Lên rừng “săn” trâu luông

ANTĐ - Khi người nuôi trâu dưới xuôi xây dựng chuồng trại để chăn nuôi thì người dân ven rừng Như Thanh - Thanh Hóa lại chọn cách thả rông trâu trong rừng. Song, để bắt đàn trâu thả rông đó về không phải là chuyện giản đơn. 

Lên rừng “săn” trâu luông ảnh 1

Khi trâu nhà thành trâu rừng

Trâu thả luông, là hình thức thả trâu vào rừng, sau một vài tháng, thậm chí là vài năm người ta mới lùa về chuồng một lần. Chẳng mất đến công sức chăn nuôi, trâu sống ngoài tự nhiên phải vượt qua dịch bệnh để tồn tại. Người dân cần bán trâu thì lên rừng lùa về.  

Cũng bởi thời gian dài, trâu không tiếp xúc với người nên có sự tách biệt giữa trâu hiền – thường xuyên được về chuồng và trâu luông – trở lại bản năng hoang dã của trâu rừng nên rất khó để con người có thể đến gần. 

Ông Nguyễn Hữu Sang – Chủ tịch UBND xã Xuân Thái cho hay: “Hiện tại, số trâu hiền đếm được ở địa phương là gần 1.000 con, còn số trâu luông trong rừng không biết có bao nhiêu, con nào cũng rất hung dữ, sẵn sàng tấn công khi chúng “đánh hơi” thấy người từ xa”.

Ở miền sơn cước này nhiều người trở nên giàu có nhờ nuôi trâu theo hình thức thả rông mà ông Vi Văn Minh, người được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen là một điển hình. 

Theo dẫn đường của một người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Vi Văn Minh. Nhìn ngôi nhà sàn theo lối xưa với những đường nét chạm trổ tinh xảo, được chuyên gia nhận định giá trị trên 4 tỉ đồng khiến ai cũng ngưỡng mộ. Còn ông Minh lại tiết lộ: “Nếu như bắt được hết trâu luông, tôi còn làm cái đẹp hơn”.

Ông Minh bảo: “Khi thả vào rừng, trâu được tự do nên hình thành 3 loại. Loại trâu luông nhưng hiền, lùa, bắt lúc nào cũng được. Loại thứ hai cũng là trâu luông, bắt loại này hơi khó, có khi phải dùng bẫy, gióng bắt cả tháng mới thành. Còn loại thứ ba, loại này thả rông nên rất dữ,  hầu như không thể bắt được”. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các xã Xuân Thái, Phúc Đường, Thanh Tân có rừng rộng và khí hậu ổn định với hệ thực vật phong phú, là những “trang trại khổng lồ”. Từ xưa, người dân đã lựa chọn cách chăn nuôi theo hình thức lùa cả đàn hàng nghìn con vào rừng. 

Theo thống kê, tại xã Xuân Thái có các hộ ông Quách Ngọc Bút, Quách Văn Nhật, Quách Văn Hóa, Vi Văn Minh, Bùi Văn Trường… có hàng trăm con trâu luông. Còn ở Phúc Đường, hộ ông Lê Minh Tâm cũng nổi tiếng với đàn trâu luông hung dữ, mà không cách nào chinh phục được.

Đàn trâu luông hiền ở bìa rừng Xuân Thái

Tốn tiền săn trâu luông 

Theo thông tin từ chính quyền các xã có rừng ở Như Thanh thì có thời, trâu luông là nỗi ám ảnh, là mối đe dọa với những người vào rừng hái thuốc, hái măng thậm chí với cả bà con sống, làm rẫy nơi bìa rừng, ven suối. 

Trước khi vào rừng cùng đoàn người bắt trâu luông, chúng tôi đã được anh Bùi Văn Trường, một người sống nơi bìa rừng cảnh báo: “Vào rừng phải cảnh giác, nếu như có thấy trâu luông xông lại thì phải nhanh chóng trèo lên cây nếu không sẽ mất mạng”.

Tuy hình thức thả rông không mất nhiều công sức, song một khi đàn trâu hiền trở thành trâu dữ thì công sức bỏ ra lại rất tốn công tốn của. Thậm chí, nói như ông Lê Minh Tâm khi nhìn đàn trâu nhà mình trong rừng mà lòng không khỏi xót xa: “Kinh phí phải bỏ ngang bằng với giá trị của con trâu bắt được”.  

