Lễ tưởng niệm hơn 23.000 cuộc đời đã mất vì Covid: Ấm lòng người ra đi, yên lòng người ở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 diễn ra đặc biệt xúc động trong 1 giờ đồng hồ. Lễ tưởng niệm được tổ chức để ấm lòng người ra đi, và những người ở lại yên lòng, tiếp tục sống, tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn như sức sống muôn đời vẫn vậy của người Việt Nam.

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 diễn ra đồng thời tại TP.HCM và Hà Nội, vào tối ngày 19-11, phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam,

Tại điểm cầu Hội trường Thống Nhất TP.HCM, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM đã cùng dự lễ tưởng niệm: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam...

Tại điểm cầu thành phố Hà Nội có: Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài thắp hương tưởng niệm đồng bào tử vong do đại dịch Covid-19
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài thắp hương tưởng niệm đồng bào tử vong do đại dịch Covid-19

Lễ tưởng niệm được bắt đầu với một video ngắn, tái hiện nỗi đau của mỗi người dân Việt Nam đã trải qua trong đại dịch. Đặc biệt là với người dân TP HCM. Đó là trường hợp của em Nhật Hào và đứa em vừa sinh ra đã mồ côi cả cha và mẹ. Và nhiều em nhỏ khác bỗng chịu cảnh côi cút khi mất đi cha hoặc mẹ, hoặc cả hai chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Khi xem những hình ảnh này, nhiều người đã không thể cầm được nước mắt vì đau đớn và xót xa cho những phận người nhỏ bé trong cơn đại dịch.

Trưởng trạm y tế Trịnh Hữu Nhẫn đã hy sinh trong quá trình tham gia chống dịch. Trước khi đi, anh hứa sẽ sớm trở về để đoàn tụ bên gia đình. Nhưng lời hứa ấy đã không thể thực hiện được. Anh đã qua đời sau 2 tuần điều trị Covid. Vợ anh cho biết, chị cảm thấy đau đớn trước mất mát quá lớn nhưng cũng cảm thấy tự hào vì anh đã sống và hy sinh vì mọi người. Anh đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại TP HCM vào cuối tháng 5, nơi đây đã trở thành tâm dịch trong suốt nhiều tháng, cướp đi mạng sống của hàng chục nghìn người. Nhưng cũng ở thành phố phương Nam này đã chứng kiến các nghĩa cử cao đẹp nơi tâm dịch. Các tổ chống Covid đã là những lá chắn sống cho đồng bào mình với nhiệm vụ đảm bảo đời sống dân sinh. Những phần quà, các trang thiết bị đã được người dân ở trong và ngoài nước gửi tới cán bộ, chiến sĩ và người dân thành phố.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, TP HCM đã nhận được sự quan tâm và sẻ chia của các địa phương khác. Hàng nghìn bác sĩ giỏi, các chiến sĩ công an, quân đội của Hà Nội và các địa phương khác đã lên đường vào Nam.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung tay của người dân cả nước, TP HCM đang từng bước vượt qua khó khăn và bắt đầu các hoạt động sản xuất và khôi phục đời sống.

Nghi lễ cầu siêu diễn ra tại đầu cầu Hà Nội

Nghi lễ cầu siêu diễn ra tại đầu cầu Hà Nội

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, dịch bệnh đã lây lan cho hơn một triệu người, cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào.

“Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc ‘nhắm mắt xuôi tay’ không có người thân ở bên cạnh, không lời trăng trối. Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ, người ruột thịt. Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời”, ông Chiến xúc động nói.

Đại dịch khiến hàng nghìn người già yếu không nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ mất cha mẹ. Nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội.

“Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh”, ông Chiến nói.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kêu gọi đồng bào đề cao ý thức phòng chống dịch, không lơ là, chủ quan nhưng không hoang mang, hốt hoảng. “Nhất định đất nước ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục phát triển hơn nữa, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, ông nói.

Sau đó, tại đầu cầu TP HCM, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP.HCM lần lượt thực hiện nghi thức dâng hương, hoa tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch. Các đại biểu dự lễ cũng lần lượt dâng hương, hoa và nến tưởng niệm đồng bào.

Các nghi lễ cầu siêu là để sẻ chia nỗi mất mát với thân nhân những người qua đời do Covid-19 và cầu mong linh hồn những người đã mất sớm siêu thoát

Các nghi lễ cầu siêu là để sẻ chia nỗi mất mát với thân nhân những người qua đời do Covid-19 và cầu mong linh hồn những người đã mất sớm siêu thoát

Tại đầu cầu Hà Nội, Bí thư thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng thắp hương tưởng niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ đã mất vì Covid-19. Toàn thể đại biểu dành một phút để mặc niệm người đã qua đời vì dịch bệnh.

Trong giờ phút thiêng liêng đó, nhiều địa điểm tại Hà Nội và TP HCM đã thực hiện các nghi lễ cầu siêu. Các ngôi chùa đồng loạt thỉnh chuông, thả hoa đăng, các bến tàu đồng loạt kéo còi tàu rền vang, các ngôi nhà, phố phường tắt đèn... để tưởng nhớ các nạn nhận tử vong do đại dịch.

Nỗi đau mất đi người thân yêu không gì có thể bù đắp nhưng không vì thế mà gục ngã. Những người đang sống sẽ viết tiếp ước mơ của người đã mất. Toàn xã hội sẽ cùng chung tay giúp đỡ các em nhỏ mồ côi trong đại dịch, gửi gắm trong đó sự quan tâm với các em. TP HCM sau cơn đau thập tử nhất sinh đã vực dậy mạnh mẽ. Các nhà máy, xưởng sản xuất đã hoạt động hết công suất, bù lại những ngày đóng cửa.

Cuộc chiến với đại dịch còn dài lâu và đầy cam go. Để vực dậy đất nước sau cơn đại dịch, tinh thần đại đoàn kết dân tộc cần phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, để vượt qua khó khăn, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng. Đó là tinh thần Việt Nam, là sức sống Việt Nam.