Lên dây cót cho dịch vụ ATM trước Tết

ANTĐ - “ATM hết tiền”, “Máy tạm ngừng hoạt động”… là những dòng chữ khiến không ít người sử dụng dịch vụ ATM của các ngân hàng cảm thấy mệt mỏi. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, khách hàng sử dụng dịch vụ trả lương qua ATM không khỏi lo lắng về khả năng “mất ăn Tết vì ATM”.

Tăng cường kiểm tra, bảo trì để ATM “nhả tiền” đều đặn


“Chuyên nghiệp hóa” khâu tiếp quỹ

Năm nào cũng vậy, thời điểm cận Tết chính là khoảng thời gian các cây ATM phải chạy hết công suất. Tình trạng ATM hết tiền hay máy móc trục trặc không chỉ là nỗi lo của khách hàng sử dụng dịch vụ mà cũng là nỗi lo của chính các ngân hàng. Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, hầu như năm nào tới thời điểm gần Tết Vietcombank cũng bị “phê bình” vì để xảy ra những trục trặc như hết tiền tại máy ATM, hay không thực hiện được giao dịch. Về cơ bản, các ngân hàng luôn lo đủ tiền cho các máy ATM, không có chuyện ngân hàng hết tiền, tuy nhiên, trong quá trình tiếp quỹ cũng có lúc không tránh khỏi tình trạng này. “Tại ngân hàng, chúng tôi có thể theo dõi tình hình hoạt động của các cây ATM qua máy, khi thấy tình trạng tiền trong ATM gần hết chúng tôi sẽ có nhân viên tới tiếp quỹ. Nhưng thời điểm cuối năm, tình trạng giao thông cũng rất khó khăn, do đó trong quá trình tiếp quỹ có thể bị tắc đường nên khó có thể tránh khỏi khả năng máy bị hết tiền” - bà Hà chia sẻ. 

Ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, tỷ trọng giao dịch trong những ngày giáp tết tăng khoảng     200 - 300% so với ngày thường. Techcombank đã triển khai một số biện pháp để đảm bảo giao dịch cho các chủ thẻ như nâng cấp, bảo trì thiết bị, yêu cầu các chi nhánh tăng cường tần suất tiếp quỹ, đặc biệt là giai đoạn từ ngày 26 - 28 Tết.

Cho tới thời điểm này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã lên kế hoạch một cách chi tiết nhất để đảm bảo ATM trên toàn hệ thống hoạt động thông suốt. Ông Nguyễn Tấn Vinh, Giám đốc trung tâm thẻ BIDV cho biết: “ Chúng tôi đã có chỉ đạo các chi nhánh đảm bảo khối lượng tiền để tiếp quỹ cho các cây ATM, thậm chí có ngày tiếp quỹ 2 lần. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, BIDV đã thành lập riêng một đội chuyên tiếp quỹ cho ATM.

Đảm bảo an ninh

Trước tình hình tội phạm liên quan đến thanh toán thẻ, máy ATM có xu hướng gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã chỉ đạo các tổ chức phát hành thẻ tăng cường các biện pháp an ninh cho máy ATM. Thống đốc NHNN yêu cầu: “Để phòng ngừa tội phạm, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ ATM, nhất là trong dịp năm mới 2012 và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, các tổ chức phát hành, thanh toán thẻ phải tăng cường phối hợp với cơ quan an ninh trong công tác phòng chống tội phạm”.

Theo đó, các tổ chức phát hành, thanh toán thẻ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong toàn hệ thống chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan công an, các lực lượng an ninh trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát đối với các máy ATM, phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng trộm, cướp, đập phá, cài đặt thiết bị sao chép dữ liệu thẻ. Đồng thời, phối hợp cung cấp thông tin với Bộ Công an trong công tác điều tra, xử lý tội phạm nhằm răn đe, ngăn chặn tội phạm tiếp diễn. Rà soát và triển khai thực hiện các phương án bảo vệ, đảm bảo an toàn cho các máy ATM. Các đơn vị cần có hình thức cảnh báo, nhắc nhở phù hợp tại ATM để khách hàng nâng cao tinh thần cảnh giác, tham gia phòng chống tội phạm và bảo đảm an toàn cho bản thân.