Chờ đợi mãi, dịp may đã đến khi anh Lê Văn Liên ở xã Phúc Đường cho chúng tôi “bám càng” trong chuyến lên rừng bắt trâu luông.  

Dọc theo những con đường mòn trong rừng là những cái bẫy, được làm bằng dây cáp dẻo, bền, chắc chắn. Cầm con dao quắm sắc lẹm phát những cành cây bụi đang chìa ra ngăn cản lối đi, anh Liên cho biết: “Đấy là những cái bẫy dùng để bắt đàn trâu luông. Chỉ cần trâu đi qua hoặc xuống khe uống nước là có thể dính bẫy”. Tuy nhiên, cách này chỉ bắt được một vài con chứ không bắt được cả đàn như cách làm gióng.  

Cách dùng bẫy bắt trâu khá tốn kém. Ông Tâm cho biết, trước đây thợ săn chỉ lấy 500 nghìn đồng/ con bắt được. Rồi cái giá đó tăng lên 2 triệu, đến nay là nửa con trâu hoặc 20 triệu đồng/ con.

Đối mặt với đàn trâu hung hăng, trước đây người ta còn dùng súng bắn chết rồi làm thịt mang về. Tuy nhiên, ngày nay súng ít sử dụng, mà “thuê súng bắn gây mê thì 20 triệu đồng/ mũi nên thà thả còn đỡ rách việc hơn”, ông Tâm ngậm ngùi.

Vượt qua những đồi cỏ um tùm, chui qua những rừng cây gai xé toạc áo khoác, đâm toạc chân, tứa máu, cuối cùng chúng tôi cũng xuống được khe nước, nơi đó có những vũng bùn, dấu vết đám lợn rừng đằm và dấu chân rùa đồi uống nước. Đi thêm đoạn nữa là những vũng nước trâu đằm đục ngầu và những cây gỗ được đốn hạ có đường kính khoảng 10 cm, nằm la liệt dọc hai bên khe nước. Anh Liên nói, người ta hạ những cái cây này để làm gióng. Cây ngắn làm cọc, cây dài làm song. Buộc lại với nhau dọc theo đoạn khe tạo thành cái chuồng trâu dài hàng trăm mét. 

“Khi thấy trâu ăn trên đồi, người ta tản ra, khua chiêng, gõ mõ, thổi tù và. Bị động, trâu sẽ chạy và bị vây, bị dồn ép xuống khu vực gióng. Trâu chui vào gióng, người ta đóng cửa lại rồi đặt thòng lọng, quàng cổ, trói chân bắt từng con, gặp những con trâu dữ quá, người ta phải làm thịt ngay tại chỗ” - anh Liên giải thích.

Leo mấy quả đồi, vượt qua mấy con khe, luồn lách qua mấy cách rừng. Chân tay bủn rủn, bụng đói cồn cào, trên mặt, trên lưng ướt đẫm mồ hôi như có bao nhiêu nước trong cơ thể đều tuôn ra một đợt rồi cạn kiệt. Song thật tiếc cho chúng tôi, hôm nay không thấy con trâu nào.  

“Đi rừng nhìn thấy trâu từ xa được xem là may mắn rồi, có đợt đi mấy hôm mà không thấy dấu vết con trâu nào. Nhiều lần vào rừng thấy trâu nhà mình đấy nhưng không làm được gì vì ít người quá, dù rằng đã từng thuê mấy chục người với hàng trăm công làm đủ mọi cách mà không thể bắt được đàn trâu” – lời động viên của ông Tâm cùng vài ba câu chuyện phiếm giúp chúng tôi quên đi mệt nhọc, lại lần theo đường mòn về nhà sau một chuyến đi chinh phục trâu luông bất thành và những trăn trở về rủi ro của nhà chăn nuôi. 

Lên rừng “săn” trâu luông ảnh 3
Ông Vi Văn Minh (trái) và ông Bùi Văn Trường đang chia sẻ về cách chinh phục trâu luông


Săn trâu luông là một công việc nguy hiểm, nhiều trường hợp bị trâu quay lại tấn công. Điển hình như trường hợp anh Trịnh Sĩ Hiếu ở xã Phúc Đường bị trâu húc suýt chết, may mắn có đoàn người đi qua giải cứu. Xã Xuân Thái có trường hợp anh Bùi Văn Tiến, Quánh Văn Tuấn bị trâu húc rách đùi, bụng phải khâu gần 30 mũi, anh Tuấn bị trâu húc gục tại chỗ, gãy xương sườn.