phát.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,24 triệu tấn, tương đương gần 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về khối lượng, tăng 32,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022, giá trung bình đạt 532,6 USD/tấn, tăng 9%. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, các quốc gia sẽ có xu hướng chuyển sang tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguồn cung gạo của Việt Nam không thể đáp ứng nhu cầu của các nước. Đồng thời, dù là một cường quốc xuất khẩu gạo, song Việt Nam hàng năm vẫn nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo (phần lớn là từ Ấn Độ) để phục vụ các nhu cầu trong nước như sản xuất bánh, bún, thức ăn chăn nuôi... Vì thế, việc xuất khẩu gạo thế nào, thời điểm nào xuất khẩu để đảm bảo được giá cao nhất, hiệu quả nhất lượng gạo sản xuất ra, trong khi vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước để giá gạo không biến động lớn là điều cần được cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng, thận trọng nhằm hài hòa, bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.