Lễ khai ấn đền Trần 2012: Mới chỉ thành công một nửa

ANTĐ - Sau nhiều năm vượt tầm kiểm soát của Ban tổ chức, gây nhiều dư luận bức xúc, lần đầu tiên, đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định tiến hành phát ấn thành công theo phương thức mới.

Đã có cả vạn người đổ về đền Trần trong ngày 14 tháng Giêng

Tha hồ chặt chém

Mỗi năm một lần đền Trần mở hội một lần. Đây cũng là mùa làm ăn của các loại hình dịch vụ xung quanh đền. Đầu tiên phải kể đến dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ. Bình thường giá phòng tại khu vực này chỉ dao động khoảng 100 nghìn cho tới 500 nghìn đồng/phòng. Nhưng trong đêm 14 tháng Giêng, giá bị đội lên mức chóng mặt. Nhà nghỉ bình dân trước lễ hội chỉ khoảng 100 nghìn đồng/phòng nay được cho thuê với giá 700 nghìn đồng/phòng. Các loại hình khách sạn cao cấp hơn, giá đội lên đến 2 triệu, 2,5 triệu đồng/phòng. Giá trông xe ô tô cũng đắt khủng khiếp. 1 xe 4 chỗ có giá dao động từ 150 nghìn đến 400 nghìn đồng, tùy theo thời gian gửi.

Do thực hiện các phương án phân luồng từ xa, nên từ bãi gửi xe, du khách phải đi bộ chừng vài cây số mới đến được cửa đền. Vì thế, đây cũng là dịp làm ăn của cánh “xe ôm”. Mỗi “cuốc” vào đền chừng 30 nghìn đến 40 nghìn đồng. Lạ ở chỗ, khách bị chặn từ xa, nhưng cánh “xe ôm” cứ thế mà vít ga, vít số. chạy một mạch. Cánh “xe ôm” ở đây cũng không quên tiếp thị khách mua ấn. Giá một bộ ấn được mời chào với giá 150 nghìn đồng/bộ, gồm 4 lá ấn bằng vải, 1 lá được “khuyến cáo” treo trong xe ô tô. 1 để ở bàn thờ, 2 lá ấn nhỏ còn lại thì để trong ví.

Trong khi ở bên ngoài các dịch vụ mời chào mua ấn rôm rả, bên trong nhà đền bắc loa, kêu gọi người dân không nên mua bán ấn giả. Những người có thời gian và điều kiện thì thuê phòng nghỉ hay vạ vật quán xá gần đó đợi sáng hôm sau vào đền xếp hàng chờ lĩnh ấn. Còn người không chờ được thì đành mua ấn, chứ chả nhẽ lại về tay không. Cậu “xe ôm” chở tôi từ bãi gửi xe vào phủ bảo: “Chị cần bao nhiêu bộ ấn thì để em gọi điện, đặt hàng trước mới có, kiếm được cái này không phải dễ, như đi buôn pháo, “hàng quốc cấm” đấy”. Khi chúng tôi hỏi tên, cậu “xe ôm” xem chừng cảnh giác gạt đi: “Chị với em mua bán xong thì thôi, hỏi tên làm gì, không cần thiết!”.


Lực lượng an ninh lên đến 3.000 người

 Một vài sự cố đáng tiếc đã xảy ra lúc nửa đêm, khi nhiều người chen vào rút hoa, rút vàng hương ngay trên kiệu thánh và ban thờ ngoài sân đền mang về nhà “lấy lộc”. Ngay lập tức, các lực lượng an ninh đã nhanh chóng giải tỏa. Trước khi Lễ hội đền Trần chính thức bắt đầu, trước đó đến cả tháng ròng, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã thông báo về hình thức phát ấn mới. Thay vì phát ấn lúc nửa đêm, Ban Tổ chức cho phát ấn vào lúc 7h sáng hôm sau và duy trì việc phát ấn cho khách đến hết tháng Giêng. Anh Phạm Đăng Đức (Hải Hậu - Nam Định) cho biết, anh đưa vợ con về để lễ thánh, cầu mong anh linh Đức thánh Trần che chở, phù hộ cho gia đạo bình an. Đây là năm thứ 3, anh có mặt ở đền Trần trong thời khắc linh thiêng này. Khi được nghe thông báo, nhà đền sẽ không phát ấn vào đêm 14 anh Phạm Đăng Đức vẫn hy vọng nhà đền vẫn phát ấn, dù muộn. Khác với anh Phạm Đăng Đức, có nhiều người đã biết thông tin về việc ấn sẽ chỉ được phát vào 7h sáng ngày rằm, nhưng trong buổi chiều 14 đã có cả vạn người về đây hành lễ.

