Lên danh sách quét hàng lậu

ANTĐ - Đã thành quy luật, vào dịp cuối năm, các đối tượng vận chuyển buôn bán hàng lậu lại “chạy nước rút” để đưa hàng lậu vào nội địa. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tháng 7-2014, hàng chục địa bàn, tuyến, tụ điểm thường có biểu hiện hoạt động của hàng lậu đã được các lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội “lên danh sách” tổ chức đấu tranh, mở rộng “quét” trên diện rộng góp phần chặn đứng các đường dây hàng lậu đang có ý định “vượt biên” tràn vào nội địa…
Lên danh sách quét hàng lậu ảnh 1

Điểm danh “Ga” hàng lậu

Năm 2014 đang dần đi đến những ngày cuối cùng. Thông thường vào thời điểm này, tình hình tội phạm, vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng và vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn cả nước nói chung, địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng lại diễn ra hết sức phức tạp và vô cùng nhức nhối. 

Theo đánh giá của Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội, việc buôn bán, vận chuyển hàng ngoại nhập lậu tại các tụ điểm trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn và có nhiều diễn biến phức tạp. Trên địa bàn TP Hà Nội hiện đã hình thành những “kho tập trung” như xã Ninh Hiệp, ga Yên Viên, chợ Đồng Xuân, sân bay Nội Bài, chợ Hà Vỹ… Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cho thấy, tính đến thời điểm này tình hình buôn lậu trên địa bàn TP Hà Nội tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước song vẫn diễn ra rất phức tạp. Hiện vẫn tồn tại nhiều đường dây, ổ nhóm câu kết chặt chẽ từ biên giới vào trong nội địa để làm ăn phi pháp. Bởi theo đánh giá của Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội thì Thủ đô vừa là nơi tiêu thụ, vừa là nơi trung chuyển hàng nhập lậu, chủ yếu từ tuyến Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai về Hà Nội. 

Thượng tá Thành Kiên Trung, Phó trưởng Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội cho biết “điểm nóng” của hàng lậu năm nay vẫn tập trung chính ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) và khu vực chợ Đồng Xuân. Thực tế, kéo dài trong nhiều năm hoạt động buôn lậu diễn ra đã thành “hệ thống”, không khó để nhìn nhận, xác định những địa bàn, tuyến, tụ điểm để tập trung đấu tranh. Địa bàn nội thành là chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm); chợ vải Phùng Khắc Khoan (Hai Bà Trưng), chợ điện tử - điện lạnh Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm); chợ thuốc tân dược khu vực Ngọc Khánh, Triển lãm Giảng Võ (Ba Đình); chợ phụ tùng ôtô, xe máy, điện máy, băng đĩa (chợ Hòa Bình - Hai Bà Trưng); ga Hà Nội; các điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự như vũ trường, bar… Địa bàn ngoại thành vẫn là những nơi có thể “chỉ mặt điểm tên” đến mức quen thuộc như xã Ninh Hiệp (Gia Lâm), La Phù, Minh Khai, Dương Liễu (Hoài Đức)... tiềm ẩn các loại tội phạm buôn lậu. Bên cạnh đó là những đầu mối giao thông như ga Yên Viên, ga Giáp Bát, sân bay Nội Bài, sân bay Gia Lâm; các tuyến đường sắt, tuyến đường biển, đường sông, tập trung vào các lộ trình Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn… về Hà Nội. Ngoài ra là các kho, bến bãi thuộc các quận Hoàng Mai, Hà Đông, huyện Thanh Trì, Chương Mỹ, Thanh Oai, Phú Xuyên… bởi có vị trí đắc địa nằm gần quốc lộ, thuận lợi cho các hoạt động nhập - xuất hàng lậu. Ngoài ra đặc biệt chú trọng đến các cửa khẩu hải quan như Cảng ICD, Mỹ Đình, Gia Thụy… 

Biến thể hàng giả

Theo nhận định của Thượng tá Thành Kiên Trung, do công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố rất mạnh nên tình hình buôn lậu sẽ trở nên phức tạp, thủ đoạn phạm tội sẽ được biến thể từ loại này sang loại khác, từ buôn lậu trắng trợn chuyển sang gian lận thương mại, trốn thuế… 

Nguồn hàng giả được các đối tượng trong nước đặt sản xuất từ Trung Quốc sau đó nhập lậu nguyên thành phẩm giả hoặc nhập khẩu dạng bán thành phẩm về lắp ráp, dán tem, nhãn giả rồi tung ra thị trường tiêu thụ. Số hàng giả, hàng nhái trên cũng không nằm ngoài “quỹ đạo di chuyển” của hàng lậu khi cũng được đưa về vùng giáp ranh Hà Nội tập kết, sau đó xé lẻ về Hà Nội tiêu thụ hoặc chuyển đi các địa phương khác.

