Lễ hội văn hóa dân gian Hà Nội: Nhen lên tình yêu với truyền thống dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Dù giảm quy mô do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại lần thứ 2 - năm 2020 vẫn là sự kiện hội tụ nhiều loại hình di sản độc đáo của Thủ đô nhất từ đầu năm đến nay, để góp tiếng nói chung vào công tác bảo tồn văn hóa.

Đầu năm 2020, Hà Nội dự kiến tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, vừa mang tính giao lưu với quốc tế, vừa để bảo tồn phát huy giá trị di sản như: Lễ hội ẩm thực Hà Nội, Lễ hội hoa Anh đào, hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert bên Hồ Gươm… nhưng đều không lỡ hẹn với khán giả do dịch bệnh.

Với những nỗ lực trong công tác phòng dịch và đảm bảo an toàn cho du khách, Liên hoan văn hóa dân gian trong đời sống đương đại đã được diễn ra và là điểm đến của người dân Hà Nội vào dịp cuối tuần. Lượng du khách đổ về phố đi bộ Hồ Gươm lên tới cả chục nghìn lượt đã chứng minh cho sức hút của một sự kiện văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Du khách với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp đã cùng hòa vào không khí của ngày hội và có thêm những hiểu biết về lịch sử làng nghề, về sự khéo léo của đôi bàn tay nghệ nhân và những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn truyền thống làng nghề cho thế hệ mai sau.

Một bạn trẻ đang chăm chú xem tiểu cảnh về lịch sử Hà Nội do các nghệ nhân làng nghề tò he Xuân La thực hiện

Một bạn trẻ đang chăm chú xem tiểu cảnh về lịch sử Hà Nội do các nghệ nhân làng nghề tò he Xuân La thực hiện

Đặc biệt, với sự tham gia của nhiều nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, các nghệ sĩ nhân dân, các ca nương... sự kiện đã có đêm trình diễn rất thành công trong không gian thiêng của Hồ Gươm và nhận được sự tán dương nhiệt tình của khán giả. Tại đây, người xem đã được thưởng thức các làn điệu ca trù, hát ví, hát dô (huyện Quốc Oai), hát chèo tàu (huyện Đan Phượng), hát trống quân (huyện Phúc Thọ), hát xẩm, múa rối cạn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức), múa cồng chiêng của người Mường (huyện Thạch Thất)…Qua đó nâng cao đời sống tinh thần, đồng thời hướng tới việc bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hoá truyền thống của Hà Nội nói riêng, của cả dân tộc nói chung.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (đơn vị được UBND TP giao chủ trì, phối hợp tổ chức sự kiện) cho biết, tinh thần của lễ hội là dựa trên các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà Hà Nội đang sở hữu, các nghệ nhân làng nghề, nghệ nhân trình diễn sáng tạo để sản phẩm hoặc tiết mục phù hợp với đời sống đương đại, được công chúng tiếp nhận và có giá trị lâu bền trong thời đại mới.

Góc trải nghiệm nặn tò he

Góc trải nghiệm nặn tò he

Chính vì vậy, cùng là sản phẩm nặn tò he ở Phú Xuyên, nhưng đến với lễ hội lần này sẽ không chỉ có những hình thù như bông hoa, con giống… mà sẽ có cả những hình ảnh về điểm đến lịch sử của Hà Nội. Đặc biệt, các nghệ nhân nặn tò he đã sáng tạo ra chất liệu mới, để thay vì tò he giữ được 1 - 2 tuần thì nay có thể bảo quản được một năm.

Đặng Văn Khương, Phó Chủ nhiệm CLB làng nghề tò hè Xuân La cho biết, để làm được tiểu cảnh này, làng nghề đã huy động 30 người cùng tham gia vào khâu tạo tác và làm việc cật lực trong hơn 1 tháng. Để tạo dáng cho các danh lam thắng cảnh của Hà Nội như chùa Một Cột, Bảo tàng Hà Nội... giống với thực tế, các thành viên CLB đã tìm hiểu hình ảnh trên sách báo và đi thực tế khảo sát.

Ông Đặng Văn Khương chia sẻ, làm nghề này, chỉ đam mê và yêu nghề mới giữ chân được những người con của làng gắn bó với nghề. Còn thu nhập từ nghề quá ít ỏi. Những năm gần đây, làng nghề tò he Xuân La đã nhận được sự quan tâm của Hội Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để người dân làng giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. "Chúng tôi được tham gia các hội chợ, các lễ hội. Nhờ đó, các hội viên của câu lạc bộ được tham gia quảng bá, để công chúng biết tới những đôi bàn tay vàng của làng nghề", ông Khương nói.

Cũng tại lễ hội, các sản phẩm sáng tạo của nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); đậu bạc Định Công (Hoàng Mai); dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ, đan cỏ Tế Phú Túc (huyện Phú Xuyên)… đã được các nghệ nhân làng nghề trình diễn quy trình thực hành và giới thiệu các sản phẩm truyền thống có thiết kế sáng tạo.

Lễ hội thu hút đông đảo du khách tham dự

Lễ hội thu hút đông đảo du khách tham dự

Bà Bùi Thị Hương Thủy, Phó Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cho rằng, năm nay, lễ hội được diễn ra trong thời tiết đẹp, nắng vàng và se lạnh. Nhưng lượng người tham gia lễ hội đông đảo còn vì sức hấp dẫn của các loại hình phi vật thể độc đáo của Hà Nội. Nhiều người dân cho biết, họ thích lễ hội theo hình thức truyền thống cũng như cách trưng bày mang đậm tính dân tộc.

Những tiểu cảnh do các nghệ nhân tò he thực hiện đã tái hiện giai đoạn lịch sử của Hà Nội và làm người dân quan tâm nhiều hơn tới loại hình nghệ thuật này. Trước đây, những con giống mang màu sắc xanh đỏ không hẳn đã hút ánh nhìn của người xem. Nhưng khi xem những tiểu cảnh này, du khách đã nhận ra, tò hè không còn chỉ nặn con giống mà còn làm được nhiều hơn thế. Rồi chương trình trình diễn các loại hình nghệ thuật của Hà Nội diễn ra vào tối ngày 12-12, đã thu hút rất đông khán giả và diễn ra liên tục trong 3 tiếng rưỡi đồng hồ. "Điều đó chỉ nói lên rằng, người dân không bàng quan trước nghệ thuật truyền thống dân tộc, mà trái lại, tình yêu ấy chỉ cần được nhóm lên là bùng cháy", bà Thủy khẳng định.