"Lê la quà vặt" - bản đồ ẩm thực mới của Hà Nội

ANTD.VN - Lần đầu tiên 2 tập sách ẩm thực nói là ngộ nghĩnh cũng đúng, nói là nghiêm túc cũng chẳng sai của họa sĩ Đặng Hồng Quân và nhà văn Nguyễn Trương Quý được giới thiệu với độc giả dưới góc nhìn biếm họa.
  "Lê la quà vặt" -  bản đồ ẩm thực mới của Hà Nội ảnh 1
Họa sĩ, tác giả Đặng Hồng Quân

Sách về ẩm thực xưa nay nhiều, đa số là sách ảnh, công thức nấu nướng, bí quyết gia truyền. Lại cũng có một phần không nhỏ những cuốn sách là ký ức về quà sáng, quà chiều, rồi món của làng, của bà của chị… xen giữa những hoài niệm ăn uống là công thức nấu. Tưởng đã bão hòa, song “Lê la quà vặt” đã đem đến một luồng gió mới.

Trật tự kiểu… giao thông đường phố

Bản đồ ẩm thực mà Đặng Hồng Quân và Nguyễn Trương Quý mang đến cho độc giả ở cuốn “Lê la quà vặt” loanh quanh ở khu vực 4 quận nội thành cũ: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Thôi thì chẳng thiếu bất cứ một “món ăn vỉa hè” nào, hay nói đúng hơn, ngoài phố có món ăn gì thì sách có thứ đó.

Lật vài trang của cuốn sách, cách kể chuyện, những lời bình luận dí dỏm kiểu “Sát thủ đầu mưng mủ” đã hấp dẫn độc giả cho đến tận những trang cuối cùng. Không chỉn chu ngay ngắn trình bày lớp lang, cuốn sách duy trì một trật tự thông tin kiểu rất đường phố.

Đại khái, tôi hình dung thông tin mà cuốn sách ẩn chứa thiếu trật tự hệt như giao thông ngoài phố vậy. Song, dù có chen lấn, dù có còi to cho vượt, hay tắc đường cả cây số thì ai rồi cũng về được nhà của mình. Dù bún bung có bà bán bún chao chát, chửi khách lem lẻm, khách cũng dăm bảy thành phần, người chả chấp, người chao chát nói lại một hồi, người phẫn nộ thề từ giờ không quay lại thì hôm sau hàng bún không vì thế mà đóng cửa. Hà Nội thật lạ phải không?

Trước khi “Lê la quà vặt” ra đời, tôi chưa từng gặp Đặng Hồng Quân, chỉ biết đó là một họa sĩ vẽ bìa cho dăm cuốn sách mà tôi từng đọc và yêu thích như “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất” hay “Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử”... Đọc sách Quân viết, xem tranh Quân vẽ, tôi cứ hình dung đây phải là một chàng trai “ăn quà như mỏ khoét”. Hỏi Quân có đúng không, Quân cười xác nhận! 

Viết được một cuốn sách, vẽ được thần thái thực khách ngồi ghế nhựa trên vỉa hè, sát mép cống, mướt mải mồ hôi sì sụp húp, vẽ được cả cái vẻ mặt nói chung là rất “khó tả” của dăm bà bán hàng kênh kiệu nơi phố cổ cho gom đủ những “sắc thái thời tiết”… đúng là chẳng đơn giản gì. Ấy thế mà Quân gom lại đủ cả.

"Lê la quà vặt" -  bản đồ ẩm thực mới của Hà Nội ảnh 2

Quà vặt ở phố đừng phôi pha

Đặng Hồng Quân kể, 8 năm trước anh đã ấp ủ ý tưởng viết một cuốn ẩm thực bằng tranh nhưng đó chỉ đơn giản là ý nghĩ thôi, chứ cũng không biết bao giờ mới thành hiện thực. Ở đâu có món gì ngon ngon là phải đến ăn bằng được. Rồi lưu lại ký ức ẩm thực đó bằng những bức tranh, đại khái như một dạng viết nhật ký vậy.

Rồi một ngày tình cờ, những dòng nhật ký ẩm thực đó đến được tay “bà đỡ” Nguyễn Trương Quý, với con mắt của một nhà văn, một người đã có gia tài kha khá là những tác phẩm viết về Hà Nội như “Ăn phở rất khó thấy ngon”, “Hà Nội là Hà Nội”, “Xe máy tiếu ngạo” hay “Còn ai hát về Hà Nội”…, Trương Quý hiểu được giá trị cần phải phổ biến của cuốn sách này. Vậy là sách ra đời. Thú vị và ngộ nghĩnh. Nhẹ nhàng mà hấp dẫn.

Mỗi món ăn là một khung cảnh vui tươi, rộn ràng, đầy mê say náo nhiệt, với đủ hình vẽ cực “cute” và mách nhỏ cực “dị” - khiến bạn đọc phải bước chân ra phố thưởng thức cho bằng được. Những bức tranh được vẽ với một niềm say mê đặc biệt, không chỉ về món ăn bao chứa nó là không gian của Hà Nội.

Đặc biệt, ở mỗi món ăn, tác giả sẽ giới thiệu luôn cả địa chỉ một số hàng quà, tất nhiên, đó phải là những hàng quà mà tác giả ưng ý, ăn thấy vừa miệng. Còn với độc giả đọc sách xong, tin hay không thì… phải thử. Hãy ra phố và chọn cho mình một hàng quà vặt nào đó để kiểm chứng thông tin. 

"Lê la quà vặt" -  bản đồ ẩm thực mới của Hà Nội ảnh 3

Đặng Hồng Quân bảo, cuốn sách ra đời không chỉ thỏa mãn niềm say mê với ẩm thực của tác giả, mà còn như một cách lưu giữ truyền thống ẩm thực Hà Nội, dùng ngôn ngữ của những người trẻ, và dành cho thế hệ trẻ.

Còn tôi, sau khi đọc “Lê la quà vặt” và “Ăn quà xuyên Việt” thì tự thân có suy nghĩ rằng, 2 cuốn sách như món cháo sườn Ngõ Huyện mà Quân viết và vẽ: “Đáng lý ra món này phù hợp nhất với hai loại người là người chưa mọc răng và người rụng răng, nhưng giờ đây toàn dân ăn”. Người có tuổi đọc “Lê la quà vặt” chắc cũng sẽ tìm thấy tuổi thơ của mình bỏ quên từ năm nảo năm nào nơi góc phố, rồi bồi hồi nhớ lại thời thanh xuân đã qua. Trẻ con đọc thì háo hức say mê khám phá. Đại loại thế!