Lượng người kéo đến đông, khiến cho lực lượng an ninh dù quân số huy động giữ gìn an ninh trật tự lên tới gần 3.000 người vẫn rất vất vả. Lực lượng này được bố trí thành 5 vòng, với tổng cộng 38 chốt bảo vệ. Ngoài ra, còn cho dựng 5 lều bạt y tế và huy động 5 xe cứu thương tập kết tại các vị trí thuận tiện để tổ chức cấp cứu người bị tai nạn hoặc gặp phải vấn đề về sức khỏe. Bên cạnh đó là 2 bãi giữ xe với sức chứa khoảng 3.000 ô tô tại địa điểm thuộc dự án công viên văn hóa Trần.

Trái với tưởng tượng của nhiều người về một màn phát ấn chen lấn xô đẩy thì năm nay, màn phát ấn lại diễn ra khá êm đẹp. Cả nghìn người đã có mặt tại đền từ sáng sớm. Họ kiên nhẫn xếp hàng và chờ đến lượt lĩnh ấn trong trật tự. Dù có quy định, mỗi người chỉ được nhận không quá 2 lá ấn, nhưng có rất nhiều người khi đi ra với cả xấp ấn trong tay. Trước đó, BTC công bố, sẽ phát không các bản ấn, còn du khách có công đức hay không và công đức như thế nào là “tùy tâm”, song như mọi năm, BTC vẫn bố trí các hòm công đức trước mỗi bàn phát ấn. Du khách thả tiền vào hòm công đức, nhà đền phát ấn ước chừng theo số tiền vừa cung tiến.

Còn nhiều điều trăn trở

Vài chục nghìn người đổ về đền Trần trong một đêm, đứng chôn chân trong cái lạnh cắt da cắt thịt, mưa rơi, càng về khuya càng nặng hạt. Với nhiều người, đến với đền Trần là lòng thành, đơn giản là họ chỉ muốn được chìm trong không gian ngay trong thời khắc linh thiêng nhất của một năm. Chỉ đơn giản thế, nhưng với nhiều người họ lại có mục đích khác… Từ trước đến nay, các lễ hội vẫn diễn ra trong bình yên, đâu có xô bồ như bây giờ. Giờ tiền lẻ rải khắp trong ngoài đền. Tượng Vua Trần ngồi trên ngai uy nghiêm là thế, nhưng cũng bị đám con cháu dúi tiền, gài tiền vào tay, rồi thì lấy tiền lẻ chà vào thân, vào tay tượng… để lấy lộc.

 Lễ hội xưa nay là của cộng đồng, được hình thành bởi cộng đồng, người dân là chủ thể. Nhưng có mấy người dân được vào chứng kiến những nghi lễ linh thiêng như lễ Khai ấn đền Trần kia. Có thẻ đỏ cũng phải chen toát mồ hôi hột. Thẻ xanh đi nữa cũng chỉ vượt qua 2 vòng kiểm soát. Đến vòng thứ 3 thì “bó tay”. GS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, cơ quan đề xuất kịch bản cho mùa hội năm nay thẳng thắn đánh giá, Lễ hội diễn ra theo đúng kịch bản, nhưng mới chỉ thành công 50% bởi còn có quá nhiều điều đáng tiếc, cần rút kinh nghiệm. Ông Bền mong muốn, mùa hội năm sau, chủ thể sáng tạo lễ hội - người dân sẽ được tham gia vào các màn nghi lễ nhiều hơn. Dự kiến, Viện sẽ tiếp tục đề xuất mùa hội sau, một màn hình LED khổng lồ sẽ được “câu” ra ngoài để cả vạn người dân nếu không vào được cũng sẽ được chứng kiến nghi lễ truyền thống trên. Còn ông Đỗ Thanh Xuân - Giám đốc Sở    VH-TT&DL Nam Định cho biết, năm nay do không chuẩn bị kịp, giấy in ấn chưa đạt chất lượng, từ năm sau trở đi, ấn sẽ được đóng trên giấy dó.