 Theo Thượng tá Thành Kiên Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Công an Thủ đô tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành... để đấu tranh triệt phá nhiều ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Điển hình là vụ việc ngày 9-11-2014, Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp đối tượng Bùi Văn Hiệp (SN 1985) và Nguyễn Anh Văn (SN 1982) về hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh để chữa trị di chứng tai biến mạch máu não, tê nhức mỏi chân tay, thiếu kẽm ở trẻ em còi xương, chậm tăng trưởng, phụ nữ mang thai; ngày 12-8, bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Duyên Toàn (SN 1970), ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thu giữ hơn 1.000 lon ngô do Trung Quốc sản xuất; ngày 6-6 bắt giữ đối tượng Đỗ Quốc Minh (SN 1985), ở xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội buôn bán hàng giả là sản phẩm gas lạnh… 

Điểm nóng Ninh Hiệp

Chọn Ninh Hiệp là điểm đến, chúng tôi có mặt tại trung tâm đầu mối mua bán vải vóc, quần áo lớn của miền Bắc những ngày trung tuần tháng 11-2014. Thực tế, sau hàng loạt sự ra quân của các cơ quan chức năng, đặc biệt là trong ngày 2, 3-11, khi phát hiện và tịch thu hàng triệu nhãn mác quần áo giả, hàng tấn vải lậu đã làm chợ Ninh Hiệp im ắng hơn hẳn.

Nhiều cơ sở kinh doanh tại đây cho biết: “Tình hình năm nay rất căng vì hàng không về được”. Hơn chục năm về trước, chợ Ninh Hiệp vốn nổi tiếng bởi 2 mặt hàng chính là thuốc nam và quần áo, vải Trung Quốc giá rẻ. Song, một vài năm trở lại đây Ninh Hiệp rất khác và trở thành điểm nóng cho việc trung chuyển hàng lậu. Với vị trí đắc địa, Ninh Hiệp rất phù hợp trong vai trò trung chuyển hàng từ các tuyến biên giới về Hà Nội rồi đi các tỉnh với 2 tuyến quốc lộ huyết mạch 1A và 1B, đi Cao Bằng cũng thuận mà từ Lạng Sơn về lại càng tiện hơn. Riêng hành trình Lạng Sơn, ngoài 2 trục quốc lộ, Ninh Hiệp có gần tuyến đường sắt - ga Yên Viên. Bởi lẽ đó mà “dân buôn” chuyến biên giới khẳng định chợ Đồng Xuân đã bị chợ Ninh Hiệp bỏ xa về địa điểm tập kết. Qua khảo sát của chúng tôi, dù thời điểm này sức “nóng” của xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội có phần hạ nhiệt nhưng những hoạt động giao dịch hàng lậu ngầm vẫn âm thầm diễn ra, thực tế, nguồn hàng lậu vẫn “chảy” lén lút vào thành phố tiêu thụ. 

Chống buôn lậu qua tuyến hàng không

Một trong những tuyến cần tập trung đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại chính là tuyến hàng không. Và khu vực Sân bay quốc tế Nội Bài tiếp tục là điểm “nóng” của hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua cửa khẩu. Từ đầu năm 2014 đến nay, Hải quan Nội Bài phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý là 315 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó có 45 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm qua cửa khẩu.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) cho biết đã triển khai thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm siết chặt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không. Dịp cuối năm 2014 và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2015 tới đây, nhất là khi Nhà ga T2 Nội Bài chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1-1-2015, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên ở sân bay quốc tế Nội Bài diễn biến phức tạp. Các đối tượng sẽ tìm mọi cách để tuồn hàng cấm, thẩm lậu hàng hóa vào nội địa. Để phát hiện, xử lý, trấn áp kịp thời hành vi vi phạm của các đối tượng, song song với việc tập trung xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại phù hợp với quy trình, thủ tục hải quan mới ban hành và sự thay đổi về mặt bằng, vị trí làm thủ tục hải quan tại Nhà ga T2, Hải quan Nội Bài có thể sẽ tăng cường thêm cán bộ, công chức kinh nghiệm để làm thủ tục hải quan cũng như giám sát hải quan đối với hàng hóa, hành khách…

