Điều chỉnh giờ học, giờ làm ở Hà Nội:

“Lệch pha” vẫn ùn tắc

ANTĐ - Sau khi đăng tải thông tin về đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm tại Hà Nội để hạn chế ùn tắc giao thông của Bộ GT-VT, Báo An ninh Thủ đô đã nhận được rất nhiều phản hồi từ độc giả cũng như các chuyên gia, cơ quan quản lý liên quan. Trong đó, phần lớn góp ý về những bất hợp lý của đề xuất này.

Hà Nội có rất nhiều hộ gia đình phải đưa đón con đi học


Không để ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân

Xung quanh vấn đề điều chỉnh giờ học, giờ làm ở Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, Bộ GT-VT cần nhìn vào bài học của TP Hồ Chí Minh. TP này đề xuất đổi giờ làm từ năm 2003, trải qua 5 năm xin ý kiến góp ý khắp nơi, đến năm 2008 mới thực hiện. Cuối cùng, kết quả không giảm ùn tắc được bao nhiêu thậm chí còn gia tăng thêm. Từ năm 2008, Hà Nội cũng từng có đề xuất đổi giờ làm việc nhưng HĐND TP đã bác nên không thể thực hiện.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng nói “đổi giờ làm việc sẽ tác động đến một số bộ phận người dân” là chưa đủ. Theo ông: “Tôi cho đây là sai lầm và Bộ GT-VT cần có cái nhìn tổng thể. Thực tế, dân số già chỉ chiếm 9% tổng dân số Thủ đô, còn lại là dân số trẻ đang tuổi học tập và làm việc (bao gồm cơ quan Trung ương và Hà Nội). Các hộ gia đình trẻ phải thường xuyên đưa đón con đi học chiếm tỷ lệ rất lớn. Hệ thống trường học Hà Nội phân bố không đều cả về vị trí và chất lượng khiến hầu hết gia đình phải đưa con đi học. Nay điều chỉnh giờ làm việc của bố mẹ và con cái đi học quá lệch nhau sẽ tạo thêm áp lực cho giao thông...” - ông Đào Ngọc Nghiêm thẳng thắn. Để “đấu” với ùn tắc giao thông có thể chọn các khâu đột phá nhưng dù thế nào cũng không được tác động lớn đến sinh hoạt đời sống nhân dân, đến phát triển kinh tế. Đừng quẳng gánh nặng cho dân hay biến dân thành con tốt giơ đầu chịu báng cho những thử nghiệm thiếu tính toán.


Đâu phải 1,5 triệu học sinh đều “ở phố”

Cũng liên quan tới đề xuất điều chỉnh giờ học, giờ làm, ông Nguyễn Hiệp Thống - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT cho biết: “Đó mới chỉ là dự kiến của Bộ GTVT, hiện nay chúng tôi chưa nhận được một văn bản chỉ đạo nào của Bộ GD-ĐT và của UBND TP về vấn đề đổi giờ cụ thể như thế nào...”.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, trên thực thế, giờ học của các bậc học ở Hà Nội cũng khác nhau. Đại diện Sở GD-ĐT phân tích, hiện nay, nếu nhìn về quy mô thì toàn thành phố có hơn 350 nghìn học sinh mầm non; tiểu học có gần 500.000 và bậc THCS cũng có trên 320 nghìn, bậc THPT là trên 220 nghìn học sinh. Rõ ràng đó là một con số rất lớn, nhưng phải lưu ý, không phải gần 1,5 triệu học sinh này hàng ngày đổ hết về các tuyến phố chính để gây ra tắc đường kẹt xe mà chia đều ra ở địa bàn 29 quận, huyện, thị xã.

Do đó để có thể đưa ra quyết định chính xác, phù hợp, các chuyên gia nên khảo sát về số lượng học sinh hàng ngày phải tham gia giao thông trên các tuyến đường đã góp phần tạo nên tình trạng ùn tắc giao thông? Bao nhiêu em phải có cha mẹ đưa đón… Ông Nguyễn Hiệp Thống nói: “Những gia đình có con đi học trái tuyến, trái quận mới phải thường xuyên tham gia giao thông trên các trục chính, còn đa số học sinh nội thành đúng tuyến, trường học ở gần nhà thì không phải là nhân tố chính gây ra việc tắc đường. Những học sinh thuộc các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa lại càng không thể làm ùn tắc giao thông ở nội thành Hà Nội...”. Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT cho rằng, “vẫn còn nhiều băn khoăn” khi nói tới tính hiệu quả của đề xuất này. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ xuất hiện vào giờ đi học mà còn diễn ra ở nhiều thời điểm khác trong ngày. Ông nói: “Ngay cả khi học sinh được nghỉ mấy tháng hè, tắc đường vẫn thường xuyên xảy ra...”.

Học sinh Ba Vì không thể gây ùn tắc ở trung tâm!

Một số bạn đọc cho ý kiến, sẽ bất hợp lý nếu chỉ thay đổi giờ làm của khối công chức trên địa bàn Hà Nội, trong khi hệ thống các cơ quan, chi nhánh Trung ương có mặt trên khắp toàn quốc. Rõ ràng, việc quy định lệch giờ làm của cùng một hệ thống cơ quan nhưng ở các khu vực khác nhau sẽ ảnh hưởng lớn đến giao dịch trong nước cũng như quốc tế. Chẳng hạn, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán ở Hà Nội 9h sáng mới chính thức hoạt động trong khi các ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán ở TP Hồ Chí Minh... đã làm việc từ 8h30 sáng, vậy cơ quan Nhà nước sẽ giám sát ra sao? Một số bạn đọc thắc mắc: “Thay đổi giờ học có thể triển khai với một số quận nội thành thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông nhưng không cần thiết với các huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh hay thậm chí Thanh Trì... những nơi hiếm khi xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Do đó, phải phân khu, phân tuyến rõ ràng chứ không thể áp đặt chung một kiểu cho toàn bộ học sinh Hà Nội...”.