Không để bạo lực thành thói quen ứng xử

Lễ hội tràn lan: “Mượn tiếng sự thần mà cầu tư lợi”

ANTĐ - Câu chuyện về những xô bồ trong lễ hội văn hóa đầu năm mới còn đang nóng hổi, khi những người có trách nhiệm đang đau đầu đi tìm hướng giải quyết cho những hành vi phản văn hóa, phản tín ngưỡng ngày một dày thêm theo cấp số nhân thì lại có thêm những hình ảnh gây sốc, như kiệu bay đâm vỡ kính xe ô tô và biển người ngồi trước cổng chùa dâng sao giải hạn.

Lễ hội tràn lan: “Mượn tiếng sự thần mà cầu tư lợi” ảnh 1Cảnh chen lấn và đánh nhau ở các lễ hội 

Lật tìm lại những nguyên nhân khiến lễ hội văn hóa ngày càng loạn thì có muôn vàn câu trả lời, nào phục dựng quá nhiều để giờ đây “khủng hoảng thừa”, nào văn hóa đạo đức cùng xuống cấp, đồng tiền trở thành thước đo chuẩn mực mới của xã hội dẫn đến nhân - nghĩa - lễ - trí - tín bị coi nhẹ. Trẻ không kính già, trò không trọng thầy… Thế nhưng, tròn 100 năm trước, năm 1915, học giả Phan Kế Bính khi viết cuốn “Việt Nam phong tục” đã nói sâu, nói kỹ về đời sống tinh thần của người Việt, đọc mà giật mình bởi: “Tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng, lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, tục dở…”. Thế mới biết, cái tục dở kia, dù đã được nhận diện vẫn cứ theo lề lối mà tồn tại, còn con người hôm nay thì cực đoan khăng khăng thuận theo “chủ thể sáng tạo”, dù cho nó có là hành vi phản văn hóa, hễ đi hội là cướp: cướp lộc, cướp ấn, cướp lương, trèo cả lên ban thờ để cướp, cả vung gậy phang nhau giữa sân đền, chen lấn xô đẩy đến ngất xỉu… cũng chỉ để cướp, để đoạt.

Phan Kế Bính viết về việc hội trăm năm trước rằng: “Khi nào hòa cốc phong đăng, dân gian làm ăn thịnh vượng mới dám hội, hoặc khi nào được sắc phong của thần, khánh thành việc làm đình, làm miếu, cùng là việc gì là việc chung của làng mới hội”, nhưng “Nhập tịch niên thì năm nào cũng phải có, còn thường thì năm mười năm hoặc năm bảy mươi năm mới tổ chức một lần”. Về chuẩn bị lễ hội cũng được viết rõ, trước hết sửa sang đình miếu, luyện tập. Gia quan - người cai kiệu phải chay sạch từ nhiều hôm trước, những người dự vào việc rước cũng phải chay sạch. Ngay các trò chơi trong ngày hội phải tuân theo lệ quy định chung, không thể tùy tiện… 

Đọc “Việt Nam phong tục” nhiều đoạn giật mình, như thể cụ Phan Kế Bính đang bàn về chuyện lễ hội ngày hôm nay, của thế kỷ 21 vậy.  “Xét cái tục hội hè ở ta rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà mua lấy cái khó nhọc vào mình. Đã đành mở hội, trước là trọng việc sự thần, sau là cầu vui cho dân, nhưng trọng mà rước xách tế bái lắm thì hóa ra khổ” hoặc “Xưa nay chỉ mấy người hào trưởng trong làng là sính mở hội, vì họ có nhiều món lợi riêng, như mở tổ tôm điếm, bài phu điếm hoặc gá bạc lấy hồ… Họ mượn tiếng sự thần mà kỳ thực là cầu tư lợi. Mà khốn nạn cho dân đàn em lại phần nhiều là ngu xuẩn, động nói đến việc sự thần thì không ai dám gàn trở gì nữa, dẫu là khổ cực thế nào cũng nhắm mắt mà chịu”. “Thiết tưởng nơi nào có những tục thô bỉ, cuộc nào tỏ những cách đê tiện thì nên lập tức bỏ đi. Mà trong cuộc hội hè, chưa có thể cải lương được hết, thì cũng nên giảm bớt những sự vô ích, tỉnh bớt những cách phiền phí, chỉ hội trong 3 ngày là đã nhiều. Dân đàn em cũng nên biết rằng, phàm sự gì đã có lợi hại can hệ đến mình thì mình phải suy xét, điều gì nên nghe hãy nghe, điều gì không nên thì đừng, chớ có cúi đầu ai bảo xôi là xôi, ai bảo thịt là thịt thì là hèn hạ quá. Mà dẫu ai có viện thần quyền để đè nén mình thì cũng nên biết rằng: thần chẳng qua cũng ở bụng dân mà ra, lòng dân có thuận thì thần mới thuận. Sách có chữ rằng: “Tiên chí lực dư dân, nhi hậu thần giáng chi phúc”, nghĩa là trước hết phải dùng sức mà lo cho dân, rồi thần mới giáng phúc cho, vậy thì thần cũng phải lấy dân làm trọng, huống là dân không thuận thần lại cưỡng được sao”.

Bàn về loại bỏ những hủ tục, cụ Phan đưa ra quan điểm: “Tục cũ đã truyền nhiễm lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi phải lựa dần dần, trước hết, phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy thì cứ giữ lấy. Song muốn biết tục nào hay tục nào dở thì phải xét tự gốc tích cái tục đó…”.

Phan Kế Bính (1875-1921) là một nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông sinh tại làng Thụy Khê (nay thuộc quận Tây Hồ) trong một gia đình khoa cử. Việt Nam phong tục cũng là cuốn sách nổi tiếng nhất của ông, một công trình nghiên cứu công phu những phong tục, tập quán lâu đời của dân tộc. Cuốn sách ra đời tròn 100 năm trước, cho đến thời điểm này vẫn là sách “gối đầu giường” cho rất nhiều thế hệ học giả nghiên cứu văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng. Duy chỉ có điều từng câu từng chữ trong sách quý vẫn còn quá ít người đọc và hiểu được.