Thủ đoạn tinh vi

Những thủ đoạn cũ như lợi dụng đường mòn, lối mở dọc biên giới để tuồn hàng lậu; các đối tượng cầm đầu thuê người trực tiếp sang nhận hàng, mang, vác, cõng bộ hoặc dùng xe môtô vận chuyển phân tán với số lượng nhỏ theo các đường ngang, ngõ tắt qua biên giới rồi lại tiếp tục giao cho các đối tượng khác rồi vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ vẫn được các đối tượng buôn lậu sử dụng. Chúng thường vận chuyển hàng vào ban đêm, ngày nghỉ, giờ nghỉ của các lực lượng quản lý, cử người đeo bám, theo dõi, canh gác các ngả đường, thấy an toàn mới vận chuyển. Hầu hết các con buôn đều lợi dụng vào địa hình đồi núi hiểm trở, sử dụng các thủ đoạn hết sức tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng. Khi lực lượng chức năng đã lập chốt chặn 24/24h tại các điểm nóng để đấu tranh với tội phạm, thì lập tức các đối tượng lại chuyển sang đường mòn khác. Nếu cơ quan chức năng tiến hành “đánh chặn” bất ngờ, thì các đối tượng tháo thân, bỏ của chạy lấy người…

 Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, trong năm nay nhiều thủ đoạn tinh vi đã được các đối tượng buôn lậu lợi dụng và có sự cấu kết chặt chẽ với nhau hơn trong việc giao nhận hàng như: hàng hóa từ các cửa khẩu, chính ngạch, tiểu ngạch được các đối tượng khai báo gian lận hải quan về số lượng, chủng loại để tuồn vào tiêu thụ. Đã có việc các đối tượng buôn lậu lợi dụng “luồng xanh, luồng vàng” là chỉ kiểm tra đại diện tỉ lệ lô hàng để tuồn hàng nhập lậu vào, sau đó hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng hợp pháp. Hàng nhập từ các tỉnh, thành có đường biên giới chở vào thành phố phần lớn bằng xe tải, trộn lẫn với hàng hợp pháp, sử dụng chứng từ hợp pháp của lô hàng khác để vận chuyển. 

Chưa hết, các đối tượng buôn lậu còn tinh vi đến mức “ngụy trang” hành vi buôn lậu thông qua thủ đoạn mới là làm giả bộ chứng từ ngoại nhập khẩu, làm tờ khai giả, giả dấu nhân viên kiểm hóa hải quan đóng lên phiếu giao nhận container, con dấu của viên chức, cơ quan hải quan để đánh tráo số lượng lớn container hàng nhập lậu ra khỏi khu vực kiểm soát hải quan. Thủ đoạn hợp thức hàng lậu của các đối tượng cũng rất tinh vi, sau khi hàng hóa “made in China” vượt biên sang Lạng Sơn, các chủ hàng sẽ gắn đầy đủ nhãn mác “made in Việt Nam” có tên cơ sở sản xuất, phiếu bảo hành do một công ty nào đó của Việt Nam sản xuất. Sau đó, họ mua hóa đơn ở các cửa hàng kinh doanh hoặc doanh nghiệp, thế là thành hàng hợp pháp… 

Tập trung đấu tranh 

Đại diện của các cơ quan chức năng đều có chung một nhận định rằng: Tình hình buôn bán hàng lậu năm nay - dù trong những tháng cao điểm này để chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho người dân dịp cuối năm 2014, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2015 - có giảm rõ rệt. Bởi theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389), các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn hàng lậu từ các cửa ngõ biên giới; lập chốt chặn 24/24h tại các điểm nóng vào các tháng cao điểm dịp cuối năm. 

Trong nội địa, ngay từ ngày 15-7-2014, Công an TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, các lực lượng chức năng của Công an TP Hà Nội đã liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ nhiều lô hàng lậu từ các tỉnh “chạy” về Thủ đô. Điển hình như ngày 20-11, Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 2 xe tải chở hơn 20 tấn hàng lậu từ Quảng Ninh về Hà Nội gồm 217 bao, kiện hàng có trọng lượng là 8 tấn do nước ngoài sản xuất gồm hơn 15.000 sản phẩm quần áo các loại, 14.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em, 470 thiết bị vệ sinh, 1.540 sản phẩm giầy, thắt lưng; 5 chiếc xe đạp thể thao và trên 2.000 sản phẩm gia dụng các loại. Trước đó, ngày 16-11, Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cũng phát hiện 1 xe tải vận chuyển 238 bao tải trọng lượng hơn 9 tấn hàng gồm hơn 24.000 giày dép các loại, 633 sản phẩm gia dụng, 200 sản phẩm đồ chơi trẻ em, 800 sản phẩm quần áo các loại... 

