Lebanon lo gỡ rối sau phát ngôn nhạy cảm của Quyền Ngoại trưởng Charbel Wehbe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Charbel Wehbe - Quyền Ngoại trưởng Lebanon hôm 19-5 đã tuyên bố từ chức sau khi bình luận trong một cuộc phỏng vấn truyền hình khiến thổi bùng lên căng thẳng với các nhà tài trợ và đồng minh Ảrập vùng Vịnh. Hiện, ghế Ngoại trưởng Lebanon đang được Bộ trưởng Quốc phòng Zeina Akar tạm thời tiếp quản.
Ngoại trưởng tạm quyền ở Lebanon đã phải từ chức sau cuộc phỏng vấn gây sốc

Ngoại trưởng tạm quyền ở Lebanon đã phải từ chức sau cuộc phỏng vấn gây sốc

Sự việc khởi đầu từ cuộc phỏng vấn của Ngoại trưởng tạm quyền Charbel Wehbe trên truyền hình Al-Hurra hôm 17-5. Trong đó, ông Charbel đã đưa ra những nhận xét gay gắt về các nước vùng Vịnh cũng như quy trách nhiệm cho các nước này về sự hoành hành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Lebanon cũng như các quốc gia láng giềng. Ông Charbel Wehbe sau đó đã lên tiếng xin lỗi vì phát ngôn của mình, khẳng định “không có ý xúc phạm các nước Arập anh em”. “Để những gì tôi đã nói không bị lợi dụng nhằm làm tổn hại đến Lebanon, tôi đã gặp Tổng thống và đề nghị được miễn nhiệm chức Ngoại trưởng của mình” - ông Wehbi nói.

Phát ngôn nhạy cảm

Tờ Bloomberg phân tích rằng, bình luận của Quyền Ngoại trưởng Lebanon đã đe dọa những nỗ lực của Lebanon nhằm cải thiện mối quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh theo dòng Hồi giáo Sunni trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ đã từng là “Mạnh Thường Quân” về tài chính của Lebanon. Saudi Arabia thậm chí còn làm trung gian dẫn đến thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến 1975-1990 của Lebanon, nhưng mối quan hệ đôi bên ngày càng trở nên căng thẳng do ảnh hưởng ngày càng tăng của Hezbollah - một nhóm người Lebanon được Iran hậu thuẫn.

“Những bình luận của Ngoại trưởng tạm quyền là sự liều lĩnh trong chính sách đối ngoại mà Tổng thống và các đồng minh của ông đã áp dụng, phá hoại lợi ích của Lebanon với các quốc gia Ảrập. Như thể đất nước đang chìm vào khủng hoảng và sự tẩy chay mà nó đang phải gánh chịu là chưa đủ”.

Ông Saad Hariri - Thủ tướng Lebanon

Hiện nay, Lebanon đang rất cần sự trợ giúp từ bên ngoài để cải cách nền kinh tế. Vì thế, lời phát ngôn của ông Wehbe được cho là rất nhạy cảm, thậm chí dẫn đến hậu quả viện trợ tài chính sắp tới sẽ không còn. Hệ thống ngân hàng của Lebanon đã sụp đổ vào năm 2019. Chính phủ thiếu tiền mặt, trong khi đồng tiền giảm ít nhất 85% giá trị, gây ra siêu lạm phát và đẩy hơn 50% dân số vào cảnh đói nghèo. Vụ nổ lớn tại cảng Beirut vào tháng 8 năm ngoái đã khiến chính phủ cuối cùng phải từ chức và các chính trị gia vẫn đang tranh cãi về các cuộc bổ nhiệm mới. Những tuần gần đây, chính quyền Saudi Arabia cấm nhập khẩu trái cây và rau của Lebanon sau khi phát hiện một lượng lớn chất ma túy được giấu trong một lô hàng lựu. Lệnh cấm đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Lebanon vì đây là thị trường xuất khẩu lớn của Lebanon và là lối thoát cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn tài chính.

Các nước vùng Vịnh đòi xin lỗi chính thức

Phản ứng về sự việc, Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh Nayef Falah Mubarak al-Hajraf đã yêu cầu Ngoại trưởng tạm quyền Wehbe đưa ra lời xin lỗi chính thức tới các quốc gia thành viên vì những phát ngôn mang tính xúc phạm và không thể chấp nhận được. Tuyên bố nêu rõ: “Tổng Thư ký al-Hajraf phản đối và lên án những gì mà Ngoại trưởng tạm quyền Lebanon Charbel Wehbe đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, cũng như những phát ngôn xúc phạm nhằm vào các quốc gia thành viên và nhân dân của họ”.

Hàng loạt các quốc gia đã triệu Đại sứ Lebanon để trao công hàm phản đối. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho rằng, bình luận của ông Charbel Wehbe là “các hành vi vi phạm”. Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho rằng đây là hành động “không phù hợp với các chuẩn mực ngoại giao”. Phát biểu của Ngoại trưởng Lebanon cũng vấp phải phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, nhiều người còn đề nghị chính quyền Saudi Arabia trục xuất những người Lebanon đang làm việc tại vương quốc này, ước tính khoảng 350.000 người.

Chỉ 1 ngày sau khi cuộc phỏng vấn trên được báo chí đưa tin, Tổng thống Aoun cho rằng, những bình luận của ông Wehbe là phản ánh quan điểm cá nhân chứ không phải quan điểm chính thức của Beirut. Trong một tuyên bố, Phủ Tổng thống Lebanon khẳng định chiều sâu của mối quan hệ anh em giữa Beirut và các nước vùng Vịnh mà đứng đầu là Saudi Arabia.