Lễ hội văn hóa đường phố "Hà Nội điểm đến xanh"

ANTD.VN - Với sự góp mặt của 3.000 nghệ sĩ, diễn viên, Lễ hội văn hóa đường phố “Hà Nội điểm đến xanh” đã chính thức khai mạc vào tối ngày 27-6 tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội trong không khí tưng từng, rộn rã. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình quảng bá điểm đến văn hóa- du lịch Hà Nội năm 2020, do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo; Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức.

Lễ hội dân gian đường phố “Hà Nội điểm đến xanh”  là dịp để quảng bá và khẳng định hình ảnh "Hà Nội điểm đến thân thiện, an toàn, chất lượng và hấp dẫn", để người dân Hà Nội thêm một lần tự hào và đề cao trách nhiệm gìn giữ nét văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội.

Đồng thời, lễ hội còn là một hoạt động chào mừng sự thành công của Thủ đô trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid- 19, đại dịch ảnh hưởng lớn đến các nước trên toàn thế giới.

Sau phần lễ ngắn gọn và giàu cảm xúc với màn múa lân sôi động, các tình khúc sâu lắng về Thủ đô như Hà Nội 12 mùa hoa, Hà Nội của tôi... màn biểu diễn được mong đợi nhất của Lễ hội văn hóa đường phố “Hà Nội điểm đến xanh” đã được bắt đầu. Đó là màn diễu hành của các khối biểu diễn trên đường phố xung quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm.

Khối diễu hành tuyến đầu chống dịch Covid-19 với sự góp mặt của các "chiến sĩ áo trắng"

Lúc này, tại phố đi bộ Hồ Gươm đông nghịt người. Cùng với tiếng trống rộn ràng, khối tuyến đầu chống dịch Covid-19 gồm các lực lượng như quân đội, công an, đội ngũ y bác sĩ, cựu chiến binh, dân phòng… đã mở đầu màn diễu hành.  Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy cơ lây nhiễm, “những chiến sĩ áo trắng” cùng các lực lượng nòng cốt, xung kích trên tuyến đầu, đã góp phần vào thành công của đất nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Các điệu múa dân gian đặc sắc của Hà Nội

Trong sắc phục đặc trưng của từng lực lượng, khối diễu hành đầu tiên đã nhận được sự chào đón trong những tràng pháo tay giòn giã của người dân Thủ đô như một sự ghi nhận và cảm ơn những người lính kiên cường và dũng cảm. 

Tiếp sau khối tuyến đầu chống dịch là khối dân gian với các màn múa rồng, múa cờ hội, múa chũm chọe, múa sênh tiền… có sự góp mặt của các diễn viên đến từ Đội múa huyện Thường Tín Đan Phượng- Ứng Hòa, Nhà hát Chèo Thái Bình, Nhà hát Chèo Hà Nội. Các điệu múa duyên dáng, đậm đà bản sắc cùng âm nhạc đặc sắc và quyến rũ đã làm cả phố đi bộ xao động.

Đám cưới Hà Nội đầu thế kỷ XX được tái hiện với màn biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội

Tiếp sau khối dân gian là khối nghệ sĩ với màn diễu hành của Nhà hát Kịch Hà Nội tái hiện đám cưới Hà Nội đầu thế kỷ XX. Màn biểu diễn đặc biệt thu hút sự chú ý của du khách bởi sự xuất hiện của các các nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Trung Hiếu, NSND Thu Hà, NSND Công Lý, diễn viên Quỳnh "kool", Trí Nhân... Nhiều người hâm mộ đã có mặt từ sớm để chụp ảnh cùng các nghệ sĩ mà họ yêu mến.

Trên những chiếc xích lô, NSƯT Quang Thắng và nghệ sĩ Bích Ngọc đã vào vai ông bà của chú rể. NSƯT Quang Thắng chia sẻ, hôm nay thời tiết rất nóng nhưng trong không khí náo nhiệt như thế này làm anh quên hết mệt mỏi. Danh hài Quang Thắng cho biết thêm, từ lâu các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội đã được phục vụ khán giả Thủ đô nhưng hôm nay càng đặc biệt hơn bởi sau những ngày ảm đảm do cách ly toàn xã hội, các nghệ sĩ đã được xuống đường và hòa mình trong không khí của ngày hội. Anh hy vọng, cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường như trước khi có dịch bệnh hoành hành.

Các nghệ sĩ xiếc góp mặt trong lễ hội

NSND Thu Hà và NSND Trung Hiếu đã nhận được nhiều lời khen ngợi của du khách khi cho rằng, đây là cặp đôi đẹp nhất của đêm trình diễn khi sánh đôi và vào vai bố mẹ của chú rể. NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ, các nghệ sĩ của nhà hát đều cảm thấy rất vui khi được góp mặt trong ngày hội.

"Hôm nay, từ các nghệ sĩ nổi tiếng cho tới các nghệ sĩ trẻ tài năng đều có mặt. Chúng tôi mong rằng, sau lễ hội, Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ tiếp tục được phục vụ khán giả ở các sự kiện tiếp theo. Các nghệ sĩ của nhà hát rất nhớ khán giả sau những ngày "đóng cửa", NSND Trung Hiếu nói.

Sau khối nghệ sĩ, du khách đã lắng lại cùng hình ảnh các thiếu nữ bên chiếc xe hoa. Bởi Hà Nội dẫu có đổi thay thì vẫn là mảnh đất của hoa, của thú chơi hoa tao nhã. Hình ảnh ấy gợi nhớ những hồi ức về một Hà Nội xưa với những vòng xe quay đều, chầm chậm chở những sắc hoa đến khắp phố phường.

Khối thanh thiếu niên diễu hành trên phố đi bộ Hồ Gươm

Tiếp sau đó là khối làng nghề, khối người cao tuổi, khối thể thao, thanh thiếu niên Thủ đô, nghệ thuật đương đại và cuối cùng là khối quần chúng có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ xiếc, người mẫu trình diễn áo dài, vận động viên wushu, vũ đoàn EMI...

Qua các màn trình diễn, những nét văn hóa đặc sắc, được gìn giữ và bảo tồn qua nhiều thế hệ người Hà Nội và làm nên một Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội nghìn năm văn hiến đã có dịp giới thiệu và quảng bá tới du khách.

Lễ hội đã một lần nữa khẳng định Hà Nội là điểm đến xanh, thực sự là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Đây luôn là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế, bởi nơi đây là điểm đến an toàn, thân thiện với môi trường, giàu bản sắc văn hóa. Đây cũng là bước tạo đà để du lịch Thủ đô phát triển lên một tầm cao mới.