Theo chỉ huy Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Hà Nội cho biết, tại địa bàn chợ Đồng Xuân, từ ngày 15-7 đến 15-10 đã phát hiện, khám phá 25 vụ, 29 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; hàng hóa thu giữ trị giá trên 6 tỷ đồng. Tại địa bàn chợ Ninh Hiệp cùng thời điểm đã phát hiện, khám phá 32 vụ, 45 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; hàng hóa thu giữ trị giá 12 tỷ đồng. Nổi bật ngày 16-7 thu giữ lô hàng may mặc, đồ dùng học sinh, đồ gia dụng được chuyển qua biên giới; ngày 24-7, kiểm tra phát hiện lô hàng thực phẩm chức năng của Công ty CP EULAB HOLDDING ở quận Cầu Giấy có số lượng hàng hóa không khớp với số lượng đã kê khai tại hải quan điện tử nhập khẩu; ngày 2-8, kiểm tra kho tập kết hàng hóa chợ Ninh Hiệp phát hiện đối tượng Nguyễn Xuân Thắng (SN 1977), ở xóm 5, xã Ninh Hiệp vận chuyển 4.130m vải do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ; ngày 3-10, bắt vụ vẩn chuyển hàng cấm lô hàng 2.440 bao thuốc lá ngoại…

Được sự chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an TP Hà Nội, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội đã “đánh” mạnh, tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố. Chỉ trong 3 tháng (từ 15-7 đến 15-10) và tiếp tục được mở rộng kéo dài đến Tết Nguyên đán 2015, các đơn vị thuộc Công an TP Hà Nội đã phát hiện, điều tra, khám phá 422 vụ, 453 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; trong đó buôn lậu và vận chuyển hàng hóa nhập lậu chiếm tới 277 vụ, 301 đối tượng… 

Ngày 26-11, có mặt tại Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đúng thời điểm đơn vị này thu giữ lượng lớn phụ tùng xe đạp điện, xe máy nhập lậu với số lượng lớn, trị giá gần 500 triệu đồng. Địa điểm thu giữ là điểm tập kết hàng hóa tại ngách 528/82 đường Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội. Theo Đội quản lý thị trường số 1 cho biết thời điểm này đang là cuối năm, gia tăng tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng lậu trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các điểm tập kết hàng hóa, các tuyến vận chuyển từ phía Bắc về Hà Nội nhằm lành mạnh hóa thị trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Bình, Phó Đội trưởng Đội Chống buôn lậu và gian lận thương mại (Đội 1), Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết theo kết quả kiểm tra xử lý từ ngày 20-12-2013 đến hết ngày 20-11-2014, tổng số vụ kiểm tra là 254 vụ. Năm 2014 phát hiện được một số vụ việc buôn lậu lớn nhưng không nhiều bằng năm trước. Sự hiệu quả của Ban chỉ đạo 389 từ Trung ương đến thành phố rất cao, thực hiện việc chống buôn lậu ngay tại cửa khẩu, biên giới nên tình hình trong nội địa có phần hạ nhiệt. Theo đánh giá của ông Bình, phương thức thủ đoạn tuồn hàng lậu vào nội địa không có nhiều thay đổi, vẫn là các phương tiện ôtô vận tải, tàu hỏa, hoặc kê khai một phần, nhập nhiều hơn, xe quá tải, kiểm hóa qua xác xuất, nhưng giờ siết chặt xe quá tải trọng nên giảm đi rất nhiều. Hàng lậu vẫn tập trung chính vào các mặt hàng thiết yếu với người tiêu dùng như điện tử viễn thông, quần áo, thuốc lá, rượu… 

Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu…

Sẽ “đánh mạnh” các đường dây buôn lậu

Theo nhận định, tình hình những tháng cuối năm 2014 còn nhiều khó khăn, thách thức, nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán; Công an TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch 194/KH-CAHN tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố. Trong đó tập trung đấu tranh với các đối tượng hoạt động có tổ chức, các đường dây vận chuyển, buôn bán hàng lậu… các cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa kinh doanh hàng xuất nhập khẩu để gian lận thương mại, lập chi nhánh, đại diện ở các tỉnh biên giới để tập kết, vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu vào nội địa; các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, bưu chính viễn thông vận chuyển hàng lậu cho các chủ đầu nậu; các đối tượng hoạt động trong các tổ chức, đường dây vận chuyển, buôn bán hàng hóa nước ngoài sản xuất có nguồn gốc nhập lậu phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh mứt kẹo, bột ngọt… tại các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối… 

Thời điểm này, các đối tượng buôn lậu đang bằng mọi cách “chạy nước rút” để đưa hàng lậu vào nội địa. Hàng lậu tồn tại được hay không, phụ thuộc cả vào hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa, vào quyết tâm và sự nghiêm túc của lực lượng thực thi trách nhiệm. Các tuyến, địa bàn “nóng” hàng lậu cần tập trung đấu tranh đã được điểm diện, mọi lực lượng chức năng, trong đó có Công an TP Hà Nội đã tập trung lực lượng để thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong, sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 để xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại với quyết tâm “quét” hàng lậu.